4060 lượt xem

Phật Đản trong Văn Hóa và Hòa Bình

Ban Hoằng Pháp Âu Châu      Thích Trừng Sỹ

PHẬT ĐẢN TRONG VĂN HÓA VÀ HÒA BÌNH

13 câu hỏi và 13 câu trả lời dưới đây rất sâu sắc.  

Ban Truyền Bá Phật Pháp Âu Châu đặt ra

Thầy Thích Trừng Sỹ trả lời.

Thượng Tọa Thích Trừng Sỹ

MC: PT. Thiện Thảo

Kỹ thuật viên: Nguyên Mãn

Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

1) GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ GIẢNG SƯ:

Con Thiện Thảo cung kính đảnh lễ Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni chứng minh,

Con cung kính đảnh lễ Thượng tọa Thích Trừng Sỹ, vị khách mời đặc biệt cho buổi Talkshow hôm nay, và con cũng xin kính chào quý Đạo hữu Phật tử.

Kính chúc quý vị sức khỏe, trí tuệ và an lạc🙏

Kính bạch Thượng Tọa, chúng con vô cùng tri ân Thầy đã nhận lời mời của ban tổ chức và cung đón Thầy. Lần đầu tiên, Thầy đến với buổi Pháp đàm của Ban Truyền Bá giáo lý Âu Châu.

Sau đây, chúng con xin có đôi lời giới thiệu Thượng Tọa đến với thính chúng.

Thượng Tọa Đạo Hiệu Thích Trừng Sỹ.

Thầy sinh năm 1968 tại Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam.

Năm 1985, thầy xuất gia tại Chùa Linh Nghĩa, và là đệ tử của Cố Trưởng Lão Hòa thượng Thích Như Tịnh, Viện Chủ khai sơn Chùa Linh Nghĩa, Diên Khánh, Khánh Hòa.

Năm 1988, Thầy thọ giới Sa di.

Năm 1993, Thầy Thọ giới lớn tại Giới Đàn Trí Thủ I tại Chùa Long Sơn, Nha Trang.

Năm 1994, Thầy tốt nghiệp Trung Cấp Phật học tại Nha Trang – khóa I, hạng nhì.

Năm 2001, Thầy tốt nghiệp Cử Nhân Phật học tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam – Sài Gòn – khóa IV, hạng ba.

Năm 2004, Thầy tốt nghiệp Thạc Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, Ấn Độ – hạng nhất.

Năm 2005, Thầy tốt nghiệp Phó Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng nhất.

Năm 2009, Thầy tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật học tại Đại Học Delhi, hạng ưu.

Từ năm 2010 đến năm 2012, Thầy đã sống và hoằng Pháp tại Chùa Cổ Lâm, thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Nơi đây, Thầy được trường Đại học Seattle, và Hội Giáo Viên Phật tử mời thuyết trình những đề tài Phật giáo nhiều lần.

Từ năm 2012 đến 2014, Thầy làm Giáo thọ tại Chùa Linh Sơn Austin, Leander, Texas.

Cuối năm 2014, Thầy và quý Phật tử có đủ duyên lành mua được mảnh đất và nơi đó Thầy đã thành lập ngôi Chùa Pháp Nhãn ở vùng phụ cận Austin tiểu bang Texas.

Đầu năm 2015, Thầy chính thức trụ trì cho đến ngày hôm nay. Nơi đây Thầy đã hoằng dương Phật Pháp cho những người Phật tử và không phải Phật tử tại Hoa Kỳ.

Năm 2018, Thầy đã thi đậu quốc tịch và chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.

Giới thiệu đôi nét về Thầy Thích Trừng Sỹ

Chúng con thành tâm cung kính giới thiệu đôi nét về Thượng tọa (chắp tay xá).

Kính bạch Thượng tọa, đọc qua tiểu sử của Thầy, chúng con vô cùng kính ngưỡng sự tu học của Thầy.

Trong chí nguyện hoằng Pháp, Thầy đã dành nhiều thời gian nỗ lực cho tự thân, hầu chia sẻ kinh nghiệm của mình, hướng dẫn hàng Phật tử chúng con tu tập Phật Pháp, đạt được an vui và hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.

Chúng con hôm nay nguyện lắng nghe những lời chỉ dạy của Thầy trong chủ đề “PHẬT ĐẢN TRONG VĂN HÓA VÀ HÒA BÌNH,” hầu noi gương Đức Phật Thích Ca, vững bước trên đường tu tập, nguyện đem lợi lạc cho mình và cho mọi người.

Câu hỏi 1: Kính bạch Thầy, nói đến Phật Đản là nói đến năm sinh của Đức Phật Thích Ca, và con biết là nhiều Phật tử bị nhầm lẫn trong cách tính năm sinh, bởi vì Phật lịch không tính từ ngày Phật đản. Xin Thầy có thể nhắc nhở lại cho chúng con con cách tính năm Phật lịch và năm Phật Đản như thế nào?

Trả lời: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật lịch sử sinh năm 624 trước công nguyên B.C.E. (Before Christ Era). Mình lấy 624 + 2024 (năm hiện tại) = 2648; 2648 là năm sinh của Đức Phật.

Có hai cách tính Phật lịch:

  1. 2648 – 80 (năm Đức Phật nhập diệt) = 2568; 2568 là năm Phật lịch tính từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
  2. 624 – 80 = 544; 544 + 2024= 2568; 2568 là năm Phật lịch tính từ khi Đức Phật nhập Niết-bàn.

Câu hỏi 2: Kính bạch Thầy, mùa Phật Đản làm chúng con nhớ đến vườn Lâm Tì Ni nơi Phật Đản sanh, hướng Bắc Ấn Độ, thuộc địa phận Nepal ngày nay. Con có thắc mắc, tại sao trong cương vị là một thái tử, nhưng Ngài không được sanh trong cung điện của vua cha, mà lại sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni cách đó 25 cây số.

Xin Thầy có thể thuật lại bối cảnh Đản sanh ngày đó như thế nào để chúng con có ấn tượng sâu hơn về sự kiện trọng đại này.

Trả lời: A) Trong thời xa xưa, chúng ta biết Nepal thuộc Ấn Độ. Văn hóa Ấn Độ xưa cũng như nay thuộc mẫu hệ, theo mẹ. Khi người phụ nữ có chồng sắp sinh con đầu lòng thì phải về lại cha mẹ ruột của mình để chuẩn bị cho kì sinh nở đầu tiên. Do đó, thánh Mẫu Maya cũng theo tập tục này. Khi biết sắp tới kỳ sinh con, tháp tùng với những người tùy tùng, thánh Mẫu trở về quê cha mẹ của mình cho lần sinh nở đầu tiên, nhưng giữa đường tới vườn Lâm Tỳ Ni, thánh Mẫu Maya đã hạ sinh hoàng nam được đặt tên là Tất-đạt-đa, con người toại nguyện cả đạo đức lẫn trí tuệ. Phương tiện di chuyển chính vào thời đó chỉ có xe ngựa mà thôi. Có vài sự kiện quan trọng gắn liền cuộc đời của Đức Phật:

  1. Sinh ra dưới gốc cây Vô Ưu (Ashoka) ở vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini)
  2. Thành đạo dưới gốc cây Bồ-đề (Bodhi) ở Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgaya)
  3. Nhập diệt dưới gốc cây Ta-la (Sala) ở Câu-thi-na (Kushinagar)
  4. Thuyết bài Pháp đầu tiên cho năm người cùng tu ở vườn Nai (Sanarth)

Bốn sự kiện nêu trên của cuộc đời Đức Phật đều gắn liền với môi trường thiên nhiên. Như vậy, từ xưa cho tới nay, đạo Phật luôn đề cao tới môi trường thiên nhiên rất giá trị và hữu hiệu.

  1. B) Trụ đá tại Rummindei của vua A-dục khắc ghi nơi sinh và năm sinh của Đức Phật bằng tiếng Brahmi. Trụ đá ghi rằng: “Lúc Đức Phật ra đời, dân chúng ở Lâm-tỳ-ni vào thời đó chỉ đóng thuế 1/8 mà thôi. Vào tháng 12 năm 1896, tiến sĩ Alois Anton Führer, người Đức khám phá trụ đá này và nhấn mạnh rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, con Người lịch sử bằng xương bằng thịt, có thật trong lịch sử loài người, đã đản sinh dưới cây Vô Ưu tại vườn Lâm Tỳ Ni năm 624 trước Công nguyên.’’

