8745 lượt xem

Ý Nghĩa Lễ Tạ Ơn trong Đạo Phật

Thích Trừng Sỹ

Ý Nghĩa Lễ Tạ Ơn trong Đạo Phật

Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng,

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, và quý Phật tử gần xa,

Hôm nay là mùa Lễ Tạ Ơn, chúng ta có duyên lành đọc, học, và hiểu một vài ý nghĩa trong ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ cũng như trong Phật giáo cho vui.

Chúng ta biết đạo Phật và văn hóa của đạo Phật, xưa và nay, rất thích nghi với văn hóa và con người sở tại. Nơi nào đạo Phật được truyền bá, thì nơi đó đạo Phật dễ dàng hòa nhập với văn hóa và con người địa phương. Với những gì thảo luận trên đây, người viết sẽ trình bày bài viết Ý nghĩa Lễ Tạ Ơn trong đạo Phậtnhư sau:

A) Chúng ta biết khoảng năm 1620, những người Anh có khoảng 102 hành khách và 30 thủy thủ đoàn đi trên chiếc thuyền buồm tên Mayflower tới thành phố Plymouth, Boston, tiểu bang Massachusetts ngày nay để tìm đời sống mới và vùng đất mới. Một năm sau, khi công việc làm ăn và sinh sống hằng ngày của họ tạm ổn định, cùng với những người Mỹ dân da đỏ ở nơi đó, họ cùng nhau tổ chức Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở Hoa Kỳ vào khoảng năm 1621 (2024 – 1621= 403) để ăn mừng nhằm tri ơn Thượng Đế, tri ơn trời đất, mùa màng, thời tiết, đời sống, vùng đất mới, v.v...

Những thức ăn trong Lễ Tạ Ơn này thường là rau quả, bí đỏ, ngô, đậu, cà rốt, đặc biệt là “gà tây.” Người ta thường gọi là “Lễ Gà Tây” vì có hằng triệu con gà tây bị giết để ăn thịt vào ngày lễ này. Tuy nhiên, vào dịp lễ Tạ Ơn dưới thời Tổng thống Abraham Lincoln năm 1863, con gà tây may mắn được phóng thích đầu tiên là người bạn của con trai ông tên là Tad. Từ đó cho tới bây giờ, mỗi khi tới ngày lễ Tạ Ơn, mỗi vị Tổng thống thường phóng thích một con gà tây để nói lên một chút xíu ý nghĩa tình thương yêu giữa con người và con vật, nhưng ý nghĩa trọn vẹn của việc phóng sanh để giữ gìn sức khỏe và tăng trưởng tuổi thọ là tự mình phát nguyện ăn chay, không tự giết mình, không tự mình giết chúng sinh, không bảo người giết chúng sinh, không thấy người giết chúng sinh mà ta vui mừng theo.

Ở Hoa Kỳ, từ thời Tổng Thống thứ 16, Abraham Lincoln, Lễ Tạ Ơn chính thức diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11. Dưới thời Tổng Thống thứ 32 Hoa Kỳ tên là Franklin Delano Roosevelt, Lễ Tạ Ơn trở thành quốc lễ hằng năm từ năm 1940 tới nay.

Ở Canada, Lễ Tạ Ơn diễn ra vào ngày thứ Hai của tuần lễ thứ Hai của tháng Mười hằng năm.

Khi Lễ Tạ Ơn trở về, mọi người có thời gian rảnh để đoàn tụ chung vui với gia đình ăn uống, nghỉ ngơi, và bàn công việc làm ăn.

