239 lượt xem

Bảy Yếu Tố Giác Ngộ

Thích Trừng Sỹ

BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ

Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, những giáo lý then chốt, căn bản, và thiết thực của Phật giáo, Bảy Yếu Tố Giác Ngộ là một trong những chi phần giáo lý quan trọng nhất trong những lời Phật dạy giúp cho các hành giả thực hành và ứng dụng để góp phần đem lại hòa bình, an vui, và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này. Trong lộ trình hướng tới giải thoát các phiền não tham, sân, si, vô minh, tà kiến, v.vv…, Bảy Yếu Tố Giác Ngộ rất cần thiết cho những người hành giả tu, học, hiểu, hành trì, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Bảy Yếu Tố Giác Ngộ tiếng Pali viết là Satta sambojjhaṅgā; Satta là bảy; sam tiếp đầu ngữ của nó là trọn vẹn, đầy đủ, hoàn hảo, đúng đắn, chân chánh, cao thượng, v.v…; bojjhi trong bojjhaṅgā được phối âm từ chữ bodhiaṅga; Bodhi là danh từ có nghĩa là giác ngộ, hiểu biết, tĩnh thức, v.vv… Aṅga là danh từ có nghĩa là yếu tố. Vậy Satta Sambojjhaṅgā là một cụm danh từ ghép có nghĩa là Bảy Yếu Tố Giác Ngộ hoàn hảo. Bodhi, động từ của nó là budh hay bodhati; có nghĩa là nhận biết, hiểu biết, tĩnh thức, thấu rõ, hiểu rõ, v.v…

Bảy Yếu Tố Giác Ngộ gồm có

1. Niệm Giác Chi (Sati sambojjhanga),
2. Trạch Pháp Giác Chi (Dhamma vicaya sambojjhanga),
3. Tinh Tấn Giác Chi (Viriya sambojjhanga),
4. Hỷ Giác Chi (Piti sambojjhanga),
5. Khinh An Giác Chi (Passaddhi sambojjhanga),
6. Định Giác Chi (Samadhi sambojjhanga), và
7. Xả Giác Chi (Upekkha sambojjhanga).
1. NIỆM GIÁC CHI (Sati sambojjhanga) là chi phần đầu tiên trong Bảy Yếu Tố Giác Ngộ; Trong chữ Hán, Niệm (念) bao gồm chữ Kim (今) và chữ Tâm 心; Kim (今) có nghĩa là bây giờ, hiện tại, hiện nay, ngay lúc này; Tâm 心 có nghĩa là tấm lòng. Niệm (念) có nghĩa là nhớ nghĩ những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây trong giờ phút hiện tại. Niệm luôn đi kèm với chánh niệm và tĩnh giác khi hành giả tu, học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày. Ngược lại với chánh niệm là tà niệm, tạp niệm, thất niệm, loạn niệm, động niệm, v.vv… Những ai có các loại tà niệm, tạp niệm, thất niệm … , thì họ đem đến hại mình, hại người, và hại cho số đông. Do đó, ý thức rõ các loại tà niệm như vậy, trong quá trình tu tập Phật Pháp và làm mới thân tâm, hành giả nên cố gắng nhận diện và chuyển hóa tà niệm và tạp niệm thành chánh niệm và tĩnh giác để làm đẹp cuộc đời.
Theo Kinh Quán Niệm Hơi Thở trong Trung Bộ Kinh số 118, các đối tượng của niệm gồm có Niệm hơi thở, Niệm thân, Niệm thọ, Niệm tâm, và Niệm pháp.
Với niệm hơi thở trong chánh niệm và tĩnh giác, “khi thở vào, mình biết mình đang thở vào; khi thở ra, mình biết mình đang thở ra. Khi thở ra dài, mình biết mình đang thở ra dài. Khi thở ra ngắn, mình biết mình đang thở vô ngắn. Khi thở sâu, mình biết mình đang thở sâu. Khi thở chậm, mình biết mình đang thở chậm. Khi thở an lạc, mình biết mình thở an lạc, v.vv… Khi thực tập và ứng dụng các hơi thở chánh niệm và tĩnh giác trong mọi cử chỉ và hành động hằng ngày, thì mình chắc chắn sẽ đạt được các chất an và chất lạc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.”
