3165 lượt xem

Các mối liên hệ tương tức giữa Thầy Cô giáo và Học Trò, Học Trò và Thầy Cô giáo trong giáo dục Phật giáo

Thích Trừng Sỹ

Thầy Trừng Sỹ hướng dẫn Thiền tập cho sinh viên trường Đại Học Seattle, ở Chùa Cổ Lâm, tiểu bang Washington

CÁC MỐI LIÊN HỆ TƯƠNG TỨC GIỮA THẦY CÔ GIÁO VÀ HỌC TRÒ, HỌC TRÒ VÀ THẦY CÔ GIÁO TRONG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Như chúng ta biết tất cả mọi người và mọi vật trên cõi đời này đều có các mối tương quan và tương duyên với nhau hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp giữa người và người, giữa người và động vật, giữa người và thực vật, giữa người và môi trường thiên nhiên, v. v và v. v… Trong tất cả các mối liên hệ tương tức đó, mối liên hệ giữa người và người, đặc biệt là các mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo trong giáo dục Phật giáo được trình bày và thảo luận trong bài viết này.

Trong chủ đề của bài viết này, ta bắt gặp cụm từ giáo dục Phật giáo; giáo dục Phật giáo được chia thành hai từ khác nhau: Giáo dục và giáo dục Phật giáo. Những từ Pāli của “giáo dục” là “sikkhā, sikkhana, hoặc sikkhāpana” bao hàm ý nghĩa giảng dạy, giáo huấn, hướng dẫn, đào tạo, nghiên cứu, học tập[1]… và cũng có nghĩa là huấn luyện và phát triển đạo đức và tinh thần cho con người. Trong Phật giáo, giáo dục là nhằm giúp con người ý thức học và thực hành Phật Pháp hằng ngày để nhận diện, thanh lọc, và chuyển hóa phiền não thân tâm ngay trong cuộc sống hiện tại.[2] Hơn nữa, giáo dục không những dạy một vài phương tiện kiếm sống cho con người, mà còn giúp con người sống đời sống tinh thần và đạo đức vững chãi.[3]      

Giáo dục Phật giáo có nghĩa là tránh làm các điều ác, làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, là tiến trình tu tập, nhận diện, sửa đổi và chuyển hóa điều sai thành điều đúng, điều bất thiện thành điều thiện, vô minh (Avijjā) thành minh (Avijjā),[4] nhân tánh thành Phật tánh, khổ đau thành hạnh phúc, phiền não thành Bồ đề (Bodhi), v. v… Giáo dục Phật giáo nhằm đào tạo chúng ta trở thành con người chánh niệm và tĩnh giác, vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc như Bậc tỉnh thức.[5]

Đối tượng của giáo dục và giáo dục Phật giáo chính là con người; con người ở đây là con người chánh niệm và tỉnh thức có nhiều mối liên quan với nhau rất gần gũi được hiểu là thầy cô giáo và học trò, và ngược lại.    

Thực vậy, trong giáo dục Phật giáo, các mối liên hệ tương tức giữa thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo đều có những mối liên hệ đặc thù được nối kết với nhau bằng sự trao truyền, tiếp nối, giáo dục, và đào tạo con người tài và đức trong tinh thần tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, đôi bên cùng có lợi bao gồm tự lợi và lợi tha qua việc hành trì và ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hằng ngày để làm lợi ích cho số đông ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Như quý vị biết thầy cô giáo là những người đi trước thuộc thế hệ trước được hiểu là người trao truyền, truyền thừa, và hướng dẫn con đường cao thượng và chân chánh cho thế hệ sau. Học trò là những người đi sau thuộc thế hệ tiếp nối được hiểu là người được hướng dẫn có khả năng đi theo con đường của hiểu và thương mà thầy cô giáo đã trao truyền và hướng dẫn. Như vậy, cả người hướng dẫn và người được hướng dẫn đều có các mối tương quan và tương duyên qua lại với nhau rất mật thiết trong việc tu học, hành trì, ứng dụng, và nếm được hương vị an lạc của chánh Pháp để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Theo cái nhìn tương tức, thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo đều là những người kế thừa, trao truyền, và tiếp nối từ nhiều thế hệ đi trước đến các thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Thầy cô giáo là những người thuộc thế hệ đi trước có trách nhiệm tiếp nối những uy nghi, tế hạnh, ý nghĩ, lời nói, và việc làm chân chánh của những thầy cô giáo ở các thế hệ trước của mình, và truyền trao lại cho các thế hệ sau. Học trò là những người thuộc thế hệ đi sau có bổn phận và trách nhiệm tiếp nối thân giáo, khẩu giáo, và ý giáo của người thầy cô giáo của mình, và truyền trao lại cho các đệ tử sau này của mình.