1. B) Lễ Tạ Ơn có mặt trong đạo Phật vào khoảng năm 2613 B.C.E., năm (624 B.C.E. – 35 (năm thành đạo của Đức Phật) = 589 + 2024 = 2613) cho tới ngày nay. Ngoài ra, cũng có một cách tính khác dễ hơn trong ngày lễ Tạ Ơn Phật giáo. Đức Phật sinh ra đời năm 624 B.C.E., cộng với năm thường lịch hiện tại 2024 + 624 = 2648 – 35 (năm thành đạo của Đức Phật) = 2613. Như vậy, ngày lễ Tạ Ơn trong Phật giáo có mặt từ năm 2613 tới ngày hôm nay.
Trong trong tuần Lễ thứ Hai, sau khi giác ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ-đề, nơi tòa kim cương bất động, từ xa, Đức Phật có cái nhìn kiên định và lòng biết ơn sâu sắc đối với cây bồ đề đã che mưa che nắng cho Ngài nhằm thể hiện ý nghĩa sâu xa trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đồng thời, Ngài nói các loại tri ơn khác nhau trong đạo Phật. 
Mời quý vị xem phần tóm tắt dưới đây như sau.

Thầy Trừng Sỹ chụp hình ảnh này để kỷ niệm vào tuần lễ thứ hai của Đức Phật tại Bồ-đề-đạo-tràng năm 2005 khi thầy tu học tại Đại học Delhi và có cơ hội tốt viếng thăm và hành hương ở đó.

Tạ Ơn” viết theo tiếng Anh hay tiếng Mỹ là  “Thanksgiving“; “Thanks” có nghĩa là “cảm ơn” ai hoặc cái gì đó rất nhiều. “Giving” có nghĩa là “cho”; “Cho” ai cái gì; “Cho” bao giờ cũng đi với “nhận”; “Nhận” cái gì từ ai. Cả người cho, người nhận, và vật được cho đều có ý nghĩa bình đẳng như nhau.

Khi vật gì đó cho, nhận, và cảm ơn từ ai, chúng ta không thấy người cho, người nhận, và người cảm ơn, thì Tạ Ơn –  Thanksgiving có ý nghĩa hoàn hảo, vị tha, và không phân biệt. Ngược lại, khi cho, nhận, và cảm ơn vật gì đó từ ai, mình còn thấy người cho, người nhận, người cảm ơn, và vật được cho, thì Tạ Ơn –  Thanksgiving mang ý nghĩa vị kỷ, phân biệt, và chưa hoàn hảo.

Tạ Ơn luôn đi cùng với các ý nghĩa “Tri ơn và Nhớ ơn” của muôn người và muôn vật trên thế gian này.

Thật vậy, khi nói đến “Lễ Tạ Ơn,” chúng ta liền nghĩ tới trách nhiệm và bổn phận “Tri Ơn – Nhớ Ơn,” hay là “Biết Ơn” giữa thế hệ này và thế hệ trước, giữa người sống và người chết, giữa người cho và người nhận, giữa người trao truyền và người tiếp nối, và ngược lại, v.v và v.v…

Các loại “Tri Ơn” khác nhau trong đạo Phật:

1. Tri ơn Đức Phật, chánh Pháp vi diệu, và Tăng đoàn an lạc.

2. Tri ơn sự sinh thành và nuôi dưỡng của Ông, Bà, Cha, Mẹ.

3. Tri ơn giáo dục thầy cô giáo thế học và đạo học.

4. Tri ơn các bạn bè và các vị thiện tri thức.

5. Tri ơn các anh hùng dân tộc, những người có công lập quốc, dựng nước, giữ nước, và phát triển đất nước giàu có và bình an từ ngàn xưa cho tới ngày nay.

6.; Tri ơn các quốc gia, những nơi chúng con sinh ra, lớn lên, tu, học, sinh sống, và làm việc.

7. Tri ơn những người xuất sĩ và cư sĩ, những vị có công học Pháp, hiểu Pháp, hoằng Pháp, hộ Pháp, và thắp ánh sáng lên ngọn đuốc của chánh Pháp trong hiện tại và trong tương lai ngay tại thế gian này.

8. Tri ơn các vị con, cháu, những vị có khả năng nối dõi Tông đường, gia đình huyết thống, và gia đình tâm linh.

Để ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, hằng năm, mỗi khi Lễ Tạ Ơn về,

Thứ nhất, mình luôn tri ơn sâu sắc đến sự sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Ở nhà, cha mẹ là những vị giáo sư thiết thực dạy hiểu và thương cho con cháu. Mặc dù giáo dục gia đình không có trường lớp, nhưng cha mẹ đóng các vai trò rất quan trọng, căn bản, ý nghĩa, và hữu ích trong việc giáo dục con cái nên người tài và đức trong cuộc đời.