Phẩm Một Người trong Kinh Tăng Chi Bộ hoặc Kinh A-hàm ghi như sau: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người, chúng sinh đó chính là con người lịch sử – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.”

Những Đặc Điểm Trong Thời Kỳ Mang Thánh Thai

Trong thời gian mang thánh thai, thánh Mẫu Maya và Vua Tịnh Phạn cùng thần dân trong hoàng cung đều làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều lành, cụ thể là phát nguyện ăn chay để nuôi dưỡng và phát triển tâm thức của thánh thai. Thai nhi đã ảnh hưởng trực tiếp 80% tâm thức trong sáng và thánh thiện từ người Mẹ và người Cha chỉ có 20% mà thôi qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, nói năng, hành động, tiêu thụ, ăn uống, suy nghĩ, v.v… Do đó, trong khoảng thời gian mang thai, người mẹ và người cha rất là cẩn thận trong việc chăm sóc thai nhi. Chúng ta biết thai nhi của một con người bình thường ra đời được gọi là thai nhi phàm phu; thai nhi của một đức Phật ra đời được gọi là thánh thai nhi. Thật vậy, nhờ chăm sóc thánh thai nhi rất tận tình và chu đáo, khi Đức Phật sơ sinh ra đời, thánh Mẫu Maya trở thành người Mẹ ruột của Ngài.

Câu hỏi 3: Trong những bài viết mô tả sự kiện Đản sanh của Đức Phật, mang nhiều ngôn ngữ biểu tượng, như hình ảnh con voi trắng sáu ngà nhập vào mẫu thai trong giấc mơ, hình ảnh Đức Phật sơ sinh đi 7 bước, dưới đất vọt lên 7 hoa sen đỡ chân Ngài, và hình ảnh Đức Phật đưa một ngón tay trỏ bên phải chỉ lên trời và một ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất. Xin Thầy hãy giải thích cho chúng con ý nghĩa của những biểu tượng này, để chúng con thấy rõ hơn phẩm giá về con người Đức Phật mà ngôn ngữ biểu tượng đã cố gắng diễn tả phơi bày.

Trả lời: Chúng ta biết rằng, theo văn học Ấn Độ, con số 7 là con số hoàn hảo mang nhiều ý nghĩa triết học, đạo học, văn học, nhạc học, và tâm linh rất thù thắng.

a) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 ngày từ thứ Hai tới Chủ Nhật trong một tuần.

b) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 tiến trình đạt quả giác ngộ của các bậc Thánh:

  1. Tu-đà-hoàn (Sotāpanna)
  2. Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī)
  3. A-na-hàm (Anāgāmī)
  4. A-la-hán (Arahant)
  5. Duyên-giác (pacceka-buddha)
  6. Bồ-tát (Bodhisattva)
  7. Đức Phật. (Buddha)

c) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 Đức Phật:

  1. Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī Buddha)
  2. Đức Phật Thi-khí (Sikhin Buddha)
  3. Đức Phật Tỳ-xá-phù (Visvabhu Buddha)
  4. Đức Phật Câu-lưu-tôn (Krakucchanda Buddha)
  5. Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni (Kanakamuni Buddha)
  6. Đức Phật Ca-diếp (Kassapa Buddha)
  7. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni (Sakyamuni Buddha)

d) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 yếu tố giác ngộ:

  1. Trạch pháp (dhamma vicaya)
  2. Tinh tấn (viriya)
  3. Hỷ (pīti)
  4. Khinh an (passadhi)
  5. Niệm (saṭi)
  6. Định (samādhi)
  7. Xả (upekkhā).

e) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho 7 loại tài sản đặc thù của các bậc Thánh; các bậc thánh ở đây được hiểu là chúng ta, các hành giả, đệ tử của Đức Phật.

1. Tín tài (saddhādhana) là tài sản cao quý giúp chúng ta có lòng tin chân chính và sâu sắc nơi Tam Bảo.

2. Giới tài (sīladhana) là tài sản cao quý giúp chúng ta bảo hộ thân, khẩu, và ý thanh tịnh và trong sạch.

3. Tàm tài (hiridhana): Cảm giác hỗ thẹn với chính mình là tài sản cao quý đối với những điều bất thiện mà mình gây ra cho mình.

Ví dụ, mình uống rượu, mình không làm chủ được chính mình. Mình nóng giận, chửi mắng, đánh người người khác, v.vv… Sau khi hết say rượu, mình nhớ lại những hành động sai trái do mình uống rượu gây ra, mình cảm thấy xấu hổ về chính mình. Đó là tàm tài. 

4. Quý tài (ottappadhana): Cảm giác hỗ thẹn với người khác là tài sản cao quý đối với những điều bất thiện mà mình gây ra cho họ.

Ví dụ, mình lấy những gì không cho một người nào đó phát hiện được và nói rằng mình là người ăn cắp. Mình cảm nhận lời nói của họ rất đúng và có cảm giác xấu hỗ với họ. Đó là quý tài.

5. Văn tài (sutadhana): Sự học nhiều hiểu rộng về Phật Pháp là tài sản cao quý cho những người tu học Phật tinh chuyên và chánh niệm.

6. Thí tài (cāgadhana): Trong các loại bố thí, Pháp thí là tài sản cao quý nhất giúp mọi người hiểu rõ, nhận diện, và chuyển hóa tâm tham lam, bỏn xẻn, và keo kiệt của mình.

7. Tuệ tài (paññādhana): Trí tuệ nghe, trí tuệ tu tập, và trí tuệ tư duy là tài sản cao quý giúp mọi người hiểu sâu sắc về nhân quả, vô thường, khổ, duyên sinh, duyên khởi, và Bát Thánh Đạo.

f) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho nốt nhạc có 7 ký âm:

  1. Đô – Mi – Sol (Đô trưởng)
  2. Rê – Fa# – La (Rê trưởng)
  3. Mi – Sol# – Si (Mi trưởng)
  4. Fa – La – Đô (Fa trưởng)
  5. Sol – Si – Rê (Sol trưởng)
  6. La – Đô# – Mi (La trưởng)
  7. Si – Rê# – Fa# (Si trưởng).

g) Bảy bước chân đi trên 7 hoa sen tượng trưng cho thời gian và không gian hiện hữu trong vũ trụ:

Thời gian có 3: Quá khứ, hiện tại, và vị lai.

Không gian có 4: Phương Đông, Phương Tây, Phương Nam, và Phương Bắc.

Xuyên suốt thời gian và không gian hơn 26 thế kỷ qua, vì nguyện lực cứu độ chúng sinh, Đức Phật thị hiện ra đời. Các đặc điểm đặc thù của đạo Phật là không bao giờ có chiến tranh tôn giáo trong khi các tôn giáo thế giới, kể cả tôn giáo phát sinh ở Việt Nam đều đã từng xảy ra chiến tranh tôn giáo.

Đức Phật là vị Vua của hòa bình, các đệ tử của Ngài là những vị sứ giả của hòa bình. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều cùng nhau giảng dạy hòa bình cho thế giới trong tinh thần từ bi và bất bạo động (ahimsa). Trong điều đạo đức thứ nhất, bức thông điệp tuyên ngôn về hòa bình, Đức Phật đã dạy, đừng tự mình giết, đừng bảo người giết, đừng thấy người giết mà mình vui làm theo.

