BÀI PHÁP THOẠI NHÂN LỄ PHẬT ĐẢN SANH LẦN THỨ 2.646, PHẬT LỊCH 2566
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa quý Phật tử khắp nơi trên thế giới,
Ngày Đản Sanh lần thứ 2646 của Thái tử Tất Đạt Đa đã về với người con Phật khắp đó đây. Chúng ta là Phật tử, dầu tại gia hay xuất gia cũng không có ai quên được ngày trọng đại nầy. Bởi lẽ Ngài xuất hiện nơi đời nầy chỉ có một mục đích duy nhất là “mở bày cho tất cả chúng sanh được thấy rõ và nhập vào tri kiến Phật”. Đây là một công hạnh cao cả của một vị Bồ tát ở giai đoạn cuối cùng trước khi thành Phật.
Ngài đã đến cõi Ta Bà nầy và trụ thế 80 năm. Do vậy chúng ta kỷ niệm ngày Đản Sanh cũng có nghĩa là kỷ niệm ngày Thành đạo và ngày Nhập diệt của Ngài. Cho nên Phật Lịch 2566 năm là mốc thời gian được tính từ khi Ngài đã thị tịch Niết bàn cho đến nay. Tuy nhiên ngày sinh, ngày xuất gia, ngày thành đạo của Ngài cho đến nay giữa hai truyền thống Bắc và Nam Tông của Phật giáo vẫn chưa nhất quán. Kể từ xa xưa ở một số nước như Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản đều cử hành ngày Đản Sanh của Ngài nhằm vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng chữ Vesak có nghĩa là ngày trăng tròn, mà mồng 8 thì trăng chưa thể tròn được; nên sau nầy ở Việt Nam các chùa thường chọn cử hành lễ Đản Sanh của Đức Phật trong các ngày từ ngày mồng 8 đến ngày Rằm tháng Tư theo lịch âm. Trong khi đó ở Nhật Bản, là một quốc gia theo Phật giáo Đại Thừa, cho tới nay vẫn cử hành ngày lễ Đản Sanh vào ngày 8 tháng 4; nhưng theo dương lịch chứ không phải âm lịch và ngày nầy người Nhật gọi là “Hana Matsuri”. Nhiều quốc gia Nam Tông khác theo truyền thống lâu đời và Phật Giáo chiếm đại đa số; nên Thái Lan, Lào, Cam Bốt cử hành ngày Đản Sanh của Đức Phật như là ngày bắt đầu của một năm mới. Ngay cả cử hành những ngày lễ theo âm lịch của một số nước Á Châu khác như Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ, Trung Hoa, Việt Nam cũng vẫn không giống nhau hoàn toàn. Đôi khi sai biệt vài ngày, đôi khi sai biệt cả tháng, nhất là những tháng nhuần.
Đối với Phật giáo Đại thừa đa phần cho rằng Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 19 tuổi, sau đó tu khổ hạnh 6 năm trong núi Hy Mã Lạp Sơn và những năm sau đó là một khoảng thời gian bỏ trống, rồi Ngài thành đạo lúc 30 tuổi. Và cuối cùng là thuyết giảng giáo pháp suốt 49 đến 50 năm sau để nhập Đại Bát Niết Bàn vào năm Ngài 80 tuổi. Trong khi đó Phật giáo Nam Truyền thì cho rằng Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia năm 29 tuổi, 6 năm tu khổ hạnh và thành đạo lúc 35 tuổi. Như vậy Đức Phật theo cái nhìn bên Nam Truyền chỉ chuyển pháp luân có 45 năm. Thuyết nầy đa số các học giả cả Nam lẫn Bắc Truyền ngày nay trên thế giới đều chấp nhận. Ngày nay các nước theo Phật Giáo cả Nam và Bắc truyền đều chấp nhận năm sinh và năm nhập diệt giống nhau; còn các sự kiện khác trong đời Ngài, có rất nhiều sự khác biệt; nên chúng ta thường hay nói Phật Lịch năm nay là năm thứ 2566 là vậy. Nghĩa là tuổi thọ của Ngài 80 năm.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử; nghĩa là Ngài có sinh ra, có lập gia đình, sinh con rồi từ giã cuộc đời ô trược nầy để dấn thân vào con đường khổ hạnh, và cuối cùng thành đạo quả với danh hiệu được tôn xưng là Thích Ca Mâu Ni Phật. Nếu tính ngày sinh của Thái Tử Tất Đạt Đa vào ngày 15 tháng 4 năm 624 trước TL (2646-2022) thì có nghĩa là Thái tử đã sinh ra tại Vườn Lâm Tỳ Ni, Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ 7 trước Tây Lịch. Tuy nhiên các nhà học giả trên thế giới ngày nay vẫn chưa đồng ý với lập luận nầy. Có nơi cho rằng Ngài sinh ra vào thế kỷ thứ 6 và nhiều nơi còn cho rằng Ngài sinh vào thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch nữa. Dẫu cho các nhà nghiên cứu về lịch sử nhân loại đối với cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa rõ ràng đi chăng nữa, thì Đức Phật Thích Ca vẫn là một Đức Phật lịch sử, vì sự thị hiện của Ngài bằng xương bằng thịt là thật có trong cõi đời nầy. Từ đó, cách đây không lâu Liên Hiệp Quốc cũng đã công nhận ngày lễ Tam Hợp (Vesak) nầy.