Như vậy, thầy cô giáo và học trò vừa là những người trao truyền và tiếp nối, vừa là những người hướng dẫn, và kế thừa, song cả thầy cô giáo và học trò đều có khả năng học đạo, hiểu đạo, hành đạo, hoằng đạo, và hộ trì đạo pháp của Đức Thế Tôn ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại và tương lai trên khắp hành tinh này. Khi hiểu và thực hành được như vậy, cả thầy cô giáo và học trò đều có khả năng đem đạo Phật đi về tương lai một cách vững chãi và thảnh thơi qua việc hành trì và ứng dụng Phật Pháp vào trong cuộc sống hằng ngày của mình để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này. Do vậy, các mối liên hệ giữa thầy cô giáo và học trò đều là những mối liên hệ rất đặc biệt, quan trọng, thân thiện, gần gũi, và chặt chẽ.

Chúng ta biết các mối liên hệ tương tức giữa thầy cô giáo và học trò được đề cập trong Kinh Thiện Sinh như phương Nam như sau:

Đối với thầy cô giáo, người học trò có năm bổn phận: Một là, cung kính, lễ phép, và sẵn lòng giúp thầy cô làm những việc cần thiết. Hai là, biết vâng lời thầy cô dạy bảo. Ba là, biết lắng nghe và học hỏi những điều hay nơi thầy cô. Bốn là, phải có tinh thần cầu học với thầy cô giáo những gì hay tốt và mới lạ mà mình chưa biết. Năm là, biết thực tập, ứng dụng, và sáng tạo những gì mình đã học. Ngược lại, đối với người học trò, thầy cô giáo cũng có năm bổn phận: Một là, giảng dạy cho học trò thấy biết chân chánh, tư duy chân chánh, nói năng chân chánh, lời nói, ý nghĩ, và việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, thiền định chân chánh. Hai là, hướng dẫn học trò những phương pháp sư phạm. Ba là, không che dấu kiến thức, hết lòng truyền trao kiến thức và kinh nghiệm sống cho học trò. Bốn là, truyền trao thân giáo, khẩu giáo, ý giáo cho học trò. Năm là, mong muốn học trò trở thành những người tài đức và giỏi hơn mình.[6]

Mặt khác, các mối liên hệ tương tức giữa thầy cô giáo và học trò cũng được đề cập trong Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadāyāda Sutta) số 3 thuộc Kinh Trung Bộ I (Majjhima Nikāya) qua việc tu học và ứng dụng chánh Pháp của Đức Thế Tôn để đem lại tiếng tốt, uy tín, uy nghi, hòa hợp, đoàn kết, sức mạnh, vững chãi, và thảnh thơi cho tự thân, cho đoàn thể tu học, cho cộng đồng, và cho xã hội.

Trong quá trình hoằng dương chánh Pháp và phục vụ nhân sinh, trước hết, cả những thầy cô giáo lẫn những người học trò phải là những người nguyện sống cuộc đời đạo đức, gương mẫu, chánh niệm, và tĩnh giác thông qua việc thừa tự chánh pháp, tốt hơn là thừa tự tài vật. Tuy nhiên, thừa tự tài vật thích hợp, đúng người, đúng việc, đúng chỗ, và đúng lúc, thì cả các thầy cô giáo lẫn học trò đều có thể đem lại lợi ích cho nhiều người bởi vì họ là những hành giả tỉnh thức nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, cùng đi trên đường vui, tu tập giải thoát, và làm đẹp cho cuộc đời.