Ý nghĩa đó nói lên tinh từ, bi, trí tuệ, và đặc biệt là tinh thần hòa bình của đạo Phật. Chúng ta biết rằng nội dung chánh Pháp của đạo Phật không bao giờ dung chứa các loại phiền não, tham, sân, si, vô minh, tà kiến, bạo động, và hận thù, kể cả những điều mê tín dị đoan. Ngược lại, chánh Pháp của đạo Phật, con đường hòa bình, tương tức mật thiết với đạo đức, thiền định, và trí tuệ  bao gồm cái thấy hòa bình, tư duy hòa bình, lời nói hòa bình, hành động hòa bình, nghề nghiệp mưu sinh hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, và tập trung hòa bình. Như vậy, khi đi đúng con đường hòa bình của đức Thế Tôn đã dạy để cùng nhau áp dụng và thực tập Phật Pháp tinh chuyên vào trong đời sống hằng ngày của mình, thì chúng ta có thể hiến tặng những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho thế gian này.

h) Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi CBETA bản điện tử số 185 ghi như sau:

“Khi ra đời, Đức Phật sơ sinh bước đi bảy bước; ý nghĩa của bảy bước được trình bày như sau:

  1. Bước thứ Nhất: Đức Phật nhìn về phương Đông và bảo rằng: “Phương Đông là phương mặt trời mọc, tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ phá tan bóng tối vô minh, đưa đường chỉ lối an vui và hạnh phúc cho chúng sinh trong cuộc đời.
  2. Bước thứ Hai: Đức Phật nhìn về phương Nam và bảo rằng: “Phương Nam là phương hoằng pháp, duy chuyển theo chiều kim đồng hồ, tượng trưng cho ruộng phước an lành để chúng sinh gieo trồng và gặt hái.
  3. Bước thứ Ba: Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Phương Tây là phương mặt trời lặn, tượng trưng cho sự an tịnh và chân hạnh phúc. Sự sinh đã tận, hạnh thánh đã thành, những gì làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái sinh tử này nữa.’’
  4. Bước thứ tư: Đức Phật nhìn về phương Bắc và bảo rằng: “Phương Bắc là phương thành tựu, đạt thành chánh giác hoàn hảo.’’
  5. Bước thứ Năm: Đức Phật nhìn lên phương Trên và bảo rằng: “Phương Trên là phương hướng thượng, vươn lên, thăng tiến, đạt được, và thành tựu các việc lành để giáo hóa chúng sanh, chuyển hóa mọi phiền não mê lầm, cùng đi trên đường chánh, làm lợi lạc quần sanh.’’
  6. Bước thứ Sáu: Đức Phật nhìn xuống phương Dưới và bảo rằng: “Phương Dưới là phương đi vào cuộc đời, thực hành Bồ-tát hạnh, Bồ-tát nguyện, và Bồ-tát đạo, hòa nhập vào đời để cứu độ chúng sinh, chuyển hóa, và thanh lọc các phiền não tham, sân, si, v.v…’’
  7. Cuối cùng, bước thứ Bảy: Bằng hình ảnh rõ ràng và dễ thấy, khi ra đời, Đức Phật sơ sinh chỉ một ngón tay trỏ bên phải lên trời và một ngón tay trỏ bên trái xuống đất, Ngài tuyên bố rằng: “Trong cõi nhân gian này, con người là tôn quý. Trải qua nhiều lần sinh tử, Ta đạt giác ngộ viên mãn và thành Phật, đây là kiếp sống cuối cùng của ta.’’

Qua ý nghĩa này, chúng ta biết tất cả các tôn giáo đa thần và tôn giáo nhất thần đều cho rằng: “Thượng Đế hay Phạm Thiên là là trên hết.’’ Con người trong các tôn giáo đó ở vị trí thứ yếu và thấp kém trong khi đó con người trong đạo Phật được đề cao là trên hết, là tối thắng. Theo sự tưởng tượng và nắn tạo do con người đặt ra, mọi người đều biết “Thượng đế chưa từng có thật trong lịch sử con người ở thế gian này.’’

Theo sự tương tức, duyên khởi, và duyên sinh, con người năm uẩn và bốn đại là có thật. Nương vào con người bằng xương bằng thịt này để tu tập, để hướng thượng và hướng thiện. Lìa con người này, chúng ta không bao giờ tìm ra sự giác ngộ trong con người chính nó.

Thật vậy, bằng tư duy thiền quán, chúng ta biết rằng trong con người phàm có con người thánh, trong bùn có sen, trong phiền não có Bồ-đề, trong khổ đau có hạnh phúc. Nhận diện con người thánh trong con người phàm, nhận diện sen trong bùn, Bồ-đề trong phiền não, và hạnh phúc trong khổ đau, con người khéo tu tập Phật Pháp thuần thục có khả năng đạt tới giác ngộ và giải thoát ngay trong hiện đời. Như vậy, ở điểm này, đạo Phật nhấn mạnh rằng: “Con người tỉnh thức và giác ngộ hoàn hảo là con người tối thắng.’’

Mặc khác, hình ảnh ngón tay trỏ bên phải của Đức Phật chỉ lên trời và hình ảnh ngón tay trỏ bên trái của Ngài chỉ xuống đất có ý nghĩa tổng quát là hướng bên Trên thì Đức Phật thành tựu được những điều tốt đẹp trong cuộc đời và hướng bên Dưới thì Ngài có tinh thân dấn thân và phụng sự nhân sinh bằng cách áp dụng và thực hành những điều tốt đẹp để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại.

  1. Ngón tay trỏ bên phải chỉ lên trời có nghĩa là hướng thuận duyên, sau khi Đức Phật thị hiên sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời, Ngài đều phải trải nghiệm qua nhiều thời gian, không gian, nơi chốn khác nhau một cách siêng năng, tinh tấn, và chánh niệm để nỗ lực tu học tới nơi tới chốn, có tinh thần vươn lên, hướng thượng và hướng thiện, và thành tựu tốt đẹp những gì Ngài mong muốn.

Thật vậy, Bồ-tát Tất-đạt -đa, sinh ra ở dưới gốc cây Vô-ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, lớn lên, sống đời sống hoàng cung ở Ca-tỳ-la-vệ, từ giả đời sống hoàng cung để tìm cầu chân lý. Cuối cùng, Ngài đã giác ngộ viên mãn và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni dưới cội Bồ-đề ở Bồ-đề-đạo-tràng.

  1. Ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất có nghĩa là hướng nhập thế, sau khi Đức Phật sơ sinh thị hiện sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời, Ngài đều phải trải nghiệm qua các thời gian, không gian, và nơi chốn khác nhau một cách siêng năng, tinh tấn, và chánh niệm để nỗ lực tu học tới nơi tới chốn, có tinh thần phụng sự, dấn thân, đem đạo vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ.

Sau khi giác ngộ viên mãn, Đức Phật quyết định đi tới Vườn Nai, Sarnath để nói Pháp cho nhóm 5 người tu sĩ, bao gồm Añña Koṇḍañña, nói Pháp cho 55 vị thương gia giàu có, bao gồm Ông Da-xá, gia đình Da-xá, và bạn bè Ông Da-xá, nói Pháp cho 3 anh em Kassapa, những vị giáo chủ của đạo thờ lửa, bao gồm khoảng 1.200 vị đệ tử của họ, và sau đó, Đức Phật nói Pháp cho vua Bimbisara, vua Pasenadi, vua  Ajatasattu, v.vv… Họ là những nhà thương gia, những nhà tôn giáo học, những nhà triết học, những nhà chính trị, v.vv… Tất cả đều trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn. 

Như vậy, chúng ta thấy con đường hoằng Pháp của Đức Phật rất là hiệu quả và thiết thực bởi vì muốn được nhiều thành phần khác nhau trong xã hội quan tâm tới Phật Pháp, trước hết Đức Phật, nhà hoằng Pháp rất tuệ giác, khéo léo, và tuyệt vời, luôn quan tâm tới các thành phần có nhiều vị trí quan trọng trong xã hội. Thật vậy, chỉ cần chúng ta hướng dẫn thành công một trong những hạng người có vị trí cao trong xã hội, thì chúng ta có thể hướng dẫn hàng ngàn, hàng triệu người có vị trí thấp trong xã hội.

Chúng ta biết rằng các nhóm những nhà hoằng Pháp là những giáo viên và giảng viên chăm lo giáo dục và hướng dẫn cho quần chúng. Các nhóm những nhà thương gia là những người chăm lo cái bao tử của xã hội. Các nhóm những nhà lãnh đạo tôn giáo là những người chăm lo đời sống tinh thần cho xã hội. Các nhóm những nhà lãnh đạo chính trị là những người chăm lo hòa bình cho đất nước. Các nhóm những nhà làm truyền thông, truyền hình, và báo chí thông qua You tube, Facebook, Twitter, Zoom, v.v…, là những người chăm lo đưa tin nhanh và rộng rãi đến quần chúng trong xã hội.

Như vậy, cách giáo dục và hoằng Pháp của Đức Phật rất khéo léo và tài tình. Ngài giáo hóa và giảng dạy những người có vị trí cao trong xã hội rất là thành công. Sau đó, Ngài tiếp tục giáo hóa những người bình dân trong xã hội. Ngày nay, chúng ta chỉ cần làm theo một phần nhỏ của con đường hoằng Pháp của Đức Phật, thì chúng ta sẽ thành công góp phần đưa đạo Phật đi vào đời một cách hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ quan tâm tới việc hướng dẫn những người già, người bệnh, người chết, và những người tu khép kín và đóng khung, vv… thì Phật Pháp sẽ không dễ hòa nhập vào xã hội quần chúng. Tuy nhiên, những hạng người này, chúng ta vẫn nên quan tâm và không bỏ họ.