Sau khi Ngài chứng quả thành Phật dưới cội Bồ Đề, Ngài đã tư duy rằng có nên mang giáo lý thậm thâm vi diệu nầy đi vào cuộc đời để tế độ nhân sinh chăng? Cuối cùng nhờ chư Thiên thưa thỉnh nên Ngài đã ở lại với đời để chuyển bánh xe pháp, sau 49 ngày đêm thiền tọa dưới cội Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng. Trong khi đó Ma Ba Tuần cũng khuyến thỉnh Ngài Nhập Niết Bàn liền. Bởi lẽ nếu ánh sáng giác ngộ hiện hữu thì Ma Ba Tuần khó có cơ hội tồn tại nơi thế gian nầy và Đức Phật đã hứa rằng: “Khi nào ta độ được các chúng đệ tử Ưu bà tắc, Ưu bà di, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đầy đủ thì ta sẽ vào Niết Bàn”. Đây là lời hứa và Đức Phật đã thực hiện lời hứa nầy khi Ngài 80 tuổi.
Từ dưới cội Bồ đề, ánh sáng chân lý đã được truyền đạt đến khắp nơi trên thế giới ngày nay về chân lý tối thượng của Tứ Diệu Đế, của Tam Pháp Ấn (Vô thường, Khổ và Vô ngã), của 37 phẩm trợ đạo v.v… Dĩ nhiên là trong khi du hành đây đó, Đức Phật của chúng ta đã nói nhiều pháp khác nhau để độ cho nhiều người trong các giai cấp của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, tùy căn cơ, trình độ cũng như hoàn cảnh v.v…và cuối cùng mục đích ấy chỉ mang lại sự giác ngộ giải thoát cho loài người và chư Thiên là chính.
Bây giờ chúng ta có thể học tập theo những kinh điển của Nam Truyền, Bắc truyền, Mật Tông v.v… tuy cách thực tập của mỗi nước có khác nhau, nhưng chung quy: Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên. 37 phẩm trợ đạo, Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã v.v… đều là những nền tảng căn bản của tất cả những truyền thống nầy. Sau nầy khi Phật giáo truyền về phương Bắc Ấn Độ thì có Mật Giáo như: Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ v.v… tại đây Phật Giáo thể hiện vào giáo lý nầy một cách thiết thực với phong tục tập quán và hoàn cảnh thời tiết, xã hội tại đó; nên các vị Tổ Sư đã đi sâu vào lãnh vực hành trì mật chú một cách miên mật. Trong khi đó Tánh Không qua Trung Quán, Bát Nhã, Đại Trí Độ Luận v.v… lại dễ dàng thích nghi hơn với các xứ Phật giáo khác như: Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam.
