NƯƠNG TỰA VỮNG CHÃI NƠI CHÍNH MÌNH
Tụng thuộc lòng hằng ngày
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Này các đệ tử, trong biển đại dương sinh, tử luân hồi,
hãy tự mình lội vào bờ giải thoát,
hãy tự mình thắp đuốc mà đi,
hãy tự mình nương tựa nơi chính mình,
hãy tự mình nương tựa nơi đảo của tự thân,
hãy tự mình làm hòn đảo để mình nương tựa,
hãy tự mình nương tựa vào sự tu tập vững chãi của chính mình,
không nương tựa vào bất cứ ai hoặc một vật gì khác.
Hãy dùng chánh Pháp làm ngọn đèn soi sáng cho chính mình,
hãy dùng chánh Pháp làm hải đảo cho tự thân,
hãy dùng chánh Pháp làm nương tựa tốt đẹp nhất cho chính mình,
hãy dùng chánh Pháp để mình tu tập và để làm lợi ích cho nhiều người ngay trong cuộc sống hiện tại.
Do đó, các vị quyết tâm nương tựa vào chánh Pháp, không nương tựa vào tà pháp, hay bất cứ một vật gì khác.
Nương tựa vào chánh Pháp có nghĩa là nương tựa vào sự tu tập đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến của chính mình.
Không nương tựa tà pháp có nghĩa là không nương tựa vào trời, thần, quỷ, vật, ngoại đạo, tà giáo, thầy tà, người xấu, và môi trường xấu.[1]
Trong Trường-bộ, Kinh Đại-bát-niết-bàn số 16, trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật khuyên dạy các đệ tử: “Hỡi các đệ tử, các pháp hữu vi đều vô thường và biến đổi. Các vị hãy tinh tấn tu học và thực hành Phật pháp nhiều hơn nữa, để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Đây là những lời dạy cốt yếu và thiết thực của Ta cho các người.”[2] (Chuông)
Là những người được đào tạo tốt, khéo léo học hỏi, hiểu biết, ứng dụng, và thực hành Phật pháp vào đời sống hàng ngày một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và thích hợp, như những con sư tử mạnh mẽ, chúng ta không sợ bất kỳ âm thanh và tiếng động nào trong cuộc đời.
Là những người được đào tạo tốt, khéo léo học hỏi, hiểu biết, ứng dụng, và thực hành Phật pháp vào đời sống hàng ngày một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và thích hợp, như những luồng gió thổi, chúng ta không sợ bị kẹt vào màn lưới.
Là những người được đào tạo tốt, khéo léo học hỏi, hiểu biết, ứng dụng, và thực hành Phật pháp vào đời sống hàng ngày một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và thích hợp, như những hoa sen tươi mát mọc lên khỏi bùn nhơ và nước đục, nhưng không bị bùn nhơ và nước đục làm ô nhiễm; tương tự như vậy, chúng ta sống trong đời, nhưng không bị đời làm ô nhiễm.
Là những người được đào tạo tốt, khéo léo học hỏi, hiểu biết, ứng dụng, và thực hành Phật pháp vào đời sống hàng ngày một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và thích hợp, như những hòn đảo vững chãi nhất của tự thân, chúng ta không sợ mọi phong ba, bão tố của cuộc đời.
Là những người được đào tạo tốt, khéo léo học hỏi, hiểu biết, ứng dụng, và thực hành Phật pháp vào đời sống hàng ngày một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và thích hợp, như những con tê giác hùng mạnh, chúng ta tiến những bước đi phía trước mạnh mẽ và vững chãi nhất trong cuộc đời.
Là những người được đào tạo tốt, khéo léo học hỏi, hiểu biết, ứng dụng, và thực hành Phật pháp vào đời sống hàng ngày một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và thích hợp, như những con chim có đầy đủ hai cánh bay vút trên bầu trời cao để thưởng thức không gian thênh thang, chúng ta có thể sống cuộc đời tự do, nhẹ nhàng, thanh thản, và thanh cao.
Khi hiểu và thực hành đều đặn được như vậy, chúng ta là những người an vui và hạnh phúc nhất trên đời. Từ việc ứng dụng và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày một cách thuần thục và trôi chảy, chúng ta có khả năng góp phần đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
(Chuông, Chuông, Chuông)
BY Thích Trừng Sỹ
[1] Kinh Tương Ưng V Phẩm tự mình làm hòn đảo.
[2] Xem Kinh Trường Bộ – Kinh Đại Bát Niết Bàn II số 16.