Thật vậy, con đường hoằng dương chánh Pháp và cứu độ chúng sinh trong suốt 45 năm, Đức Phật, vị Vua chánh Pháp, thuyết giảng chân lý khổ đau, phương pháp tu tập và chuyển hóa khổ đau, con đường hòa bình, và giúp con người hiểu rõ các gốc rễ và nguyên nhân chiến tranh xảy ra là do chính lòng tham lam, sân giận, hận thù, vô minh, ghi kỵ, và tà kiến của con người gây ra. Là Nhà giáo dục, Nhà xã hội học, Nhà triết học, Nhà khai sáng đạo Phật, Đức Phật rất thành công trong công việc xây dựng trật tự an lạc cho gia đình, học đường, xã hội, quốc gia, và thế giới.

Như vậy, ý nghĩa ngón tay trỏ bên trái chỉ xuống đất của Đức Phật nói lên tinh thần nhập thế của Ngài rất thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau trong xã hội. Đem đạo vào đời và hòa nhập vào đời để giúp đời thêm vui bớt khổ, nhưng Ngài không bị dòng đời làm chi phối và ô nhiễm. Như sen mọc trong bùn nhơ và nước đục, nhưng sen vẫn mọc vươn lên tươi tốt và không bị bùn nhơ và nước đục làm ô nhiễm. Đó là những điểm đặc thù trong tinh thần nhập thế của Đức Thế Tôn và các vị đệ tử khéo tu, khéo học, và khéo thực hành của Ngài.

Câu hỏi 4: Kính bạch Thầy, theo lịch sử Phật giáo, thì đức Phật hạ sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni, nhưng theo tôn giáo thì Ngài hạ sanh ở cõi Ta Bà, như vậy xin Thầy giúp chúng con hiểu hơn về thế giới Ta Bà này, khác với những thế giới được nói đến trong đạo Phật như thế nào? Người sống trong cõi Ta Bà này, có nhiều thuận duyên hơn hay nhiều nghịch duyên hơn trong việc tu tập giác ngộ?

Trả lời: Khi đề cập tới một nơi chốn cụ thể và riêng biệt, chúng ta có thể hiểu Đức Phật ra đời ở tại vườn Lumbini. Khi đề cập tới nơi chốn chung chung, thì chúng ta có thể hiểu Đức Phật thị hiện ở cõi Ta-bà; Cõi Ta-bà là cõi chúng ta đang sống không những bao gồm muôn sự muôn vật, mà còn bao gồm nhiều biến động và hỗn loạn theo nghiệp lực của chúng sinh biểu hiện qua 5 loại trược khác nhau:

  1. Kiếp trược (S. Kalpa kasayah)
  2. Kiến trược (drsti kasayah)
  3. Phiền não trược. (asyus kasayah)
  4. Chúng sanh trược (klesa kasayah)
  5. Mạng trược. (sattva kasayah)

a/ Kiếp trược (S. kalpa kasayah) có nghĩa là trong khoảng thời gian con người đang sống có nhiều biến động và hỗn loạn liên tục không dừng, như chiến tranh, thiên tai, bạo động, nạn đói, v.v…

b/ Kiến trược (drsti kasayah) có nghĩa là cái thấy sai lầm và cái hiểu sai lầm dẫn tới sự tư duy sai lầm, lời nói sai lầm, hành động sai lầm, v.vv… Cho rằng thân này là khỏe mãi, trẻ mãi, mạnh mãi, không già, v.vv… Từ cái thấy sai lầm, cái hiểu sai lầm, lời nói sai lầm, ý nghĩ sai lầm, và hành động sai lầm, con người đưa tới khổ mình và khổ người khác.

c/ Phiền não trược (klesa kasayah) có nghĩa là sống trong cõi Ta-bà này, con người tràn ngập các loại phiền não tham, sân, si, tà kiến, vô minh, v.vv… Vì họ không tu tập, không nhận diện chánh Pháp, nên các loại phiền não này dễ dàng đưa họ tới bất hạnh, hận thù, bạo động, khổ đau, và chiến tranh.

d/ Chúng sinh trược (sattva kasayah) có nghĩa là con người do bốn đại và năm uẩn hình thành trải qua các chu kỳ vô thường, biến đổi, sanh, già, bệnh, chết, chất chứa nhiều ô uế, bất tịnh, và phiền não cho thân tâm.

f/ Mạng trược (Asyus kasayah) có nghĩa là đời sống của con người ngắn ngủi, và vô thường tích chứa các loại bất tịnh, ô uế, và phiền não do thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của họ tạo tác và gây ra.

Thuận duyên là hoàn cảnh thuận lợi và may mắn cho mình phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, mình đừng tự mãn và ngăn bước tiến bộ của chính mình. 

Ví dụ, về khía cạnh thuận duyên, khi thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ đời sống hoàng gia đi tu và trở thành một ẩn sĩ không nhà, công chúa Da-du-đà-ra, hiền thê của ngài, ủng hộ ngài hết lòng. Do đó, việc từ giã hoàng gia đi tu của thái tử đã thành tựu tốt đẹp.

Nghịch duyên trong trường hợp này có nghĩa là nếu không có sự ủng hộ hết lòng của công chúa Da-du-đà-ra, thì việc đi tu của thái tử chắc chắn sẽ không thành tựu. Sau ba lần thái tử nhìn vợ và con lần chót, lúc đó, Công chúa chỉ cần nhéo đứa con La-hầu-la, thì thái tử sẽ bị bắt liền.

Mặc khác, nghịch duyên là hoàn cảnh thiếu thuận lợi và thiếu may mắn cho mình phát triển và vươn lên. Tuy nhiên, nếu mình quyết tâm, siêng năng, và tinh tấn tu học Phật Pháp, thì mình sẽ thành công.

Ví dụ, về khía cạnh nghịch duyên, mặc dù vua cha Tịnh-phạn không cho phép thái tử đi tu, nhưng với tâm nguyện cứu đời, đi tu để thành Phật, và đi tu để đạt thành chánh giác, và để cứu độ chúng sinh, cuối cùng, thái tử quyết tâm đi tu, đạt thành giác ngộ viên mãn.

Thực vậy, ở đời cũng như ở đạo, thuận duyên chúng ta chưa vội là mừng, và nghịch duyên chúng ta chưa vội là buồn. Miễn là chúng ta biết cách vận dụng mọi việc một cách thông minh, uyển chuyển, và khéo léo, thì chúng ta sẽ thành công trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc đời. Mặc dầu sống trong cõi Ta-bà này có nhiều khổ đau và bất hạnh do con người tạo tác và gây ra; tuy nhiên, con người ở cõi này dễ tu tập hơn con người sống ở cõi chư thiên; con người ở cõi chư thiên sung sướng hưởng thụ dục lạc thì rất là khó tu.

Tuy nhiên, sống ở bất cứ nơi nào, các vấn đề thuận duyên hay nghịch duyên là do chính mình tạo tác và gây ra, không có một đấng thần linh tối cao nào có thể thay thế được chính mình. Kinh Pháp Cú, kệ số 165, Đức Phật dạy rằng:

“Tự mình, làm điều ác,

Tự mình, làm nhiễm ô,

Tự mình, ác không làm,

Tự mình, làm thanh tịnh.

Thanh tịnh, không thanh tịnh

đều do tự chính mình,

Không ai thanh tịnh ai.”

Trong lộ trình tu học, khi gặp thuận duyên là rất tốt cho hành giả; tuy nhiên, chúng ta đừng ỷ lại, tự mãn, và cho rằng ta là số một, những người chung quanh ta không giỏi bằng ta. Những ai nghĩ như vậy là dễ bị gãy gánh giữa đường. Mặc khác, khi gặp nghịch duyên, chúng ta đừng vội nãn chí bỏ cuộc giữa chừng, hãy xem nghịch duyên là bàn đạp vững chắc cho ta thăng tiến. Tùy theo sự ứng dụng và sử lý thuận duyên và nghịch duyên một cách khéo léo và uyển chuyển thì chúng ta sẽ thành công trong cuộc sống hằng ngày.