Khi niệm thân được duy trì và nuôi dưỡng trong chánh niệm và tĩnh giác, hành giả có thể nhận diện rằng thân này do duyên sinh hình thành nhờ tinh cha, trứng mẹ, thức ăn, thức uống, ánh sáng mặt trời, ánh sáng mặt trăng, người giúp việc, v.vv… Khi thân này được hình thành, nó phải trải qua các chu kỳ vận động, chuyển động, khỏe mạnh, tráng kiện, già nua, bệnh tật, ốm đau, yếu ớt, và hư hoại.

Khi niệm thân, hành giả biết rõ rằng thân vật lý này do bốn yếu tố: Đất, nước, lửa, gió, và năm thủ uẩn: thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành, và nhận thức hình thành. Thân này là một tổ hợp vật chất do các nhân duyên hình thành. Nó vô thường, mong manh, không thật. Tuy nhiên, chúng ta nương vào thân này để chúng ta không hủy hoại nó. Chúng ta không nói, không nghĩ, và không làm những điều bất thiện để làm hại thân tâm. Do vậy, chúng ta luôn ý thức trân quý và tận dụng thân này để chúng ta làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời. Cha mẹ là những người hiến tặng cho ta có tấm thân vật lý này. Thầy lành bạn tốt là những người dạy giỗ và hướng dẫn cho ta có thêm tấm thân trí tuệ, đạo đức, và thiền định. Trong Kinh lời vàng số 193, Đức Phật đạy:
Khó thay được làm người
Khó thay gặp được Như Lai
Khó thay nghe chánh Pháp
Khó thay kết duyên Tăng đoàn
Nơi nào chúng ta tu tập Phật Pháp tinh chuyên,
Nơi đó chắc chắn chúng ta có an lạc.
Với niệm thọ trong chánh niệm và tĩnh giác hiện tiền, ta có thể nhận diện và chuyển hóa các cảm thọ bất thiện và bất an thành các cảm thọ thiện lành và an vui ngay trong pháp học, pháp hành, pháp hỷ, và pháp lạc. Các dòng sông cảm thọ sinh khởi trong ta có lúc êm đềm và có lúc không êm đềm. Lúc sinh khởi êm đềm, chúng giống như những cơn mưa phùn rơi nhè nhẹ. Lúc sinh khởi không êm đềm, chúng giống như nhưng cơn giông bảo trong thân tâm. Tu học và thực hành Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày là quá trình nhận diện và chuyển hóa các cảm thọ bất an và bất lạc thành cảm thọ an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Với niệm tâm trong sáng trong chánh niệm và tĩnh giác, hành giả có thể biết rõ rằng đối với những người không có thiền tập vững chãi, tâm của họ giống như con ngựa không đứng yên, rong chạy suốt ngày ở ngoài đường. Nhưng đối với những người có tu tập và hành trì Phật Pháp, tâm của họ yên tịnh và vắng lặng như nước ở trong ly không bị chao động, như ngọn đèn chiếu ánh sáng không bị gió thổi và không bị lay động.
Thật vậy, những ai không siêng năng tu học và hành trì Phật Pháp, thì tham, sân, si, vô minh, tà kiến dễ dàng sinh khởi trong họ. Tuy nhiên, những hành giả tu học, áp dụng, và thực hành Phật Pháp trong đời sống hằng ngày, họ có thể nhận diện và chuyển hóa tham, sân, si, vô minh, và tà kiến thành bố thí, từ bi, sáng suốt, minh, và chánh kiến. Trong quá trình hướng tới giác ngộ và giải thoát tâm linh, tu tập Phật Pháp là quá trình hành giả nhận thức, nhận diện, và chuyển hóa tâm dao động và lăn xăn thành tâm định tĩnh và nhất tâm; tâm tham, sân, si, trở thành tâm bớt tham, bớt sân, bớt si.