Chúng ta biết thừa tự pháp là mang ý nghĩa đen, nghĩa bóng của nó có nghĩa là cả thầy cô giáo và học trò đều cùng nhau học pháp, hiểu pháp, hành pháp, hộ pháp, hoằng pháp, và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hàng ngày của mình để đem lại an lạc và lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này. Thừa tự pháp có nghĩa là quá trình tu tập và chuyển hóa thân tâm của thầy cô giáo và học trò. Trong quá trình tu tập này, cả thầy cô giáo và học trò đều có khả năng nhận diện và chuyển hóa những hạt giống bất thiện như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v.vv…, thành các hạt giống thiện như bố thí, từ bi, trí huệ, khiêm nhường, chánh kiến…

Khi thừa tự pháp chuyên cần và tinh tấn, thì cả thầy cô giáo lẫn học trò đều có khả năng đem lại hạnh phúc cho người, yên vui cho gia đình, và thanh bình cho thế giới trong ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Thế tôn. Hơn nữa, chúng ta nên hiểu rằng thầy cô giáo và học trò ở đây có thể là những người xuất gia, hoặc có thể là những người tại gia. Cả hai hạng người này tu tập Phật Pháp ngon lành thì họ có thể đem lại hòa bình và hạnh phúc đích thực cho số đông trên khắp hành tinh này.

Qua việc học, hiểu, hành trì, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, thì họ thực sự là những nhà giáo hạnh phúc có thể thay đổi thế giới và có thể hiến tặng cho đời những hoa trái an vui và hạnh phúc ngay trong đời sống tu tập của họ. Thực vậy, những ai thừa tự chánh Pháp của Đức Thế Tôn một cách vững chãi và thảnh thơi, thì thân và tâm của họ luôn được thanh thản, nhẹ nhàng, và thư thái trong hơi thở, ý nghĩ, lời nói, và việc làm chánh niệm và tĩnh giác. Với việc áp dụng và thực hành Phật pháp tinh chuyên, an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm tốt đẹp.

Mặt khác, những ai thừa tự tài vật chỉ biết lợi dưỡng cho cá nhân, không có ý thức tu tập cho tự thân và cho tha nhân, thì chắc chắn họ sẽ bị thế gian chê cười và chỉ trích. Thực vậy, việc thừa tự tài vật như vậy chỉ mang ý nghĩa thụ hưởng cho cá nhân, không nhằm mục đích tu tập và làm lợi ích cho tự thân và tha nhân, thì trong trường hợp này, nó chỉ mang ý nghĩa vị kỷ, không rộng lượng, và không vị tha mà thôi. Tài vật ở đây được hiểu là đồ mặc, đồ dùng, đồ ăn, thức uống,  xe cộ, nhà cửa, v.v…

Thừa tự tài vật của người đàn việt cúng dường, các thầy cô giáo và học trò đều phải có ý thức biết đủ, nương vào đó để tu tập, để nuôi dưỡng thân tâm, để hoằng dương chánh Pháp, và để làm lợi lạc nhân sanh. Thừa tự tài vật như thế có thể mang nhiều lợi ích cho tự thân và cho tha nhân, cả thầy cô giáo và học trò sẽ không bao giờ bị thế gian chê cười và chỉ trích.

Người có tu học, thừa kế, và sử dụng tài vật thích hợp đúng người, đúng chỗ, đúng việc, và đúng lúc, thì họ có thể gặt hái và tạo thêm nhiều công đức. Người không có tu học, hoặc tu học nửa vời, thừa tự và dùng tài vật không đúng người, đúng chỗ, đúng việc, và không đúng lúc, thì họ tạo ra ít công đức, hoặc đôi lúc họ không gặt hái một tí công đức nào cả.   

Qua quá trình tu tập tinh tấn và thừa tự tài vật thích hợp, chúng ta có thể tạo thêm nhiều phước đức; phước đức có được là nhờ quá trình chúng ta biết cách làm từ thiện, như ủng hộ sinh viên nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, và giúp người nghèo khổ. Có phước đức, chúng ta tu tập vững chãi và lâu bền, sống đúng với Phật Pháp trong tinh thần vô ngã và vị tha.

Ví dụ tiêu biểu, tịnh tài được người thí chủ cúng dường dùng để nuôi Tăng chúng tu học, và đào tạo Tăng tài, thì mình chỉ dùng số tịnh tài đó để lo cho việc nuôi tăng chúng mà thôi. Ngược lại, nếu mình dùng tịnh tài đó cho việc xây Chùa, đúc chuông, và tạo tượng, thì các việc làm đó đều mang ý nghĩa là làm việc cho Tam Bảo, song trong trường hợp này, các việc làm trên đều mang ý nghĩa không thích hợp bởi vì chúng ta sử dụng tịnh tài không đúng người, đúng chỗ, đúng việc, và không đúng lúc.