Thứ hai, chúng ta chân thành tri ơn quý thầy cô giáo vì sự nghiệp giảng dạy, giáo dục, và truyền trao kiến thức thế học và đạo học, cũng như chấp cánh vững vàng cho chúng ta bay cao và bay xa trong xã hội đa văn hóa ngày nay.

Thứ ba, chúng ta chân thành tri ơn các anh hùng dân tộc, những người có công dựng nước và giữ nước từ nghìn xưa cho tới ngày nay.

American Map 

Thứ tư, chúng ta chân thành tri ơn các quốc gia, nơi chúng con sinh ra, lớn lên, sinh sống, tu học, và làm việc.

Thứ năm, chúng ta hết lòng thành kính tri ơn sâu sắc Đức Phật, chánh Pháp, và Tăng đoàn an lạc;

Đức Phật, bậc Thầy giác ngộ tròn đầy, khai sáng đạo Phật, chỉ con đường hòa bình, an vui, và hạnh phúc đích thực cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.

Chánh Pháp là con đường hòa bình, hay con đường cao thượng có tám phương pháp tu tập thiết thực ở hiện tại bao gồm đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với cái thấy đúng, tư duy đúng, lời nói đúng, hành động đúng, nghề nghiệp mưu sinh đúng, siêng năng đúng, nhớ nghĩ đúng, dừng lại và chuyển hóa đúng. 

Tăng Đoàn an lạc, Đoàn thể của những người tu tập nguyện sống cuộc đời đạo đức, chánh niệm, và tỉnh thức để đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay tại thế gian này.

Hơn nữa, chúng ta chân thành tri ơn các bác sỹ y khoa và các nhà khoa học đã chế tạo ra các loại thuốc vắc-xin giá trị, hữu hiệu, và kịp thời để điều trị mọi người dân trên khắp thế giới thành công tốt đẹp.

Chúng ta hy vọng rằng năm 2024 này, với tinh thần hòa bình, hòa hợp, và hòa giải của thế giới, chiến tranh sẽ sớm được chấm dứt, bệnh tật tiêu trừ, người dân trên thế giới sẽ được ấm no, an vui, và hạnh phúc.

Cuối cùng, chúng ta thành kính tri ơn môi trường thiên nhiên và xã hội an bình, nơi chúng ta sống trong độc lập, tự chủ, tự do, ấm no, và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Hơn nữa, bên cạnh các ý nghĩa tri ơn và nhớ ơn trong đạo Phật, Lễ Tạ Ơn còn có nghĩa là ăn chay để nuôi dưỡng tâm từ bi. Theo ý nghĩa thông thường, hằng năm khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, có hằng triệu con gà tây và con thú bị giết hại, nhưng theo ý nghĩa trong đạo Phật, khi Lễ Tạ Ơn và các lễ khác về, để giữ gìn sức khỏe lâu dài và để nuôi dưỡng môi trường lành mạnh và tâm từ bi, chúng ta ý thức phát nguyện ăn rau quả, đậu hũ, và hoa trái để làm lợi lạc cho chính mình và người khác ngay trong cuộc sống hiện tại.

Ngày nay, chúng ta có nhiều duyên lành để học, hiểu, thực hành, và áp dụng các ý nghĩa của Lễ Tạ Ơn vào cuộc sống hàng ngày để làm lợi ích cho mọi người. Do vậy, chúng ta nỗ lực phát huy, duy trì, và phát triển những nét văn hóa truyền thống xưa cũng như nay để làm đẹp cho cuộc đời ngay bây giờ và ở đây ngay trên thế giới này.

Kính chúc quý vị tận hưởng một mùa Lễ Tạ ơn an vui và hạnh phúc với những người thân, người thương, và bạn bè trong gia đình, nhà Chùa, hoặc trong nhà Thờ vui vẻ.
Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

The Meaning of Thanksgiving in Buddhism

 

Facebook Comments Box

Trả lời