Các đối tượng của tâm được gọi là niệm Pháp ở phạm vi rất rộng bao gồm năm triền cái, năm thủ uẩn, sáu căn, sáu trần, sáu thức thuộc mười tám giới, bảy yếu tố giác ngộ, và bốn chân lý cao thượng.
Năm triền cái gồm có: 1. Tham dục, 2. Sân giận, 3. Hôn trầm thụy miên, 4. Trạo hối, và 5. Nghi.
Năm thủ uẩn gồm có: 1. Thân thể, 2. Cảm giác, 3. Tri giác, 4. Tâm hành, và 5. Nhận thức.
Mười tám giới gồm có SÁU CĂN: 1. mắt, 2. tai, 3. mũi, 4. lưỡi, 5. thân, 6. ý trong cơ thể được gọi là nội giới; SÁU TRẦN: 1. hình sắc, 2. âm thanh, 3. mùi hương, 4. vị nếm, 5. sự xúc chạm, 6. các đối tượng của tâm ngoài cơ thể được gọi là ngoại giới; SÁU THỨC: 1. nhãn thức, 2. nhĩ thức, 3. tỷ thức, 4. thiệt thức, 5. thân thức, và 6. ý thức) ở giữa giúp sáu căn nhận biết sáu trần được gọi là trung giới.
Nhãn căn tiếp xúc hình sắc thì nhãn thức sanh khởi.
Nhĩ căn tiếp xúc âm thanh thì nhĩ thức sanh khởi.
Tỷ căn tiếp xúc với mùi hương thì tỷ thức sanh khởi.
Thiệt căn tiếp xúc với vị nếm thì thiệt thức sanh khởi.
Thân căn tiếp xúc với sự xúc chạm thì thân thức sanh khởi.
Ý căn tiếp xúc với các pháp thì ý thức sanh khởi.

Bảy Yếu Tố Giác Ngộ gồm có

1. Niệm giác chi (Sati sambojjhanga),
2. Trạch pháp giác chi (Dhamma vicaya sambojjhanga),
3. Tinh tấn giác chi (Viriya sambojjhanga),
4. Hỷ giác chi (Piti sambojjhanga),
5. Khinh an giác chi (Passaddhi sambojjhanga),
6. Định giác chi (Samadhi sambojjhanga), và
7. Xả giác chi (Upekkha sambojjhanga).

Bốn chân lý cao thượng gồm có:

1. Chân lý khổ,
2. Chân lý nguồn gốc của khổ,
3. Chân lý diệt khổ,
4. Chân lý con đường cao thượng đưa tới sự diệt khổ.
Đối với niệm pháp, những đối tượng của tâm, khi hành giả không tu học và không hành trì Phật Pháp, thì năm triền cái, năm thủ uẩn, và mười tám giới đều là những chướng ngại lớn không những cho tự thân mà còn cho tha nhân. Ngược lại, những hành giả học, hiểu, áp dụng, và thực hành Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, thì họ có thể nhận diện và chuyển hóa chúng ngon lành.
Với chánh niệm và tĩnh giác tròn đầy, đối với niệm pháp, những đối tượng của tâm, khi hành giả tu tập và thực hành Phật Pháp tinh chuyên, nhuần nhuyễn, uyển chuyển, và khéo léo, hành giả có thể đạt được bảy yếu tố giác ngộ và hiểu rõ được bốn chân lý cao thượng tốt đẹp.
Trên đây là những gì tác giả đã thảo luận khái quát về NIỆM, chi phần đầu của bảy yếu tố giác ngộ, tiếp theo chi phần hai là TRẠCH PHÁP.