Tuy nhiên, có đôi lúc mình sử dụng đồng tiền của thí chủ cúng dường không thích hợp, không đúng lúc, không đúng nơi, và không đúng việc. Chẳng hạn như, tiền thí chủ cúng dường cho việc xây Chùa và Tháp, mình sử dụng tiền đó cho việc in Kinh sách. Việc làm của mình như thế là không đúng. Là hành giả chân chánh, chúng ta cố gắng sửa đổi và chuyển hóa những ý nghĩ, lời nói, và việc làm không chân chánh thành những ý nghĩ, lời nói và việc làm chân chánh để đem lại niềm tin và uy tín cho tự thân và cho đoàn thể. Do vậy, nếu tiền dùng để nuôi Tăng chúng và đào tạo tăng ni tài đức, thì mình chỉ sử dụng đồng tiền đó để lo cho Tăng chúng mà thôi. Tiền để xây Chùa thì mình dùng đồng tiền đó cho việc xây Chùa mà thôi.

Qua các việc đề cập ở trên, chúng ta cần phải cẩn thận và ý thức rõ về việc thừa tự tài vật của người đàn việt. Dù việc nhỏ hay việc lớn chúng ta thừa tự tài vật đúng pháp trong ý thức chánh niệm và tĩnh giác, thì điều đó có khả năng đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại. Lúc bấy giờ, những gì mình làm khi người ta nghe và thấy, thì họ đều sinh tâm vui và ủng hộ chúng ta liền. Năng lượng tu tập, kinh nghiệm sống, áng sáng từ bi và trí huệ, an lạc và hạnh phúc trong ta có khả năng tỏa sáng đến nhiều người.

Như vậy, thừa tự tài vật, ta tiêu thụ một ngày một lượng vàng cho các việc từ thiện đúng người, đúng việc, đúng chỗ, và đúng lúc, chúng ta cảm thấy an vui và an tâm, mà người khác cũng cảm thấy hoan hỷ. Nếu thừa tự tài vật cho việc làm từ thiện không thích hợp, không đúng người, đúng việc, đúng chỗ, và không đúng lúc, chúng ta tiêu thụ một ngày chỉ một tí vàng, tâm ta cảm thấy không an, không vui, lòng ta cảm thấy nao nao khó chịu. Đôi lúc chúng ta lại bị thế gian chỉ trích và chê trách.

Người cúng được phước rất nhiều, nhưng chúng ta nhận được phước rất ít bởi vì chúng ta sử dụng những thứ cúng dường của người thí chủ không đúng pháp. Những ai thừa tự tài vật mà không nỗ lực tu tập và chuyển hóa nội tâm, thì chỗ này, người ấy không dễ gì gặt hái được công đức và phước đức. Một khi công đức họ không đạt được, thì làm gì họ có được phước đức. 

Trong trường hợp này, người cúng tức là người thí chủ được ví như con dao, người được cúng tức là hành giả được ví như cục đá mài. Nếu nhận của cúng dường của người thí chủ, hành giả không lo tu tập tinh tấn, không sống đời sống chánh niệm và tĩnh giác, dùng đồ cúng dường của người thí chủ để làm việc từ thiện không thích hợp, không đúng người, đúng việc, đúng chỗ, và không đúng lúc, thì cục đá mài của hành giả càng ngày càng mòn, tức phước đức của hành giả càng ngày càng giảm. Ngược lại, con dao của người thí chủ cúng dường càng ngày càng bén, tức phước đức của người thí chủ càng ngày càng tăng trưởng.

Phước đức không có hình tướng, nhưng nó biểu hiện trong đời sống tu tập của mỗi chúng ta. Phước đức có thể thấy được qua đời sống an vui và hạnh phúc của tự viện, trong đó thầy cô giáo và học trò là những thức giả và hành giả xuất sĩ nguyện sống cuộc đời tỉnh thức có sự hòa hợp, thương yêu, và hiểu biết của tình pháp lữ đồng tu, tình huynh đệ để cùng nhau tu tập Phật Pháp và làm lợi lạc nhân sanh.