Câu hỏi 5: Kính bạch Thầy, con hơi có một chút ganh tị với người Ấn Độ, con thường hỏi rằng, tại sao Đức Phật không hạ sanh tại Việt Nam, hay nước khác mà lại chọn Ấn Độ hạ sanh. Thầy từng du học tại Ấn Độ, nên con xin thỉnh Thầy chia sẻ cái nhìn của Thầy về nhân duyên nào mà Đức Phật chọn hạ sanh tại Ấn Độ?

Trả lời: Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Kinh Dạy về Các Pháp Hy Hữu và Vi Diệu – Acchariya Abbhùtadhamma Sutta) thuộc Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) số 123 ghi rằng: “Khi xét thấy đầy đủ nhân duyên, từ cõi trời Đao-lợi (Tusita), Bồ-tát Tất-đạt-đa ra đời dưới cây Vô-Ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni, một phần của nước Nepal ngày nay. Ngài là con của vua Tịnh Phạn và Thánh mẫu Maya không chỉ một đời, mà còn nhiều đời khác nhau tại đất nước Ấn Độ.’’

Chúng ta biết rằng từ thời xa xưa, Lâm-tỳ-ni thuộc nước Ấn Độ cổ đại. Ấn Độ có lịch sử rất lâu dài. Trong thời Phật, có khoảng 96 tôn giáo khác nhau, đa dạng, và phức tạp. Ấn Độ cũng là nơi có nhiều vị Thánh nhân ra đời, như là trong Phật giáo có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử của Đức Phật gồm có Xá-lợi-Phất (Sāriputta), Mục-kiền-liên (Moggallāna), A-nan, Bồ-tát Long-thọ (Nāgārjuna), Bồ-tát Bhimrao Ramji Ambedkar, vv…; trong đạo Kỳ-na giáo, có Ông Mahavira, trong thời Ấn Độ giáo cận đại có thánh Mahatma Gandhi, v.vv…

Có sự khác biệt giữa sự ra đời của các chúng sinh và các vị thánh nhân như sau: Chúng sinh ra đời là vì nghiệp lực trong khi đó Đức Phật ra đời là vì nguyện lực. Vì nguyện lực, Đức Phật ra đời để cứu độ chúng sinh. Vì nghiệp lực, chúng sinh ra đời để gánh chịu những hậu quả quá khứ mà họ tạo tác và gây ra trong nhiều đời trước.

Ví dụ cụ thể, vì nghiệp lực, con người sanh ra ở đất nước Somali không đủ thức ăn, thức uống, và các phương tiên vật chất khác trong khi đó vì nguyện lực, những người tình nguyện từ các quốc gia khác đi tới Somali để cứu trợ, họ ở khách sạn, họ không bị đói khát như những người dân Somali.

Câu hỏi 6: Bây giờ, con xin đi vào một vài hình thức tín ngưỡng tại Việt Nam nhân mùa Phật Đản. Con thấy ở Huế, rất nhiều Chùa lớn tổ chức “Diễu hành xe hoa kính mừng Phật Đản,’’ chở tượng Phật Đản sanh đi khắp phố phường. Xin Thầy có thể cho chúng con biết thêm nguồn gốc của nghi thức này từ đâu mà có và hình thức này mang ý nghĩa gì?

Trả lời: Nguồn gốc của nghi thức đón mừng Phật Đản có nguồn gốc từ khi thánh Mẫu Mayadevi sinh ra thái tử Tất-đạt-đa dưới gốc cây Vô Ưu, ở vườn Lumbini, Nepal, năm 624 trước công nguyên. Để làm rõ điển tích này, trụ đá Rummindei của vua A-dục khắc ghi: “Khi Bồ-tát Tất-đạt-đa ra đời, vị vua Devànampiya Piyadasi ở xứ Lumbini chỉ lấy thuế 1/8 cho dân chúng.’’

Tất cả các nước theo đạo Phật đều tổ chức kính mừng Đại Lễ Phật Đản, bên cạnh đại Lễ Phật Đản, còn có đại lễ Phật thành đạo và đại lễ Phật nhập Niết-bàn, gồm ba sự kiện quan trọng của Phật giáo được tổ chức hằng năm ở các nơi khác nhau trên thế giới. Khi đại lễ Phật Đản hay những đại lễ khác của Phật giáo được tổ chức trang nghiêm và long trọng, chúng ta phải tùy thuộc vào đất nước có hòa bình, có nền kinh tế, giáo dục, và xã hội bền vững và ổn định. Bất cứ nơi nào, quốc gia nào không có hòa bình, không có nền kinh tế, giáo dục, và xã hội ổn định, thì các lễ hội của Phật giáo nói riêng và các lễ hội dân tộc ở nơi đó nói chung sẽ không bao giờ tổ chức long trọng và hoành tráng.

Trước đây, đạo Phật Việt Nam tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Mùng 8 tháng tư âm lịch, sau đó, tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm tháng tư. Đạo Phật ngày nay ở Việt Nam tổ chức Phật Đản từ ngày Mùng 8 tháng 4 tới ngày Rằm tháng tư âm lịch, ta gọi là tuần lễ Phật Đản.

Ở các nước Phương Tây nói chung, và ở Hòa Kỳ nói riêng, ta gọi là mùa kính mừng Đại Lễ Phật Đản. Các Chùa và Đạo tràng khác nhau tuần tự tổ chức đại lễ Phật Đản ở những ngày cuối tuần khác nhau. Nếu mọi người cùng nhau tổ chức đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm trăng tròn tháng Vesak, tương đương ngày Rằm trăn tròn tháng Năm dương lịch, thì sẽ không có nhiều quý Phật tử đồng hương tham dự.

Ngày đại lễ Tam Hợp Vesak lần thứ 25 được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hoan hỷ chấp nhận vào ngày 15 tháng 12 năm 1999. Ta lấy năm nay 2024 – 1999 = 25 năm. Ngày đại lễ Tam Hợp Vesak được xem như lễ hội Văn Hóa tâm linh toàn cầu. Trong Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, có hàng trăm quốc gia, văn hóa, tôn giáo khác nhau, nhưng khi họ đề cập tới Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Vua hòa bình, Người sáng lập ra đạo Phật, con đường hòa bình, thì tất cả mọi người trong đó có các nhà chính trị toàn cầu đều đồng ý và bầu chọn lễ hội Vesak của Phật giáo là một lễ hội văn hóa tâm linh toàn cầu.

Thật vậy, xưa và nay, các tôn giáo khác nhau trên thế giới, kể cả các tôn giáo địa phương ở Việt Nam, đều có sự xung đột và chiến tranh tôn giáo. Nhưng đạo Phật không bao giờ gây ra một chiến tranh tôn giáo. Đây là những điểm đặc thù của đạo Phật, tôn giáo hòa bình, mà các tôn giáo khác không có.  Chính vì ý nghĩa vừa nêu, đạo Phật được chọn là tôn giáo hòa bình có đại lễ Vesak, lễ hội văn hóa tâm linh thế giới được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc chấp nhận và thông qua ngày 15 tháng 12 năm 1999.

Nghi thức và hình thức tắm Phật sơ sinh đều có ý nghĩa và nhắc nhủ cho mình biết rằng: “Trọn ngày, trọn tuần, trọn tháng, trọn năm, và trọn cả đời, mình nguyện không làm điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện giữ thân tâm trong sạch qua việc thực tập và áp dụng đạo đức, thiền định, và trí tuệ để đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.’’

Câu hỏi 7: Kính bạch Thầy, con nghĩ rằng Đức Phật tượng trưng cho sự thanh tịnh, như vậy Ngài đâu cần nước của thế gian tắm gội lên Ngài nhân ngày Phật Đản. Nhưng nghi thức tắm Phật rất phổ biến tại các chùa, xin Thầy có thể giải thích lý do, và hàng Phật tử chúng con, khi múc gáo nước tắm Phật sơ sinh, chúng con nên có tâm niệm như thế nào cho đúng? và có những điều gì kiêng cử cần chú ý hay không?

Trả lời: Kinh Đại bổn (mahàpadàna Sutta) thuộc Kinh Trường Bộ 14, Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (acchariya-abbhùtadhamma Sutta) thuộc Kinh Trung Bộ 123, và Bộ Đại sự (mahāvastu) ghi rằng: “Khi Đức Phật sơ sinh ra đời, có hai dòng nước ấm và nước mát từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Ngài.’’