2. TRẠCH PHÁP GIÁC CHI (Dharma vicaya sambojjhanga) là chi phần thứ hai trong bảy yếu tố giác ngộ. Dharma trong trường hợp này có nghĩa là lời Phật dạy; Vicaya là danh từ có động từ là vicinati có nghĩa chọn lọc, lựa chọn, nhận diện, nhận thức, phân biệt, phân tích, và hiểu rõ. Vậy dharma vicaya là cụm từ Pali được dịch sang tiếng việt là Trạch Pháp có nghĩa là chọn lọc, nhận diện, và hiểu rõ những điều đúng, chân chánh, chân thật, và thiết thực.
Chúng ta biết Trạch Pháp bao giờ cũng đi với chánh trí, chánh tuệ, chánh tín, chánh minh, và chánh đạo, cụ thể là con đường có tám phương pháp tu tập đúng đắn gồm có cái thấy đúng, tư duy đúng, lời nói đúng, hành động đúng, nghề nghiệp mưu sinh đúng, siêng năng đúng, nhớ nghĩ đúng, và thiền định đúng.
Với Trạch Pháp đúng đắn, chúng ta thấy và biết rõ muôn sự muôn vật trên thế gian này đều là tương tức, duyên sinh, vô thường, vô ngã, và không có tự tính tồn tại độc lập và riêng biệt. Không có một duyên duy nhất, một đấng tạo vật duy nhất mà có thể tạo ra thế giới và vũ trụ. Cũng vậy, thân vật lý này do bốn đại chủng và năm thủ uẩn hình thành bao gồm hai yếu tố chính: Sắc thân và tâm ý. Thân này do tinh cha, trứng mẹ, đồ ăn, thức uống, không trí trong lành, ánh sáng, v. vv… hình thành. Thân này không do một đấng thần linh tối cao nào tạo ra.
Với Trạch Pháp đúng đắn, học, hiểu, thực hành bài Kinh Kalama rõ ràng, chúng ta nắm vững mười niềm tin chánh tín với Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo sâu sắc. Đọc và nghiền ngẫm Kinh Kalama trong Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) thì chúng ta sẽ biết rõ mười niềm tin chân chánh như sau:
Một là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là truyền khẩu, hay nghe người ta nói lại.
Hai là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là truyền thống, truyền thuyết, hay phong tục tập quán.
Ba là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là báo cáo, phỏng đoán, hay tin đồn.
Bốn là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi chép trong Kinh điển, hay trong sách vở.
Năm là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là ước đoán, hay lý thuyết siêu hình.
Sáu là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là tiên đề, hay lập trường do mình suy diễn.
Bảy là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó chỉ dựa trên quan điểm thiên vị, hay dữ liệu mơ hồ.
Tám là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là định nghiệp, định kiến, thường kiến, hay đoạn kiến.
Chín là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó là một hù dọa và tẩy não, hay sự răn đe của một đấng thần linh tối cao nào do con người bịa đặt, tưởng tượng, suy nghĩ, và nói ra.
Mười là, đừng vội tin một điều gì dù điều đó được các nhà truyền giáo, vị đạo sư, hay vị thầy của mình tuyên thuyết.
Cùng đi với cái thấy đúng, cái hiểu đúng, tư duy đúng, v. v…, với Trạch Pháp chân chánh, chúng ta hiểu rõ những lời đức Phật dạy, cụ thể là, từ bi, trí tuệ, đạo đức, thiền định, chân lý khổ, chân lý khổ tập, chân lý khổ diệt, và chân lý của chánh đạo đưa tới khổ diệt.
Ngược lại, trong quá trình tu học Phật Pháp, nếu không có minh Sư hướng dẫn, nếu không có Trạch Pháp đúng, thì chúng ta dễ rơi vào tà trí, tà tuệ, tà tín, vô minh, và tà đạo, cụ thể là cái thấy sai, tư duy sai, lời nói sai, hành động sai, nghề nghiệp mưu sinh sai, siêng năng sai, nhớ nghĩ sai, và thiền định sai.