Ý thức việc ấy rõ được như vậy, chúng ta khéo biết tu tập, sống đời sống chánh niệm và tĩnh giác, biết sử dụng vật chất cúng dường của người đàn việt một cách thông minh để làm việc từ thiện thích hợp, thì niềm tin và uy tín của ta sẽ tăng trưởng. Khi nghe những việc ta làm chân chánh, thì mọi người ai nấy đều hoan hỷ phát tâm và sẳn sàng ủng hộ cho ta cả vật chất lẫn tinh thần. Khi hiểu và thực tập được như vậy, thì thầy cô giáo và học trò cùng người đàn việt đều cảm thấy vui và phấn khởi trong lòng. Từ đây, an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và mát dịu thân tâm xuyên qua việc hành trì và ứng dụng những lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày để làm lợi ích cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Như vậy, thừa tự Pháp và thừa tự tài vật đã thảo luận xong. Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận các khía cạnh tri ân và nhớ ân giữa thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo trong các buổi Lễ Tạ Ơn hay Lễ Thù Ân của Phật giáo.

Như quý vị biết cứ mỗi nữa tháng vào buổi sáng sớm, các vị xuất Sĩ ở trong chốn thiền môn thường làm lễ Tạ ơn. Trong buổi lễ này, các vị một lòng đảnh lễ các ơn khác nhau như sau: Ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ; ơn Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo đã cho chúng con có sắc thân đức hạnh, thiền định, và trí tuệ; ơn các thầy cô giáo về sự dạy dỗ, trao truyền, và hướng dẫn; ơn những người đàn việt về sự hỗ trợ và cúng dường; ơn những anh hùng dân tộc về sự dựng nước và giữ nước; ơn các các quốc gia nơi mình sinh ra, lớn lên, sinh sống, và làm việc; ơn các môi trường thiên nhiên lành mạnh về sự bảo hộ và che chở khéo léo với tâm từ bi của con người; ơn các vị tổ Sư về việc hoằng dương chánh Pháp và phục vụ nhân sinh từ nghìn xưa cho tới ngày nay; ơn quý các vị đệ tử về việc tiếp nối và kế thừa, v.v…

Trong các loại tri ơn khác nhau đó, trong bài viết này, người viết chỉ đề cập tới các mối liên hệ tốt đẹp và mật thiết giữa quý thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo mà thôi.

Trong buổi Lễ Thù Ân, ngoài việc xướng lễ và đảnh lễ các loại ơn được thảo luận ở trên ra, người hành giả còn đảnh lễ ơn thầy cô và ơn học trò tiếp theo. Để tỏ lòng tôn kính và quý trọng những thầy cô giáo, người học trò đảnh lễ quý thầy cô giáo như thế này.  “Đệ tử chúng con nhớ ơn sự che chở, bảo hộ, và dạy dỗ của quý Thầy cô giáo, cúi đầu đảnh lễ Phật, Pháp và Tăng thường trú trong nhiều phương.

Trong quá trình tu và học, người học trò học rất nhiều lời hay ý đẹp, đặc biệt là kinh nghiệm sống và kinh nghiệm tu tập từ người thầy sư cô bổn sư và các vị y chỉ sư. Ngoài việc học trực tiếp và gián tiếp từ các vị thầy cô đạo học, người học trò còn học nhiều điều đạo đức, giáo dục, khoa học, y học, triết học… không những từ các vị thầy cô đạo học, mà còn các vị thầy cô thế học, người học trò đều ghi ơn và nhớ ơn họ sâu sắc.

Theo văn hóa và tinh thần hướng thượng và hướng thiện, những ai mà dạy cho ta một kinh nghiệm sống, một lời nói hay, một ý nghĩa hay, một việc làm hữu ích và thiết thực, thì họ là thầy cô giáo của ta. Thật vậy, trong giáo dục Phật giáo, người thầy cô thường đóng vai trò quan trọng của người chỉ đường, chỉ cho các đệ tử thấy rõ con đường an vui và hạnh phúc. Con đường an lạc này được ví như con đường xa lộ có tám làn xe (lane) tương tức với nhau. Mỗi làn xe chạy tượng trưng cho một điều chân chánh, tám làn xe tượng trưng cho tám điều chân chánh gồm có: “Cái nhìn chân chánh, ý nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, hành động chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, thiền định chân chánh.[7]

Tám làn xe được thâu nhiếp trong một con đường, tám điều chân chánh được thâu nhiếp trong an vui và giải thoát; an vui trong tu tập, giải thoát trong hành trì và ứng dụng Phật pháp vào trong cuộc sống hằng ngày của mình để làm lợi lạc nhân sanh.