Ngày nay Phật Giáo có mặt khắp năm châu bốn biển trên quả địa cầu nầy, đều thể hiện rõ nét về những đặc điểm của từng tông phái được truyền vào và người Tây phương đang thực hiện. Ví dụ: những người Âu Mỹ ngày nay sống rất năng động và gặp rất nhiều khó khăn về lãnh vực tâm linh trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy họ tìm đến Phật giáo để giúp họ giải tỏa những rạn nứt của gia đình, làm sao họ có thể không bị trầm cảm, không bị công ăn việc làm chi phối v.v…Do vậy họ cần Thiền thực tập để lấy lại sự quân bình. Từ đó các vị Đạo Sư của các Tông phái Phật giáo ngày nay tại Âu Mỹ, họ hay cho các Phật tử nầy thực tập Thiền Chánh Niệm đếm hơi thở, mà tiếng Phạn gọi là: Anapanasatti (An Bang Thủ Ý Kinh). Đây là Thiền đếm hơi thở, tập cho Thiền sinh khi hít vào cũng như khi thở ra làm chủ được hơi thở của mình, đem tất cả mọi sinh hoạt trở về với chánh niệm như: khi ăn ta biết ta đang ăn, khi làm việc ta biết rằng ta đang làm việc, ta hít vào và thở ra ta biết rằng ta đang hít vào và thở ra v.v…
Kế tiếp các vị Đạo Sư mới dạy cho họ Thiền Chỉ (Samatha) và Thiền Quán (Vipassana). Với Thiền nầy khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã dạy cho các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni thực tập và đã chứng được các quả vị đầu tiên của Tu Đà Hoàn hoặc Tư Đà Hàm trong bốn Thánh quả. Về sau nào là có quán về thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ của Thiền Đại Thừa nữa; nên ngày nay Thiền Học tại Tây Phương rất đa dạng. Đó là chưa kể về Thiền Tào Động hay Thiền Lâm Tế của Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam đã đang và sẽ truyền đạt đến mọi người con Phật tại đây, khiến cho bông hoa Phật Giáo càng ngày càng tỏa ngát hương thơm tại các xứ sở nầy. Đây là một niềm an vui đối với những Phật tử của chúng ta khi nghe và biết được những diễn biến lịch sử truyền thừa nầy.
Tịnh Độ Tông vẫn có chân đứng tại các xã hội Âu Mỹ ngày nay; nhưng đa phần do người Á Châu chúng ta mang đến thực tập qua câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà. Thỉnh thoảng đâu đó chúng ta vẫn thấy những tín đồ Phật Giáo Âu Châu niệm Phật tại các chùa Nhật Bản, Trung Hoa, Đại Hàn và Việt Nam, nhưng số lượng nầy rất ít. Bởi lẽ người Âu Mỹ thích Thiền hơn Tịnh Độ. Đây là một điều dễ hiểu, bởi lẽ Thiền có tính cách nguyên thủy khởi đi từ thời của Đức Phật. Còn Tịnh Độ tuy cũng do Đức Phật giảng dạy, nhưng Tông Phái nầy chỉ phát triển về sau qua các vị Đại Sư Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam truyền thừa; chứ ở nơi Phật Giáo Nguyên Thủy hầu như không nghe nói đến nhiều về những pháp hội niệm Phật cả hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn người tham gia như ở những nước Đại Thừa Á Châu ngày nay.
Người Á Châu chúng ta đa phần bị ảnh hưởng bởi tục thờ cúng Ông Bà của Trung Quốc, nên sau thời kinh bao giờ cũng kèm theo những lễ nghi khác như: cúng giỗ, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất v.v…trong khi đó người Âu Mỹ rất xa lạ với những tập tục nầy. Dĩ nhiên là họ vẫn làm quen; nhưng khó thâm nhập vào tư tưởng hiện thực của người phương Tây. Hy vọng rồi dần dà người Âu Mỹ cũng sẽ hiểu ra giữa Phật giáo và dân tộc có những nghi lễ đan xen với nhau như vậy.
Khi chúng tôi đến làm việc Đạo tại các xứ Âu Mỹ nầy, cái khó khăn nhất là làm sao hội nhập được vào đời sống văn hóa và tôn giáo bản địa ở nơi đây. Bởi lẽ sự hội nhập nó không có nghĩa là đồng hóa. Vì bị đồng hóa có nghĩa là chúng ta làm mất đi bản sắc Dân tộc của mình. Điều nầy có nghĩa là người ngoại quốc đến từ Á Châu, một mặt phải hội nhập và mặt khác phải bảo tồn và phát huy nền văn hóa gốc của mình, mà Phật giáo giữ một vai trò rất quan trọng. Bởi vậy khi chúng tôi tiếp xúc với các chính quyền địa phương hay với các tôn giáo khác, chúng tôi thường hay so sánh như thế nầy. Văn hóa và văn minh của những xứ Âu Mỹ ngày nay trên thế giới không thiếu sự góp mặt của Thiên Chúa giáo và Tin Lành cùng nhiều tôn giáo khác nữa. Ví dụ Thiên Chúa giáo biểu trưng cho hương thơm của một loại hoa hồng; trong khi đó giáo lý của Tin Lành không khác với hương của loài hoa cẩm chướng và Phật giáo của chúng tôi, vốn là một tôn giáo xa lạ từ phương Đông được truyền đến Âu Mỹ chừng 200 năm nay giống như một loài hoa sen. Tuy mọc lên từ bùn nhơ nước đọng, nhưng loài hoa nầy đã mang đến những hương thơm ngào ngạt diệu kỳ. Hiện tại giờ đây trong vườn hoa tâm linh của chúng ta tại các xứ Âu Mỹ nầy, khi xuân sang không phải chỉ có một loài hoa hồng hay hoa cẩm chướng tỏa hương thơm ngát, mà còn có thêm một loài hoa sen nữa cũng đang phơi bày sắc và hương, làm cho vườn hoa tôn giáo của chúng ta càng ngày càng tươi đẹp và có nhiều mầu sắc hơn.