Thật vậy, Đức Phật, con người toàn hảo, trong sạch, và thanh tịnh không cần ai tắm. Tuy nhiên, theo ý nghĩa biểu tượng, có hai dòng nước mát và nước ấm tắm cho đức Phật sơ sinh. Chúng ta biết hai dòng nước tượng trưng cho thuận duyên và nghịch duyên của cuộc đời. Con người sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, và thành tựu trong cuộc đời đều phải trải qua hai dòng nghịch duyên và thuận duyên của cuộc đời.

Khi gặp nghịch cảnh, ta không thoái lui, khi gặp thuận cảnh, ta không tự mãn và ỷ lại. Khéo làm chủ cả thuận cảnh và nghịch cảnh, hành giả sẽ thăng tiến, thành tựu, và vươn lên vững chãi trong cuộc đời. Như hoa sen trong bùn nhơ và nước đục, nhưng sen từ từ vươn lên khỏi bùn, trong nước, ngang mặt nước, và ra khỏi mặt nước, nó từ từ nở hoa tươi mát. Cũng vậy, Bồ-tát Tất-đạt-đa sống trong đời, nhưng Ngài không bị đời chế ngự và chi phối, và cuối cùng, Ngài trở thành con người giác ngộ hoàn hảo và viên mãn. Đức Phật, con Người tỉnh thức, giác ngộ viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, và đoạn tận các phiền não tham, sân, si, vv…

Mặt khác, liên tưởng tới con người phàm phu đầy dẫy tham, sân, si, vv…, lễ tắm Phật sơ sinh tượng trưng cho việc tắm rửa và thanh lọc thân và tâm của chính mình. Khi tắm Phật, múc gáo nước thứ nhất, mình thầm đọc và nguyện không làm các việc ác, múc gáo nước thứ hai, mình thầm đọc và nguyện làm các việc lành, múc gáo nước thứ ba, mình thầm đọc và nguyện thanh lọc thân tâm mình trong sạch.

Tuy nhiên, trong buổi lễ tắm Phật nếu có đông người, để rút ngắn thời gian cho mọi người, mỗi người chúng ta có thể múc một gáo nước tắm Phật sơ sinh một lần và thầm đọc ba lời nguyện trên đều mang đầy đủ ý nghĩa.

Trong mùa đại lễ Phật Đản, những điều cấm kỳ của mình là ý thức không được sát sinh, không được lấy của không cho, không được sống tà hạnh và ngoại tình, không được xâm phạm tình dục của trẻ em, không được nói dối, không được uống các chất say, và đặc biệt là không được sử dụng các xì ke ma túy.

Câu hỏi 8: Bạch Thầy, nhân mùa Phật Đản, nhiều Phật tử phát tâm tu tập, tụng kinh, niệm Phật, phóng sanh, ăn chay, làm từ thiện, bố thí, và cúng dường. Xin Thầy chỉ dạy chúng con, nên đón mừng ngày Phật Đản như thế nào, để không chỉ hội đủ những yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng thông thường, mà còn mang ý nghĩa văn hóa và tâm linh toàn cầu, nghĩa là việc làm tương ưng chí nguyện giác ngộ, hay nói khác hơn là Bồ Đề Tâm.

Trả lời: Ý thức rằng đại lễ Phật Đản nói riêng, và các lễ hội khác của Phật giáo nói chung, không bao giờ giết hại chúng sinh trong khi đó các lễ hội của các tôn giáo khác có hàng ngàn và hàng triệu con gà tây và con thú gia cầm bị giết. Để nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi, trong các lễ hội văn hóa Phật giáo, học và thực hành theo hạnh từ bi của Đức Phật, chúng ta đừng có ý niệm sát hại chúng sinh. Trong điều đạo đức thứ nhất, Đức Phật dạy các đệ tử rất rõ, không tự mình giết, không bảo người giết chúng sinh, và không thấy người giết chúng sinh mà mình vui mừng theo.

Với những ý nghĩa nêu trên, để giữ gìn và bảo vệ sức khỏe cho tự thân và cho tha nhân, trong mùa đại lễ Phật Đản và các mùa lễ hội khác của Phật giáo, mình có thể phát nguyện ăn chay một tuần, một tháng, hoặc một năm. Đó là cách phóng sanh tốt nhất của những người con Phật. Bên cạnh các việc vừa được nêu trên, mình có thể tham gia các việc làm thiết thực, như giúp những gia đình khó khăn, những sinh viên khó khăn học giỏi, và ủng hộ những Tăng Ni sinh viên đang tu học trong nước hay ở nước ngoài, v.vv…

Câu hỏi 9: Kính bạch Thầy, trong lịch sử của Đức Phật, những lúc Ngài chứng kiến cảnh khổ chính là lúc ngài nhận ra sự thật cuộc đời, rồi phát chí nguyện xuất gia. Khi còn nhỏ Ngài từng chứng kiến cảnh khốn khổ côn trùng trong lễ hội cày cấy (gọi là lễ Hạ Điền), đến khi trưởng thành, ngài chứng kiến các cảnh người già – bệnh – chết.

Bạch Thầy, có phải KHỔ là yếu tố cần thiết để giúp mình phát tâm tu tập giải thoát. Thầy nghĩ sao, chúng con cần hằng ngày quán tưởng sự thật về khổ trong cuộc đời như Thái tử Tất Đạt Đa đã trải qua?

Trả lời: Trong cuộc đời, chúng ta biết rằng khổ là một sự thật, con người đều phải trải qua. Chân lý về khổ bao gồm khổ thân và khổ tâm; khổ thân gồm có sinh, già, bệnh, và chết; khổ tâm gồm có tham, sân, si, sầu, bi, vô minh, tà kiến, vv… Đó là bản chất sự thật của con người.

Muốn nhận diện khổ và chuyển hóa khổ thì chúng ta phải áp dụng và thực tập con đường chân chánh có tám phương pháp tu tập rất thiết thực hiện tại, có giá trị vượt thoát thời gian, có khả năng chuyển hóa thân tâm, có khả năng chuyển hóa các phiền não, và có khả năng đưa tới an lạc và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Trong cuộc sống hàng ngày, Đức Phật dạy cho chúng ta quán chiếu con người thật của chính mình như sau:

Con thế nào cũng phải già nua, con không thể nào tránh khỏi sự già nua này.

Con thế nào cũng phải bệnh, con không thể nào tránh khỏi cái bệnh này.

Con thế nào cũng phải chết, con không thể nào tránh khỏi cái chết này.”

Thật vậy, Đức Phật, vị bác Sĩ tài năng, có khả năng nhận diện khổ đau, tìm ra nguyên nhân khổ đau, đưa ra phương pháp để trị liệu khổ đau, và con đường đưa tới chuyển hóa khổ đau bằng sự trải nghiệm tâm linh tu học và thực chứng của Ngài. Cũng vậy, vị Bác sĩ giỏi có thể chẩn đoán được bệnh, tìm ra nguyên nhân của bệnh, đưa ra toa để trị bệnh, và bệnh nhân chính họ uống thuốc theo toa của Bác sĩ, thì bệnh nhân mới nhanh chóng lành bệnh.

Với tư duy thiền quán, mình có thể tu tập và quán chiếu rằng trong khổ đau có hạnh phúc, trong phiền não có Bồ-đề – giác ngộ, trong bùn có sen, và trong rác có hoa, trong cõi Ta-bà có cõi tịnh độ, vv… Với tuệ giác, chánh kiến, và chánh tư duy, mình nương vào con người năm uẩn và bốn đại để nhận diện, thanh lọc, chuyển hóa tham, sân, si, và tìm thấy chất an, chất lạc, thảnh thơi, tự tại, chánh niệm, và tĩnh giác trong con người chính nó. Rời xa con người vật lý này ra, thì chúng ta không tìm thấy các chất liệu an vui và hạnh phúc. Lìa bùn ra, mình không thể tìm thấy sen. Lìa phiền não ra, mình không thể tìm thấy giác ngộ và Bồ-đề.

Qua quá trình tu tập, thanh lọc, và chuyển hóa phiền não, với con đường Trung Đạo có khả năng xa lìa tham đắm dục lạc và khổ hạnh ép xác, nương vào con người vật lý này, Bồ-tát Tất-đạt-đa đã đạt thành giác ngộ viên mãn. Thật vậy, nương vào con người năm uẩn và bốn đại để tu tập và làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân, chúng ta phải làm theo đúng quy trình, nguyện thực hành con đường chánh có tám phương pháp đúng gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Câu hỏi 10: Kính bạch Thầy, trong kinh Pháp Hoa có nói rằng Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ lâu rồi, việc đức Phật thị hiện ở cõi Ta Bà chỉ là hoá thân và hiện thân để cứu độ chúng sanh? Nhưng cũng có các tài liệu Kinh điển cho rằng, trước khi hạ sanh cõi trần, Ngài là một vị Bồ Tát. Nhờ tu tập thiền định đúng đắn ở cõi này, nên Ngài thành Phật viên mãn. Xin Thầy cho chúng con hiểu thêm về 2 cái nhìn này?