Một là tám. Tám là một và là tất cả. Cả tám và một, một và tám đều bổ sung cho nhau như hình với bóng. Cả thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo đều nương tựa và hỗ trợ với nhau trong đời sống tu tập, an lạc, và hạnh phúc, cùng nhau hướng tới giác ngộ và giải thoát tâm linh như sóng với nước, không thể tách rời nhau được. Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì cả thầy cô giáo và học trò đều cảm thấy hạnh phúc và an vui qua việc học pháp, hiểu pháp, hành pháp, hộ pháp, và hoằng pháp. Cả thầy cô giáo và học trò đều có khả năng đem lại hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Tiếp đến, để tỏ lòng vui mừng khi thấy các người học trò của mình giỏi hơn mình, người thầy khởi tâm niệm hoan hỷ động viên như sau: Con giỏi hơn cha mẹ là nhà có phúc, trò giỏi hơn thầy là trường có phúc, đệ tử giỏi hơn thầy là Chùa có phúc. Dĩ nhiên, cha mẹ và thầy tổ giỏi hơn con cái và đệ tử của họ, gia đình và nhà chùa của họ có phúc.

Chúng ta biết trong giáo dục đạo học cũng như thế học, những người thầy cô giáo luôn luôn mong mỏi các thế hệ đi sau giỏi hơn các thế hệ đi trước về các khía cạnh tài năng, trí tuệ, đức hạnh, v.v… Trong các ngữ cảnh giáo dục Phật giáo, nhà trường và nhà Chùa được xem như là những môi trường giáo dục Phật học ở tu viện và ở đại Tùng Lâm, học trò được xem như là các vị đệ tử có khả năng ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để giúp đời thêm vui bớt khổ ngay tại thế gian này.

Hơn nữa, chúng ta biết khi đào tạo các thế hệ tuổi trẻ, các người cha, người mẹ, và người thầy cô giáo luôn mong muốn các người con, người học trò, và người đệ tử của mình giỏi hơn mình. Với cái nhìn trong sáng về tương lai, các thế hệ đi sau mà giỏi hơn các thế hệ đi trước, đặc biệt là ở khía cạnh tài năng, trí tuệ, và đức hạnh, thì họ có khả năng xây dựng và phát triển hòa bình, thịnh vượng, đạo pháp, và dân tộc bằng con đường đức trị và pháp trị, cụ thể là con đường có tám phương pháp tu tập và ứng dụng vào trong cuộc sống tu tập hàng ngày để làm lợi lạc cho quần sinh. Khi hiểu và thực hành được như vậy, mọi người đều nếm được Pháp hỷ và Pháp lạc ngay tại thế gian này.

Với tâm niệm giáo dục và đào tạo những người kế thừa và tiếp nối Phật Pháp trong hiện tại và trong tương lai, khi áp dụng và thực hành những lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày một các đều đặn, vững chãi, và thảnh thơi, hướng về đức Phật tự tâm, các thầy cô thường khởi tâm xướng và đảnh lễ như sau: “Đệ tử chúng con nhớ ơn các vị đệ tử, những người có công tiếp nối ánh sáng của chánh Pháp, cúi đầu đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng thường trú trong nhiều phương.

Thật vậy, khi chọn cho mình hướng đi trong sáng, an lạc và tự do, cả thầy cô giáo và học trò nguyện cùng nhau thắp sáng lên ánh sáng của chánh Pháp, thắp sáng lên ánh sáng của tình thương cho các thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ tương lai. Các vị là những người hành giả đích thực có khả năng đem lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân trên khắp hành tinh này.

Hơn nữa, là người hành giả tu tập đạo tỉnh thức, trên bước đường tu tập hướng thượng, hướng thiện, hướng tới an vui, hạnh phúc, và giải thoát cho tự thân và cho tha nhân, cả thầy cô giáo và học trò luôn luôn hiểu và nhận diện những ý nghĩ, lời nói, và hành động chánh niệm và tĩnh giác để làm lợi ích cho số đông ngay trong cuộc đời này.

