Từ bên trái đếm qua bên phải, Ni Sư Giới Hương, người đứng hàng thứ tư kế thầy Trừng Sỹ.
Chúng Tỳ Kheo Ni, Chúng xuất gia nữ, hay những con gái của dòng họ Thích, là một trong những chúng đệ tử lớn của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Họ đều có khả học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp, hoằng Pháp, hộ Pháp, chứng Pháp, và ứng dụng giáo Pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong đời sống hiện tại. Với chủ đề trên, “Giới Hương, Vị Ni Sư Trong Thời Hiện Đại,” là một đề tài được thảo luận trong bài viết này.
“Giới Hương” là một cụm từ ghép của tiếng Hán-Việt; Giới có nghĩa là giới luật hoặc là đạo đức. Hương có nghĩa là hương thơm. Vậy “Giới Hương” có nghĩa là hương thơm của người học, hiểu, và hành trì giới luật của Đức Phật. Ở đây, “Giới Hương” là đạo hiệu của vị Ni Sư, Trú Trì Chùa Hương Sen[1] ở Nam California, Hoa Kỳ. Thật vậy, khi đọc cụm từ “Giới Hương,” chúng ta liền nghĩ tới một bông Hoa đức hạnh có màu sắc đẹp và hương thơm. Khi nghe và nhìn thấy bông hoa đó, chúng ta đều sinh tâm hoan hỷ và liên tưởng tới hình ảnh đẹp của người xuất gia. Một trong những bài thơ thiên nhiên, tác giả Thích Trừng Sỹ viết rằng:
“Nguyện học hạnh của HOA
Tỏa hương thơm đức hạnh
Khéo nói lời ái ngữ
Ban tặng cho mọi nhà.”[2]
Như vậy, bông hoa được đề cập ở bài thơ trên được dụ cho người tài và đức, hoặc cho vị hành giả cư sĩ và xuất sĩ. Trong bài viết này, nó được chỉ cho Ni Sư, người có đạo hiệu là Giới Hương, một trong những người xuất gia Nữ trong thời hiện đại. Từ khi có đủ duyên lành trở thành người Nữ xuất Sĩ, Ni Sư gặp không ít nghịch cảnh khác nhau trong cuộc sống, nhưng nhờ sự khéo léo học, hiểu, hành trì, ứng dụng Phật pháp, sử dụng ngôn ngữ từ ái, Ni Sư không những vượt qua các nghịch cảnh suông sẻ, mà còn xây dựng tình huynh đệ, pháp lữ, đồng tu tốt đẹp, như việc tu, học, thành lập Chùa, nuôi dạy Ni chúng đệ tử, v.v…
Trong Kinh Pháp Cú, kệ số 52, Đức Phật dạy: “Như bông Hoa tươi tốt vừa có sắc đẹp, vừa có hương thơm. Cũng vậy, người khéo nói điều lành, nghĩ điều lành, và làm điều lành sẽ đem lại kết quả tốt cho nhiều người.” Bông Hoa ở đây là danh từ số ít được dụ cho vị hành giả, có thể là người con trai hay người con gái, đệ tử của Đức Phật. Ở đây, vị ấy được hiểu là Ni Sư Giới Hương, người biết cách chăm lo, vun trồng, và phát triển đóa hoa đạo hạnh và đạo đức trong quá trình tu, học, và hoằng Pháp ở Việt Nam, Ấn Độ, và Hoa Kỳ.
“Hoa chiên đàn, già la,
Hoa sen, hoa vũ quý,
Giữa những hương hoa ấy,
‘Giới Hương’ là vô thượng.”
(Kinh Pháp Cú, kệ số 55)
“Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời.”
(Kinh Pháp Cú, kệ số 54)
Hoa vật lý có nở, có tàn, có sinh, và có diệt. Hương của nó chỉ bay theo chiều gió, nó không thể nào bay ngược chiều gió, nhưng hoa đạo đức không bao giờ có sinh và diệt, nó bắt nguồn từ hành giả tu tập, hành đạo, hiểu đạo, hộ đạo, hoằng đạo, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại lợi ích cho nhiều người. Vị hành giả này được chỉ cho “bậc chân nhân,” đệ tử của Đức Thế Tôn. Ni Sư Giới Hương là một trong những đệ tử xuất gia của Đức Phật trong thời hiện đại, có tu, học, giảng dạy, trải qua các trường lớp Phật học và thế học, nuôi dưỡng, trưởng thành, và phát triển đời sống đạo đức và tâm linh tốt đẹp. Khi chúng ta hiểu và thực hành như vậy, đóa Hoa đạo đức của bậc chân nhân không bị bất cứ làn gió nào làm ngăn cản, nó có thể bay cao, bay xa, và lan tỏa trong nhiều phương khác nhau. Khi nghe và biết tới người này, người ta sẽ sinh tâm hoan hỷ và thiện cảm.
“Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được làm.