Ví dụ, con người, con vật, muôn sự muôn vật trên trái đất này do đấng thần linh tối cao tạo ra. Tin vào tướng số, ngày tốt, giờ tốt, hướng tốt, tuổi tốt. Đốt giấy vàng mã. Xem sao giải hạn. Tất cả điều này không phù hợp với giáo lý nhân quả, và không đúng với những lời Phật dạy. Thật vậy, ngày, giờ, hướng, tuổi tốt hay xấu đều tùy thuộc ý nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta. Trong quá trình tu học Phật mà không có Trạch Pháp đúng đắn thì dễ dàng đưa đến bất lợi cho mình và bất lợi cho người khác.
Do vậy, nhờ tu học Phật Pháp với chánh trí, chánh tuệ, chánh tín, và Trạch Pháp đúng đắn, chúng ta có thể làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
3. TINH TẤN GIÁC CHI (viriya sambojjhanga) là chi phần thứ ba trong bảy yếu tố giác ngộ. Trong ý nghĩa hoàn hảo, viriya có nghĩa là nỗ lực, nhiệt tâm, chăm chỉ, siêng năng, tinh cần, tinh chuyên, thuần nhất, kiên trì, kiên quyết, sức sống tràn đầy, thăng tiến, dũng mãnh, vươn lên, hướng thượng, hướng thiện, và tinh tấn. Trong Bát Chánh Đạo, Tinh Tấn là chi phần thứ sáu (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định). Trong Năm Lực (pañcabalā), Tinh Tấn là chi phần thứ hai (Tín Lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực, và Tuệ Lực).
Tinh Tấn luôn đi cùng với Tứ Chánh Cần (The Four Right Exertions, Pali: (cattārimāni sammappadhānāni)
1. Tinh tấn đoạn trừ các điều ác chưa phát sinh. Trong đời sống hằng ngày, khi sinh ra, lớn lên, và làm việc, ta thường sống trong môi trường đạo đức và giáo dục, ta chưa từng giết hại chúng sinh, lấy của không cho, sống tà hạnh, ngoại tình, và xâm hại tình dục trẻ em. Ta chưa từng nói những gì bất thiện gây tổn hại người khác, và ta chưa từng sử dụng các chất say, ma túy, v. vv… Ý thức rõ các việc ấy, ta nỗ lực, siêng năng, và tinh tấn ngăn chặn và đoạn trừ các ác bất thiện pháp chưa sinh khởi.
2. Tin tấn đoạn trừ sạch các điều ác đã phát sinh. Chúng ta biết rằng thú tánh và ác tánh luôn có sẵn trong ta. Nếu ta gần gũi môi trường xấu và con người bất thiện, thì các hạt giống ác và bất thiện pháp trong ta sẽ dễ dàng sinh khởi. Ví dụ, khi lớn lên và đi làm việc, chúng ta thường xuyên lân la và tiếp xúc với những con người xấu ác, ta đã phạm vào các lỗi lầm ăn chơi trác tán và sa đọa. Nay nhờ giao lưu những người thiện lành và đức hạnh, chúng ta ý thức dừng lại, nhận diện, và chuyển hóa chúng bằng cách siêng năng tinh tấn quyết tâm đoạn tận và từ bỏ chúng.
3. Tinh tấn phát triển các điều thiện chưa phát sinh. Đức Phật dạy rằng Phật tánh, từ bi, trí tuệ, và đức hạnh luôn sẵn có trong ta. Trước đây, ta chưa bao từng tu học Phật Pháp, ta chưa từng ngồi thiền, tụng Kinh, và kính lễ Tam Bảo. Nay nhờ gần gũi các bậc thiện tri thức và đức hạnh, ta có đầy đủ duyên lành tu, học, hiểu, và thực hành Phật Pháp, siêng năng tinh tấn trong thiền học và thiền tập, ta quyết tâm ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
4. Tinh tấn phát triển các điều thiện đã phát sinh. Trước đây, ta đã từng phát tâm cúng dường và hộ trì Tam Bảo, xây dựng Tăng đoàn, ủng hộ sinh viên nghèo hiếu học, v. vv… Hôm nay và ngày mai, chúng ta tiếp tục duy trì và phát triển các việc thiện lành đã được phát triển để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân nhiều hơn nữa. Chúng ta biết siêng năng và tinh tấn làm các việc thiện, nói thiện, và nghĩ thiện luôn đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Lợi ích và gương sáng của các hạnh chánh tinh tấn

Nhờ thực tập và phát triển các hạnh chánh tinh tấn, lúc còn là Bồ-tát Tất-đạt-đa trong sáu năm khổ hạnh, Đức Phật đã chọn ra con đường Trung Đạo bằng cách quyết tâm từ bỏ lối tu khổ hạnh ép xác và tham đắm dục lạc. Cuối cùng, Người đã quyết tâm tu hành thiền tập và chửng quả giác ngộ viên mãn dưới cội cây Bồ-đề.
