Thích Trừng Sỹ
Như quý vị biết đức Phật là một nhà giáo, một nhà giáo dục giác ngộ toàn hảo và thực nghiệm đã trao truyền đạo đức, thiền định, trí tuệ, an vui, hạnh phúc, và hòa bình cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.
Chúng ta là những người học trò của Người nỗ lực tu học và hoằng dương chánh Pháp, nguyện thắp lên ánh sáng chánh Pháp của đức Thế Tôn, nguyện đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.
Trong Kinh Thiện Sinh, Đức Phật đã dạy các mối liên hệ tương tức giữa thầy cô giáo và học trò được đề cập trong Kinh Thiện Sinh[1] như phương Nam như sau:
Đối với thầy cô giáo, người học trò có năm bổn phận: Một là, cung kính, lễ phép, và sẵn lòng giúp thầy cô làm những việc cần thiết. Hai là, biết vâng lời thầy cô dạy bảo. Ba là, biết lắng nghe và học hỏi những điều hay nơi thầy cô. Bốn là, phải có tinh thần cầu học với thầy cô giáo những gì hay tốt và mới lạ mà mình chưa biết. Năm là, biết thực tập, ứng dụng, và sáng tạo những gì mình đã học.
Ngược lại, đối với người học trò, thầy cô giáo cũng có năm bổn phận: Một là, giảng dạy cho học trò thấy biết chân chánh, tư duy chân chánh, nói năng chân chánh, lời nói, ý nghĩ, và việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, thiền định chân chánh. Hai là, hướng dẫn học trò những phương pháp sư phạm. Ba là, không che dấu kiến thức, hết lòng truyền trao kiến thức và kinh nghiệm sống cho học trò. Bốn là, truyền trao thân giáo, khẩu giáo, ý giáo cho học trò. Năm là, mong muốn học trò trở thành những người tài đức và giỏi hơn mình.
Thật vậy, qua lời Phật dạy, chúng ta biết quý Thầy Cô giáo giỏi, hạnh phúc, và gương mẫu, quý học sinh và sinh viên chăm học, thực hành, và áp dụng tốt những gì mình đã học từ nơi thân giáo, khẩu giáo, và ý giáo của những người trao truyền, tiếp nối, và tiếp nhận, thì họ sẽ thay đổi chính mình, người khác, và thế giới ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Nhân ngày nhà giáo 20-11 hằng năm, mến kính chúc quý Thầy Cô, quý học sinh, và sinh viên trên toàn thế giới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo con người tài, đức cho gia đình, học đường, và cho cả xã hội trên khắp thế gian này.
[1] Trường A Hàm, (Dīrghāgama), Phần II, Kinh số 16, và Kinh Bộ Kinh (Dīgha Nikaya), Kinh số 31.