Ngay trong thời điểm nầy, tại Á Châu chúng ta cử hành lễ Phật Đản Sanh lần thứ 2646 và Phật Lịch 2566 tại các chùa cũng như những diễn đàn Phật Pháp Online, thì tại Âu Châu chiến tranh đang bùng phát một cách dữ dội tại Ukraine, khiến cho rất nhiều người chết và thương vong cũng như có hơn 10 triệu người đã bỏ nước ra đi, đa phần là đàn bà và trẻ con; còn đàn ông ở lại chiến đấu với quân đội của Nga. Chiến tranh thực sự chẳng có lợi cho ai cả, mà con người vì tham, sân, si nên mãi quay cuồng với những tranh chấp và hận thù, khiến cho thế giới nầy càng ngày càng bị rơi vào cảnh đói nghèo, tang thương đổ nát. Đức Phật cũng đã từng dạy cho chúng ta rằng: “Hận thù không thể dứt sạch được hận thù. Chỉ có lòng từ bi mới có thể chấm dứt được hận thù”. Như vậy cuối cùng rồi sẽ có một bên thua và một bên thắng trận; nhưng kết quả là gì, như chúng ta đều đã biết. Do vậy chúng ta những người Phật tử nên nhân danh từ bi, để kêu gọi các bên tham chiến hãy gạt bỏ hận thù để xây dựng một quê hương, một dân tộc hùng mạnh hơn bằng con đường từ bi và tha thứ. Có như vậy thế giới nầy mới sớm hòa bình và an lạc.
Đại dịch Covid 19 đã lây lan khắp nơi trên quả địa cầu, sau hơn 2 năm vẫn chưa chấm dứt mà dịch nầy vẫn còn biến thể với nhiều hình thức khác nhau, đã có hằng triệu người chết, hằng trăm triệu người bị nhiễm bệnh và công ăn việc làm, sự sản xuất bị đình trệ trên mọi phương diện, khiến cho lòng người càng trở nên ngờ vực hơn với phương pháp ngừa bệnh của các chính quyền và việc chữa trị bệnh của các loại thuốc. Chúng ta phải biết ơn các chính phủ đã vì dân mà giúp cho nạn dịch bớt lây lan, phải cảm niệm công đức của những y Bác Sĩ đã quên thân mình, hy sinh thời gian và hạnh phúc gia đình của mình đã xả thân vào trận đại dịch nầy, để cứu giúp không biết bao nhiêu là căn bịnh nan y của thời đại được sống trở lại cuộc sống bình thường. Đây là những hành động thực tế, chúng ta không được phép quên. Ngoài sự cầu nguyện giúp đỡ ra, chúng ta phải thành tâm sám hối tội lỗi của mỗi người đã gây ra từ vô thỉ cho đến ngày nay, khiến cho quả địa cầu nầy hết khả năng chịu đựng được nữa; nên thiên tai lụt lội, động đất, sóng thần đã nổi lên khắp đó đây. Ngay từ bây giờ chúng ta phải nên thực hiện lời Phật dạy rằng:
“Tất cả việc xấu chớ là
Nên vâng làm các điều tốt
Tự trong sạch ý chí của mình
Ấy là lời chư Phật dạy”.
Từ nước Đức xa xôi, nhân ngày Phật Đản lần nầy chúng tôi xin chắp hai tay cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc và cầu nguyện cho tất cả chúng ta luôn niệm tâm từ bi, thực hành hạnh hỷ xả để cho muôn loại chúng sanh trên quả địa cầu nầy được an lạc và có tuổi thọ dài lâu.
Kính cảm ơn tất cả quý vị.
(Bài đọc nầy bằng tiếng Anh có phụ đề Anh ngữ, Việt ngữ, Hoa ngữ và Nam Dương ngữ trên hệ thống Youtube của Hòa Thượng Thích Huệ Hùng, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (WBSC), đang Trụ Trì chùa Tỳ Lô tại Singapore và các chùa tại Indonesia)
Dharma Talk on the occasion of 2646th VESAK Day, Buddhist Calendar 2566