Tu tập Phật Pháp cũng giống bơi ngược dòng nước. Nếu ta dừng lại thì dòng nước sẽ nhấn chìm ta. Nếu ta tinh tấn bơi lên và hướng tới bờ giải thoát các phiền não và lậu hoặc, thì ta sẽ đem lại nhiều an vui và hạnh phúc cho nhiều người. Cũng vậy, sống trong dòng đời, nếu chúng ta không có nỗ lực, siêng năng, chánh niệm, và tinh tấn đúng, thì dòng đời sẽ nhấn chìm chúng ta. Nếu ta thực tập các hạnh chánh tinh tấn, thì chúng ta sống trong đời, nhưng không bị thế gian chi phối.
Thật vậy, qua những gì thảo luận trên đây, tinh tấn theo ý nghĩa tích cực có ý nghĩa là đúng đắn, chân chánh, tốt đẹp, và hoàn hảo có thể làm lợi mình lợi người và lợi cả hai. Ngược lại, tinh tấn theo ý nghĩa tiêu cực có ý nghĩa hại mình, hại người, và hại cho số đông. Ví dụ, thằng ăn trộm có tà tinh tấn để rình rập lấy của không cho. Thằng hút xách và nhậu rượu có tà tinh tấn uống rượu sáng xỉn chiều say. Như vậy, các hành động tà tinh tấn của họ không đưa đến lợi ích cho số đông. Là người thực hành các hạnh chánh tinh tấn, chúng ta ý thực đoạn trừ các ác bất thiện pháp và phát triển các thiện pháp để đem lại lợi lạc cho quần sinh ngay trong cuộc sống hiện tại.
4. HỶ GIÁC CHI (Piti sambojjhanga) là chi phần thứ tư trong bảy yếu tố giác ngộ. Pity được dịch là hỷ; theo ý nghĩa tích cực, hỷ có nghĩa là vui, mừng, hân hoan, phấn khởi, thích thú, tâm đắc, v. vv… Theo giáo lý tương tức, khi học và hiểu rõ Phật Pháp sâu sắc, chúng ta thấy chi phần giác ngộ hỷ có liên quan với các chi phần giác ngộ khác, như
4.a. 1. Niệm Giác Chi (Sati sambojjhanga),
4.a. 2. Trạch Pháp Giác Chi (Dhamma vicaya sambojjhanga),
4.a. 3. Tinh tấn Giác Chi (Viriya sambojjhanga),
4.a. 4. Hỷ Giác Chi (Piti sambojjhanga),
4.a. 5. Khinh An Giác Chi (Passaddhi sambojjhanga),
4.a. 6. Thiền Định Giác Chi (Samadhi sambojjhanga), and
4.a. 7. Xả Giác Chi (Upekkha sambojjhanga).
4.a. 4. HỶ GIÁC CHI (Piti sambojjhanga) có nghĩa là vui với cái vui tu học và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để nhận diện và chuyển hóa các điều gì xảy ra tới mình một cách rõ ràng và chánh niệm. Ví dụ, những ai chửi mình, mình không giận và không phản ứng họ. Mình luôn giữ tâm bình thản và quán chiếu rằng sân giận là vô thường. Thật vậy, những ai xem cái giận là vô thường, thì cái giận không bao giờ đốt cháy họ. Người tu học Phật Pháp thông minh tự mình phải quán chiếu rõ như vậy.