Trả lời: Ví dụ, hiện tại, bạn là hiệu trưởng của trường đại học JOHN ở Đức. Bạn có đủ duyên lành được vị hiệu trưởng của trường đại học DAVID ở Mỹ mời bạn giảng dạy môn tâm lý học ứng dụng cho các vị sinh viên. Khi bạn tới trường đại học DAVID ở Mỹ, bạn chỉ là một vị giáo Sư thỉnh giảng mà thôi, bạn không thể nào trở thành vị hiệu trưởng trường đại học DAVID ở Mỹ. Nếu bạn muốn trở thành hiệu trưởng trường đại học DAVID ở Mỹ, bạn phải trải qua quá trình sống ở Mỹ, nỗ lực làm giấy tờ để lấy thẻ xanh, thi đậu quốc tịch Hoa Kỳ, học thêm vài khóa chuyên nghành, và thi đạt điểm cao. Làm giáo sư vài năm ở đó, thì sau này, bạn mới hy vọng trở thành vị hiệu trưởng hợp pháp của trường đại học DAVID ở Hoa Kỳ. Nếu bạn chưa có đủ các tiêu chuẩn kia, thì bạn chỉ là giáo sư thỉnh giảng của trường đại học đó mà thôi.

Cũng vậy, mặc dù Kinh Pháp Hoa ghi rằng: “Đức Phật thành Phật đã lâu, nhưng từ cung trời Đâu-xuất tới cõi Ta-bà này, Bồ-tát Tất-đạt-đa vẫn hiện thân là con người bằng xương bằng thịt bao gồm năm uẩn và bốn đại như những con người vật lý khác. Con người này phải trải qua bốn loại sự thật khác nhau của cuộc đời, đó là sinh, già, bệnh, và chết. Nhận diện bốn loại sự thật này, Bồ-tát quyết tâm từ bỏ gia đình hoàng cung sống đời sống không gia đình. Với nỗ lực chọn phương pháp đúng để tu tập thiền định đúng, và cuối cùng, Ngài thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni ở dưới cội cây Bồ-đề ở Bodhgaya năm 589 (624-35 = 589) năm trước công nguyên.’’

Từ khi thành Phật ở tuổi 35, hoằng dương chánh Pháp suốt 45 năm, Đức Phật thuyết giảng hơn 30 ngàn bài Kinh; mỗi bài Kinh bao gồm nhiều phương pháp trị bệnh rất hữu hiệu và thiết thực. Những ai dành cho mình thời gian thích hợp đọc, tụng, tư duy, quán chiếu, áp dụng, và thực hành nhiều bài Kinh của Đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày, thì chính họ có thể thưởng thức được các hoa trái của Pháp học, Pháp hành, Pháp hiểu, Pháp hỷ, và Pháp lạc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Ở điểm này, đúng như câu đọc tụng hằng ngày, con về nương tựa chánh Pháp, con có thể thâm nhập Kinh tạng, trí tuệ của con được ví rộng sâu như biển cả. Do đó, hàng ngày và hàng tuần, chúng ta phải đọc tụng và thấu hiểu nhiều bài Kinh, thì chúng ta mới có đầy đủ tuệ giác của Phật. Ngược lại, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm, chúng ta chỉ đọc tụng một vài bài Kinh, thì Pháp học và Pháp hành của chúng ta chắn chắn sẽ không đủ tuệ giác Phật Pháp để đáp ứng cho giới trí thức ngày nay.

Câu hỏi 11: Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, vị hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm là ngài Đạt Lai Lạt Ma đã tái sanh 14 lần để độ sinh từ năm 1477 đến nay. Tại sao đức Phật không trở lại cõi Ta bà này để tiếp tục cứu độ chúng sinh theo hạnh nguyện của Ngài, mà Ngài chỉ tuyên bố rằng thời mạt pháp sẽ đến, chúng sanh chịu nhiều đau khổ cho đến ngày đức Phật Di Lặc đản sanh. Xin Thầy có thể giúp chúng con hiểu được sự hành hoạt của Đức Phật Thích Ca, nhân duyên nào thì Ngài mới thị hiện trở lại?

Trả lời: Thứ nhất, theo văn hóa Phật giáo Tây Tạng, người Tây Tạng luôn nhấn mạnh và coi trọng việc tái sinh lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn tờ báo Đức Welt am Sonntag tháng 9.2014, Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 tuyên bố rằng, Ngài có thể sẽ không tái sinh và chấm dứt thiết chế Đạt-lai Lạt-ma để “dân chủ hóa và tránh gây ảnh hưởng xấu về sau.”

Thứ hai, dựa vào câu hỏi nêu trên, chúng ta biết rằng chánh Pháp không bao giờ mạt và không bao giờ kết thúc, chánh Pháp của Phật có giá trị vượt thoát thời gian. Chỉ có tà pháp mới mạt và mới chấm dứt sớm, nó chỉ tồn tại trong thời gian nhất định mà thôi. Thật vậy, Phật Pháp tồn tại dài hay ngắn là tùy thuộc vào Pháp học và Pháp hành của các đệ tử của Đức Thế Tôn. Do đó, chúng ta tu học và thực hành Phật Pháp khéo léo, uyển chuyển, thông minh, tinh chuyên, và thích hợp đúng nơi, đúng lúc, và đúng đối tượng, thì Phật Pháp sẽ tồn tại lâu dài ở thế gian này. 

Thứ ba, khi giác ngộ viên mãn rồi, Đức Phật vẫn tiếp tục tu tập thiền định và hướng dẫn mọi người đang ở cõi Phật. Mình đừng nghĩ rằng khi thành Phật rồi, Đức Phật không tiếp tục tu tập con đường hoằng Pháp để cứu độ sinh. Điều đó không thể xảy ra. Do vậy, Đức Phật vẫn tiếp tục tinh tấn để giáo hóa chúng sinh.

Chương 18, Phẩm Tùy Hỷ Công Đức trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Thuyết Bổn 66 trong Trung A Hàm 13, Phẩm Đáo Bỉ Ngạn trong Kinh Tập đều ghi rằng: “Người kế thừa và tiếp nối Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong đời sau này chính là Đức Phật Di Lặc.’’

Thứ tư, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, sự tiếp nối tốt nhất của các vị đệ tử Phật là sự tiếp nối chánh Pháp. Những vị đệ tử của Đức Phật tiếp nối chánh Pháp, tu học chánh Pháp, thực hành chánh Pháp, và áp dụng chánh Pháp vào trong đời sống hàng ngày để làm lợi lạc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong đời sống hiện tại. Do đó, chánh Pháp phải có người tiếp nối và kế thừa; người tiếp nối và kế thừa chánh Pháp trong hiện tại chính là chúng ta.

Kinh Di Giáo và Kinh Đại-bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ số 16 ghi rằng, sau khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử của Ngài nương tựa vào chánh Pháp, đừng nương tựa vào tà pháp; nương tựa vững chãi vào chánh Pháp là bậc thầy cao cả cho các vị; các vị là những vị tiếp nối và kế thừa Phật Pháp để phát nguyện giúp đời thêm vui và bớt khổ. Do vậy, chúng ta là những đệ tử của Đức Phật, hãy ý thức thực hành và nương tựa chánh Pháp, đừng nương tựa tài vật và tà pháp, điều này được ghi rõ trong Kinh Thừa Tự Chánh Pháp, Trung Bộ số 3.

Thứ năm, chúng ta biết rằng mặc dầu Đức Phật giác ngộ viên mãn, nhưng thân vật lý của Ngài vẫn phải chịu già, bệnh, và vô thường chi phối. Mặc dầu thân vật lý của Ngài có giới hạn thời gian và chỉ trụ thế 80 năm ở đời, nhưng Pháp thân của Ngài không bao giờ giới hạn và không bao giờ chấm dứt.

