2513 lượt xem

Hai tính chất cần có trong tâm hồn người con Phật

Thích Tánh Tuệ

Quảng An

 

Hai tính chất cần có trong tâm hồn người con Phật.
Mời nghe giọng ngâm của Phật tử Quảng An

Một người đệ tử Phật trong tâm phải có hai tính chất:
Thứ nhất là xem cuộc đời này là giả tạm, chóng qua, không quan trọng;
Thứ hai, tuy xem cuộc đời này là giả tạm mà lòng lại thương yêu chúng sinh tràn đầy.
Đủ cả hai tính chất thì đó là người đệ tử Phật chân chính. 

Chúng ta hãy nhìn lại tâm mình xem có cả hai tính chất đó chưa? Chúng ta có xem cuộc đời này là giả tạm chóng qua hay vẫn thấy cuộc đời này là đáng yêu đáng quí, để rồi tham lam, tranh giành, thù hận? Phải có cái tính chất, cái nhìn, cái trí tuệ của Phật mới thấy cuộc đời này là giả tạm, hư ảo không đáng để mình tham đắm, bám víu. Đó là cái thứ nhất. Thứ đến là lòng phải thương yêu con người, chúng sinh vạn loài.

Khi tâm ta có hai điều đó rồi sẽ phát sinh nhiều thái độ sống tích cực: Vì biết đời là giả tạm nên ta không chấp cuộc đời, không tham lam, không tranh giành, không thù hận. Vì thương yêu con người nên ta hết lòng tận tụy phụng sự cuộc đời. Đây cũng là một tính chất rất độc đáo của người đệ tử Phật, vừa không vừa không tham đắm cuộc đời mà vừa tận tụy phụng sự cho đời.

Thông thường, nếu không phải là đệ tử Phật thì có người xem cuộc đời này là đáng chán, không cần phải bám víu rồi quay lưng thờ ơ thụ động với cuộc đời; hoặc có người rất tận tụy, năng nổ, nhiệt tình nhưng lại xem cuộc đời này quá thật để rồi có những lúc phiền lòng, giận hờn, ganh tỵ… Người đệ tử Phật tràn đầy lòng thương yêu con người, nguyện đem hết sức mình hy sinh tận tụy, phụng sự cho đời… sau này dễ vào dòng Thánh, trở thành một vị Thánh vừa ung dung tự tại giải thoát vừa có uy đức thật lớn lao. Nhân quả là như vậy.

– Chúng ta nói đến phước tâm linh. Chúng ta thấy, hầu như các chùa đều thờ Đức Phật trong tư thế ngồi thiền nhập định. Ngài ngồi nhập định suốt 49 ngày mới đắc đạo và sau đó đem phương pháp thiền định dạy lại cho đệ tử.

Ngày nay, tất cả những ai tu theo Phật đều cũng phải biết ngồi thiền nhập định như thế, giữ tâm vắng lặng như thế, thì mới là người đệ tử biết học theo hạnh Phật. Khi tâm đã vắng lặng, bỏ hết mọi tạp niệm, bỏ hết mọi đau khổ, mọi phiền toái, tham lam, thù hận, thì chỉ còn lại một cái tâm rỗng sáng, an vui, hạnh phúc.

Tâm vắng lặng là một cái tâm rất an vui, rất hạnh phúc và đó là tâm của bậc Thánh. Tâm của người phàm thì lúc nào cũng suy nghĩ, xao động, bất an, còn tâm Thánh là tâm tịch lặng rỗng sáng, hoàn toàn thanh tịnh. Chính Đức Phật đã nhập định như thế, tâm vắng lặng tuyệt đối như thế, và Ngài thành Phật. Thì bây giờ chúng ta cũng bắt chước Ngài, cũng phải biết ngồi thiền để tâm vắng lặng, không tạp niệm, tức là chúng ta đang đi theo con đường của Thánh.

Nhưng việc giữ tâm cực kỳ vắng lặng không phải là chuyện dễ. Để được cái phước giàu sang, nhiều tiền bạc, đi xe hơi, ở nhà lầu,…đã là khó, thì cái phước ngồi thiền để được tâm vắng lặng, yên tĩnh còn khó hơn gấp vạn lần. Chúng ta là đệ tử Phật, đi theo con đường của Phật, thì cần phải biết tạo phước thế nào để vừa có đời sống vật chất thoải mái vừa để tâm lắng sâu trong thiền định. Người định được tâm là thuộc vào hệ của Thánh, lúc chết sẽ được Thánh hiền rước ngay sau khi bỏ thân. Tuy nhiên, chúng ta phải làm phúc, phải thương yêu, phải đem lại niềm vui và sự an ổn cho con người…rất nhiều, tâm mình mới dễ vào định được.

Chúng ta đã nói nhân quả làm cho cuộc đời mình được thoải mái hơn, được sung sướng hơn, nhưng những sự thoải mái, sung sướng, giàu sang đó không bao giờ có thể so sánh được với quả phúc của việc thiền định. Tâm an trú trong sự vắng lặng sáng suốt là tâm của bậc Thánh.

– Trong tất cả những điều phúc mà chúng ta làm để giúp người, những cái phúc ấy đôi khi hữu hạn. Ví dụ ta cho người một bao gạo, họ sống được một tuần, một tháng; giúp người học nghề là giúp họ được một đời; giúp người tin hiểu nhân quả là giúp người trong nhiều kiếp. Đời này người ta tin được nhân quả rồi, người ta làm được điều lành rồi, thì hết kiếp này qua những kiếp khác người ta sẽ giữ mãi cái nhân lành đó. Người ta sẽ gặp được Phật pháp, tin sâu nhân quả, và lại tiếp tục làm điều phúc lành nên phước người ta sẽ không bao giờ hết. Do đó, nếu mình giúp cho ai tin được nhân quả nghiệp báo, giúp cho ai nương tựa được với Tam bảo, là mình đã cứu người ta vô lượng kiếp. Dĩ nhiên, cái phước báo của mình là vô hạn.

Cho nên, đối với người đệ tử Phật chúng ta thì phúc lớn cũng làm, phúc nhỏ cũng không bỏ sót. Điều quan trọng nhất, lớn lao nhất là không bao giờ chúng ta được phép bỏ qua cơ hội giúp cho người biết được Nhân Quả- Nghiệp Báo, quy y Tam bảo…


Namo Buddhaya
__(())__
Facebook Comments Box

Trả lời