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều việc lành.”
(Kinh Pháp Cú, kệ số 53)
Dựa vào một đống hoa, người ta có thể kết thành nhiều tràng hoa. Cũng vậy, từ tấm thân vật lý này, người hành giả có thể làm nhiều việc lành và việc thiện để đem lại lợi ích cho nhiều người. Ngược lại, nếu dựa tấm thân vật lý này, những ai làm các điều bất thiện sẽ đem đến hại mình và hại người ngay trong cuộc sống hiện tại. Là người con trai hay con gái của Đức Phật, khi học, hiểu, áp dụng, và thực hành Bát Chánh Đạo, chúng ta có cái nhìn đúng, suy nghĩ đúng, lời nói đúng, hành động đúng, mưu cầu sinh nhai đúng, siêng năng đúng, nhớ nghĩ đúng, và dừng lại đúng để chúng ta có thể nhận diện, thanh lọc, và chuyển hóa điều xấu thành điều tốt, điều sai thành điều đúng. Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì chúng ta sẽ đem đến nhiều lợi lạc và hòa bình đích thực cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.
“Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy.
Bậc Thánh đi vào làng.”
(Kinh Pháp Cú, kệ số 49)
Thực vậy, những người đệ tử của Đức Phật, dù là người nam xuất gia hay là người nữ xuất gia, dựa vào bài kệ Pháp Cú trên, học theo hạnh của những con ong, tìm hoa để hút nhụy hoa hay mật hoa rồi bay đi, nhưng chúng không làm tổn thương hương sắc của hoa. Cũng vậy, những người đệ tử của Đức Phật đi vào thôn, xóm để làm Phật sự, quyên góp vật chất cho việc xây dựng Chùa chiền, đúc chuông, in kinh sách, v.v… thì phải xem xét những việc làm của mình rõ ràng và kỷ lưỡng để phù hợp với công tác Phật sự. Không lợi dụng lòng tin nhẹ dạ của các vị thí chủ để trục lợi cho cá nhân, để làm những việc không đúng với chánh Pháp, thì chúng ta sẽ đánh mất tín tâm của họ và sẽ có tội với Tam Bảo. Khi hiểu và thực hành như vậy, thì chúng ta có thể đem lại uy tín và tín tâm rất nhiều cho những người Phật tử, những người sẽ hộ trì Tam Bảo bền lâu và đắc lực.
Khi học Phật pháp, chúng ta biết cái tâm hiện ra cái tướng bên ngoài. Tâm tham hiện ra tướng tham. Tâm sân hiện ra tướng sân. Tâm si hiện ra tướng si, v.v… Ngược lại, tâm vô tham hiện ra tướng vô tham hay tướng bố thí. Tâm vô sân hiện ra tướng vô sân hay tướng từ bi. Tâm vô si hiện ra tướng vô si hay tướng trí tuệ và chánh kiến, v.v… Với tâm vô tham, chúng ta có thể khởi tâm từ thiện, như bố thí, cúng dường, ủng hộ, và hộ trì Tam Bảo. Với tâm vô sân, chúng ta có thể thực hành ái ngữ và lắng nghe. Với tâm vô si, chúng ta có thể thực hành chánh kiến và chánh tư duy rất là vững chãi trong cuộc đời. Là những người hành giả, đệ tử của Đức Phật, chúng ta có thể tiếp nhận và chọn lọc những điều đúng và điều sai, những điều tốt và điều xấu. Những điều đúng và điều tốt sẽ được duy trì và phát triển. Những điều sai và điều xấu sẽ được chọn lọc, nhận diện, và chuyển hóa tốt đẹp. Khi hiểu và thực tập được như vậy, chúng ta có thể đem lại nhiều hoa trái an vui và hạnh phúc cho nhiều người.
Qua những gì được đề cập trên đây, người có giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát, và giải thoát tri kiến hương là người đã trải qua quá trình tu, học, hoằng Pháp, hộ Pháp, hành Pháp, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, và hằng năm. Với chủ đề của bài viết này, “Giới Hương, vị Ni Sư trong thời hiện đại,” vừa là đạo hiệu của Ni Sư, vừa là người hành giả tu, học, thực hành, và ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hằng ngày để đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Thật vậy, vị Ni Sư, nữ xuất sĩ người Việt Nam, một trong những người con gái của dòng họ Thích, đã thành công trong nhiều lãnh vực giáo dục, học thuật, giảng dạy, viết lách, dịch thuật, và đặc biệt là xây dựng tình huynh đệ, pháp lữ, và đồng tu tốt đẹp.
By Thích Trừng Sỹ
[1] Huong Sen Buddhist Temple, 19865 Seaton Avenue, Perris, CA 92570, USA. Tel: 951-657-7272 , Cell: 951-616-8620
[2] http://phapnhan.org/tv/nhung-bai-hoc-thien-nhien-voi-nhung-hinh-anh-phong-phu/