Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
” KHÔNG THẦY ĐỐ MÀY LÀM NÊN ”
Phật tử Quảng An ngâm
Không Thầy đố mày làm nên, câu nói đơn sơ mà thâm thuý. Để có chánh kiến, Phật dạy nhờ nhận thức hợp lý và được nghe được học từ vị minh sư, từ thầy lành bạn tốt. Nên hay không, thành hay bại, khổ hay vui phần đa phụ thuộc vào người thầy hướng dẫn. Từ đời đến đạo, ai cũng cần có Thầy mở lối mới có thể tiến bộ trưởng thành, trừ Đức Phật Chánh Đẳng Giác không Thầy tự ngộ tự tìm ra con đường và chỉ dạy lại con đường ấy. Đệ tử Đức Phật đã chứng ngộ Tứ quả được gọi là Thanh Văn, tức phải nương âm thanh lời nói hay sự chỉ dạy của bậc Thầy mới có thể giác ngộ được.
Theo quan niệm của Khổng Tử, người Thầy được xếp trên người cha trong gia đình, “Quân – sư – phụ”, đứng đầu là Vua, đến Thầy rồi mới đến cha. Tuy cha là người sanh ra ta nhưng gần gũi dạy dỗ về tri thức và đạo đức chính là Thầy. Thầy quan trọng đến thế. Cha mẹ cho thân tứ đại nhưng không có Thầy hướng dẫn đạo lý thì muôn kiếp nghìn đời ta mãi còn lênh đênh trong bể khổ. Một phen nhận được lưỡi gươm trí tuệ Thầy trao là người học trò từ đây có con đường chấm dứt chuyện tử sanh.
Đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi rằng biết ơn và đền ơn là người khó tìm, bởi mỗi người sanh ra đều có những hạt giống của vô ơn, nếu không được tưới tẩm thì gần như những ân tình của cuộc đời ta sẵn sàng phủi tay quên lãng, cho dù đó là những ân nghĩa trời biển với ta. Lòng biết ơn là nhân cách để làm người, là biểu hiện của sự thăng hoa tâm thức, không một bậc Thánh nào vô ơn và mà thành tựu đạo quả. Vì thế, Ngài Xá Lợi Phất khi đã chứng quả Thánh A La Hán đệ nhất trí tuệ từ Đức Phật nhưng từng ngày trôi qua ở trong tinh xá Ngài đảnh lễ Thế Tôn trước và sau đó đến Ngài Assaji để biểu hiện lòng biết ơn.
Trước khi gặp Phật, Ngài gặp Thầy Assaji. Thầy Assaji đưa Ngài vào đạo từ lần gặp đầu tiên, đã giúp Ngài chứng được Sơ quả qua bài kệ duyên sanh. Có bữa Ngài Assaji không có trong tinh xá thì Ngài Xá Lợi Phất hướng về phương xa, nơi Thầy Assaji trú ngụ để đảnh lễ bái vọng kính lễ. Một Bậc Thượng thủ Thanh Văn, bậc Tướng Quân Chánh Pháp, một người mà Đức Phật đã từng nói trong Kinh Tăng Chi, Phẩm Người Tối Thắng rằng Ngài có thể thay Phật vận chuyển bánh xe pháp: “Ta không thấy một người nào khác, này Các Tỳ- Kheo, có thể chơn chánh chuyển vận Vô Thượng Pháp luân do Như Lai chuyển vận, này các Tỳ Kheo, như Xá Lợi Phất. Xá Lợi Phất, này các Tỳ Kheo, chơn chánh chuyển vận Vô thượng Pháp luân do Thế Tôn chuyển vận”, một người trí tuệ đệ nhất vĩ đại chỉ sau Phật, nhân vật số hai trong tam giới chỉ sau Đức Phật, vậy mà từng ngày đều hướng về vị Thầy của mình để lễ lạy với lòng tri ơn như thế, đủ để cho ta thấy rằng sự quan trọng của người Thầy hướng đạo ra sao.
Thời Đức Phật, Tăng Ni và Phật tử đã chứng Sơ quả thì niềm tin về Phật là bất động tịnh tín dù trong hoàn cảnh nào. Có những Phật tử thuần thành, trong nhà của họ luôn để dành một chỗ trang nghiêm, trung tâm và tôn kính nhất để mong một ngày Đức Phật có thể ngang qua đây, dù biết rằng cơ duyên để Thế Tôn ghé ngang là rất ít và cho dù họ biết không thể thỉnh Phật quang lâm nhưng vẫn dành cho Ngài một nơi trang trọng nhất. Đó là lòng tôn kính, đó là lòng biết ơn về Người đã khai sáng tâm linh cho họ. Sau khi Ngài Niết Bàn rồi thì nơi ấy trở thành bàn thờ trang nghiêm để nhớ về Phật. Bậc trí tá túc dưới gốc cây qua đêm, sáng dậy ra đi không nỡ không đành ngắt một cành cây chiếc lá bởi lòng biết ơn vì dù gì nơi ấy đã chở che cho ta một đêm an giấc yên bình.
Ngày nào còn biết ơn, ngày đó còn hạnh phúc. Tu tập càng thăng tiến thì lòng tri ân càng lớn lao. Vì thế, mỗi ngày có thể qua đi nhưng xin hãy thắp lên ngọn nến tri ân những người lái đò thầm lặng vẫn miệt mài cao cả ngày đêm đã đến đã đi để giáo dưỡng bảo bọc cho ta ngày thêm vững chãi. Trên hết và trước nhất, chúng con một lòng cung kính biết ơn Đức Phật đã chỉ bày cho chúng con đường về bến giác, niệm ơn những bậc Thầy đã truyền trao dẫn dắt cho chúng con từng bước chân thảnh thơi và tịnh lạc đi về nẻo chánh.
Xin tri ân và đảnh lễ cung kính tất cả những vị Thầy mà chúng con được học hỏi và tiếp nối ngọn đèn tuệ giác và tình thương.
Như Nhiên- TTT
Cảm Niệm Ơn Đời
Chắp tay xin Tạ Ơn Đời
Mỗi ngày được nở nụ cười bình yên .
Cho dù kiếp sống bấp bênh
Cảm ơn ngàn mối nhân duyên tác thành..
Cảm ơn Phụ Mẫu đa sanh
Miếng cơm, manh áo..đã dành cho con!
Ơn Thầy giáo dục, kiện toàn
Thương yêu, hiểu biết, sẻ san, giúp đời.
– Một lần xin Tạ Ơn Người
Dù ban hạnh phúc, hay lời đắng cay..
Vẫn là giúp đỡ, đắp xây
Nhờ bao mưa, nắng.. mà cây trưởng thành..
Cảm ơn chị, cảm ơn anh
Đường trần khúc khuỷu đồng hành có nhau..
”Áo xưa dù có phai mầu
Cũng xin Tình nghĩa.. bạc đầu mến thương..”
Cảm ơn sớm gió, chiều sương
Con đò sang bến, con đường ngược xuôi.
Cảm ơn từng giọt nắng ngời
Cho hồn xán lạn giữa đời âm u..
Cảm ơn lá rụng chiều thu
Lặng nhìn, đón nhận cánh thư vô thường
Cảm ơn đời sống vui, buồn..
Một dòng mây nước xả buông, nhẹ cười!
.. Mỗi ngày ngồi ngắm cuộc đời
Tạ ơn sông núi, đất trời mênh mông..
Nghe đời mầu nhiệm sắc, không
Nghe nghìn Hạnh Phúc bên lòng Biết Ơn..
Như Nhiên -ThíchTánhTuệ
Facebook Comments Box