Theo thông lệ hằng năm, trong ba tháng An Cư Kiết Hạ của Tăng đoàn, có một ngày kết thúc khóa tu ba tháng; ngày kết thúc đó được gọi là ngày hoan hỷ, ngày Tết của chư vị xuất Sĩ, cùng đối mặt với nhau để làm lễ nhận diện những điều họ đã tu tập nơi Đạo tràng trang nghiêm, thanh tịnh và bày tỏ tấm lòng quý kính ​và tôn trọng lẫn nhau và nói lên rằng:

“Trong những ngày tu tập Phật Pháp với Đại Chúng, nếu mình có những điều gì chánh niệm hoặc thiếu chánh niệm, xin các bạn đồng tu hoan hỷ chỉ cho mình những điều tốt để mình biết cách phát huy và tăng trưởng; những điều không tốt để mình biết sửa đổi và chuyển hóa chúng. Nơi đạo tràng này, mình xin chân thành ghi nhận và tri ơn những điều chỉ giáo của các bạn đồng hành.

Xét thấy nếu mình có những điểm yếu kém do thiếu chánh niệm gây ra, mình hứa với lòng mình nguyện không lập lại lỗi lầm xưa, hoặc nếu mình có những điều tốt và lợi ích do chánh niệm hình thành, mình dặn với lòng mình cố gắng duy trì và phát huy những điều lợi ích đó để đem lại an và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.

Khi hiểu và thực hành được như vậy, thì cả thầy cô giáo và trò, học trò và thầy cô giáo có thể cùng nhau góp phần đem đạo vào đời và giúp đời thêm vui bớt khổ. Trong cuộc sống hằng ngày, những người cư sĩ và người xuất sĩ cùng nhau học, hiểu, thực hành, và áp dụng những lời dạy của Đức Thế Tôn vào trong cuộc sống hằng ngày một cách tinh chuyên, uyển chuyển, chánh niệm, tĩnh giác, vững chãi, và thảnh thơi, thì chư vị có khả năng đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân trong gia đình, học đường, công sở, và trong xã hội.

Tóm lại, qua những gì đề cập ở trên, các mối liên hệ giữa thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo là những mối liên hệ đặc thù trong giáo dục Phật giáo được nối kết tương tức với nhau bằng ý nghĩ, lời nói, và việc làm thương yêu và hiểu biết bằng tình thầy cô giáo và học trò, bằng tình huynh đệ, tình pháp lữ đồng tu, bằng tình hộ pháp và hoằng pháp qua việc thực hành và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày của mình để đem lại an lạc và hạnh phúc cho nhiều người.

Những mối liên hệ mật thiết này rất thiết thực hiện tại được thắt chặt với nhau bằng chất liệu tu tập, bằng tình tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, hòa hợp, và đoàn kết, bằng sự trao truyền và tiếp nối, bằng sự hướng dẫn và kế thừa chánh Pháp của Đức Thế Tôn một cách chánh niệm và tĩnh giác, thì cả thầy cô giáo và học trò, học trò và thầy cô giáo đều là những hành giả an vui và giải thoát có khả năng bảo hộ, duy trì, và phát triển đạo Phật ở hiện tại cũng như ở tương lai một cách xán lạn và huy hoàng trên khắp thế gian này.

Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.

                              By Thích Trừng Sỹ

https://phapnhan.org/en/the-interrelationships-between-teachers-and-students-students-and-teachers-in-buddhist-education/

[1]   Xem Pāli-English Dictionary. Eds. T. W. Rhys Davids & W. Stede, London: Pāli Text Society, 1921-25. (First Indian reprint, New Delhi: Oriental Books Reprint Corporation, 1975): 11 & 708.

[2]   Rousseau J J A. Discourse on the Origin of Inequality. London: 1970: 169.

[3]   Swami Sivananda. Religious Education. 1983, Ch. I, Bliss Divine, 1991: 126.

[4]    Thích Nhất Hạnh. The Heart of The Buddha’s Teaching. New York: Parallax Press, 1999: 246-7.

[5]    Xem Pháp Cú, kệ số 88, 97, 378.

[6] Trường A Hàm, (Dīrghāgama)Phần II, Kinh số 16, và Kinh Bộ Kinh (Dīgha Nikaya), Kinh số 31.

[7]  Xem Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta) thuộc Tương Ương Bộ. (Samyutta Nikaya, 56: 11)

Facebook Comments Box

Trả lời