Như vậy, ở điểm này, nhân duyên đầy đủ để Đức Phật trở lại cõi đời này có nghĩa là các đệ tử của Ngài hãy cùng nhau phát nguyện tiếp nối, kế thừa, tu học, áp dụng, và thực hành Phật Pháp tinh chuyên và tốt đẹp vào trong đời sống hàng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại.

Câu hỏi 12: Kính bạch Thầy, từ năm 2000 Liên Hiệp Quốc đã đứng ra tổ chức Ngày Phật Đản chung cho toàn thế giới, và sau đó các nước Phật giáo thay phiên đăng cai tổ chức. Mỗi năm như vậy, ngày Phật Đản Quốc Tế phổ biến thông điệp từ bi, hòa bình, và bất bạo động cho mọi người.

Năm nay, António Guterres, vị Tổng Thư Ký thứ chín của Liên Hợp Quốc, gửi thông điệp, “Quyết tâm xây dựng cuộc sống hòa bình cho tất cả mọi người trên một hành tinh lành mạnh.’’ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu cũng gửi thông điệp Phật Đản 2024. “Tâm Bình Thế giới bình“. Nhân đây, chúng con cũng xin Thầy gửi thông điệp Phật Đản đến cho toàn thể Phật Tử nhân mùa Phật Đản năm nay.

Trả lời: Tất cả mọi người an trú ở các nơi khác nhau trên quả địa cầu này, dù nhân danh là cá nhân hay tập thể, họ đều có chung tâm niệm lành mong muốn mọi người, mọi nhà, mọi nơi, và mọi thứ đều được hòa bình, an vui, và hạnh phúc. Thật vậy, dù chúng ta mang màu sắc nào, chủng tộc nào, giai cấp nào, dù chúng ta là Phật tử hay không phải Phật tử, dù chúng ta là công nhân, viên chức, hay nhà giáo, dù chúng ta sống ở Chùa, ở nhà, hay làm việc ở nơi công sở, khi mùa đại lễ Vesak hàng năm trở về, chúng ta cùng nhau ý thức tổ chức tu học Phật pháp, ôn lại cuộc đời của Đức Phật và những lời dạy ý nghĩa, giá trị, hữu ích, và thiết thực của Ngài để giúp chúng ta sống cuộc sống hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Là những người đệ tử của Đức Thế Tôn, chúng ta cùng nhau phát nguyện vững chãi vào việc học Pháp, hiểu Pháp, hành Pháp, hoằng Pháp, và hộ trì chánh Pháp để góp phần đem lại lợi ích, an lạc, hạnh phúc, và hòa bình cho thế gian này.

Câu hỏi 13: Liên Hiệp Quốc đã tổ chức Phật Đản vì “cầu nguyện” hoà bình cho thế giới, vậy thầy nghĩ, nhân ngày Phật Đản năm nay  Liên Hiệp Quốc có thái độ nào đối với chiến tranh đang xảy ra giữa Nga và Ukraine hay không?

Trả lời: Thái độ của những người con Phật là phải tu học chánh Pháp và thực hành chánh Pháp ngay từ khi chưa có chiến tranh xảy ra. Đừng đợi có chiến tranh xảy ra rồi, lúc đó, chúng ta mới bắt đầu tu học Phật. Chúng ta ý thức rằng trái đất này là ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ trái đất này một cách hòa bình và tốt đẹp.

Chỉ cần áp dụng và thực hành đầy đủ Năm Điều Đạo Đức của Đức Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày là đã giúp chúng ta bảo vệ trái đất tốt đẹp. Thật vậy, Năm Điều Đạo Đức này vượt lên trên ý nghĩa thế học, triết học, và đạo học. Những ai tinh chuyên tu, học, thực hành, và áp dụng Năm Điều Đạo Đức hàng ngày, thì họ có thể giúp cho chính họ và thế giới này thêm bình và bớt khổ ngay bây giờ và ở đây trong đời sống hiện tại. Thật vậy, thân tâm có hòa bình khi mình khéo áp dụng và thực hành chánh Pháp vào trong đời sống hàng ngày, thì thế giới sẽ có ngày hòa bình. Ngược lại, thân và tâm không có hòa bình khi mình không khéo áp dụng và thực hành chánh Pháp, thì thế giới sẽ không dễ có ngày hòa bình.

Xem tin tức thế giới vừa qua, chúng ta biết có khoảng 193 quốc gia tham dự các hội nghị thường niên của Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. Từ khi chiến tranh xảy ra giữa Ukraine và Nga, các nước đã nhiều lần tham gia bỏ phiếu và thảo luận tình hình bất ổn của hai quốc gia này. Các vị nguyên thủ quốc gia gồm có Hoa Kỳ, Pháp, Đức, vv…, và vị Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc António Guterres (UN Secretary-General António Guterres) đều đã trực tiếp làm những vị xứ giả hòa bình, họ đích thân tới Nga gặp Tổng thống Putin và đi tới Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky để thảo luận và tìm ra giải pháp hòa bình sớm nhất cho dân chúng của hai nước nói riêng, và ổn định trật tự thế giới nói chung. Nhưng kết quả của các cuộc thảo luận của các nhà chính trị khác nhau đưa tới hòa bình cho hai quốc đó hiện tại chưa đạt tới sự tiến bộ khả quan tốt đẹp bởi vì tự thân của họ chưa có khả năng kiểm soát, chế ngự, nhận diện, và nhiếp phục tâm nghi kỵ, độc tài, tham lam, giận dữ, hận thù, và nghi kỵ lẫn nhau.

Là những xứ giả hòa bình đích thực của đạo Phật, để đóng góp hòa bình thiết thực cho số đông, chúng ta quyết tâm tinh tấn tu học và thực hành chân lý Phật và tuệ giác Phật, cụ thể là đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với cái thấy hòa bình, tư duy hòa bình, lời nói hòa bình, việc làm hòa bình, nghề nghiệp mưu sinh hòa bình, nỗ lực hòa bình, nhớ nghĩ hòa bình, tập trung và dừng lại hòa bình. Bằng ý nghĩ, lời nói, và việc làm cụ thể, chánh niệm, hạnh phúc, và rõ ràng, chúng ta nguyện không làm các điều ác, nguyện làm các việc lành, nguyện giữ thân tâm trong sạch để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.

Đôi lời nhận xét của bạn đọc.

Nam Mô Phật

Kính bạch Thầy, thật là tuyệt vời và thật ngưỡng mộ khi xem bài viết của thầy thật chi tiết chính xác về bài pháp thoại của Thầy với song ngữ mà xưa nay chưa có một giảng Sư nào đã thực hiện được, hơn thế nữa, với kinh nghiệm học hỏi và nghiên cứu Phật Pháp của con trong 15 năm theo toàn thời 10/24 giờ đã giúp con có những bài cảm nghĩ khi nghe một bài pháp thoại nào trên các buổi giảng của các giảng Sư trong nước Úc chúng con. Nhưng gần đây, con đã tạm ngưng và nhìn lại chính mình vì trong biển học vô biên, con đã tìm ra những bậc Thầy uyên bác, khiến mình phải kính phục và ngưỡng vọng đến cùng.

Hơn thế nữa, con đã nhận ra đường lối thế nào để nhìn thấy được chính mình và đóng góp vài chia sẻ nhỏ mà mình đã chiêm nghiệm cho những ai cùng căn cơ có thể đồng cảm với nhau, nên con thường góp mặt trên các trang nội bộ của đạo tràng Chùa mình, hoặc của người bạn thân nhất tại quê nhà.

Tuy nhiên, con tự hứa với lòng mình không bỏ sót một buổi giảng nào của các giảng Sư qua Ban Giáo Dục hoằng  pháp Âu Châu và Úc Châu kể từ nhiều tháng qua mà không viết bài nữa, chỉ cảm niệm trong lòng và học hỏi thôi. Nhưng thứ năm 12/10/2024 với bài giảng của Thầy, con lại tìm gặp một sự gặp gỡ thuần tuý của Nam Tông và Bắc Tông như con đang theo đuổi và rất ngưỡng mộ Thầy.

(Nhân đây, con cho thầy biết con là một đệ tử của Sư Phụ Viên Minh, người đã quy y cho con tại Úc Châu.)

Con kính có vài lời trình Thầy và kính chúc Thầy được nhiều sức khỏe.

Kính, Phật Tử Huệ Hương Úc Châu

.

Talk show, ngày 19/05/2022

The Buddha Vesak in Culture and Peace

 

Facebook Comments Box

Trả lời