Cái giận làm ta xấu đi,
Mây che nhật nguyệt còn gì sáng trong,
Hỷ, xả như đóa hoa hồng,
Vườn tâm tươi đẹp, mọi người mến thương.
Trong quá trình tu tập Phật Pháp để hướng tới giải thoát các lậu hoặc, nhờ xa lìa các ác bất thiện pháp, nên hành giả đạt được hỷ giác ngộ ngay trong đời sống hiện tại. Khi hiểu và thực tập được như vậy, thì chúng ta sẽ đạt được an vui và mọi người chung quanh chúng ta cũng đạt được an vui và hạnh phúc.
Hỷ trong Phật giáo không những vui với sự thành công của chính mình, mà còn vui với sự thành công của người khác. Hỷ thế gian là niềm vui với chính mình đưa đến vị kỷ, nhưng hỷ vô lượng là niềm vui với kẻ khác đưa tới vị tha. Hỷ trong sự tu tập và chuyển hóa là niềm vui vị tha. Nếu mình vui với cái sự thành công của người khác là mình có phước. Họ có phước và mình cũng có phước. Đây mình gọi là niềm vui vị tha và cộng hưởng giữa mình và người khác.
Thật vậy, niềm vui trong việc làm điều lành, nghĩ điều lành, và nói điều lành vào buổi sáng, buổi trưa, và buổi tối và niềm vui trong việc tu tập, hành trì, và ứng dụng Pháp học, Pháp hành, và Pháp hiểu, vào trong đời sống hằng ngày, thì chúng ta vững tâm nuôi dưỡng và phát triển Pháp lạc để đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Người tu tập tâm hỷ có khả năng nhận diện và chuyển hóa tâm ganh tị và bực tức. Người không có tâm hỷ khi thấy ai thành công dễ sinh lòng ganh tị và bực tức; Ganh tị và bức tức dễ đưa con người tới hố sâu của sự kỳ thị, sân giận, và hận thù giữa mình và người, giữa quốc gia này và quốc gia khác. Đo đó, chúng ta ý thức rõ việc ấy.
Đề-bà-đạt-đa, người không có tâm hỷ thường sinh tâm ganh tị với Đức Phật. Với tâm hỷ giác ngộ, khi cuối đời, tâm ganh tị của Đề-bà-đạt-đa được chuyển hóa trong ăn năn cuối cùng của ông đối với Đức Phật và trở thành đệ tử của Đức Phật.
Thật vậy, tâm ganh tị và thù hận đưa mọi người tới tranh giành giữa người với người, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia với quốc gia, v.vv… Ngược lại, thực tập tâm hỷ vị tha có khả năng đưa hạnh phúc và an vui giữa người với người, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia với quốc gia, v.vv… Chúng ta ý thức rõ và thực tập tốt đẹp được như vậy.
Người tu tập tâm hỷ có khả năng đốt cháy và thiêu rụi lòng ganh tị và bực tức đưa con người tới an vui, hạnh phúc, và bình an. Những ai tu tập tâm hỷ vị tha luôn có đời sống thanh cao và hạnh phúc. Như vậy, tu tập tâm hỷ, chúng ta vui với sự thành công cả vật chất lẫn tinh thần của tha nhân ngay trong đời sống hiện tại. Hỷ Giác Chi có liên quan mật thiết với Tứ Vô Lượng Tâm (catasso appamaññāyo) hay Tứ phạm trú (caturbrahmavihāra): Tâm Từ, Tâm Bi, TÂM HỶ, và Tâm xả. Xin xem thêm bài viết qua link này https://phapnhan.org/tv/bon-tam-vo-luong/
Trong thuật ngữ Phật, hỷ có nhiều loại khác nhau được trình bày và thảo luận khái quát như sau:
4.b. 1. Thọ Hỷ
4.b. 2. Thân Hành Hỷ
4.b. 3. Khẩu Hành Hỷ
4.b. 4. Ý Hành Hỷ
4.b. 5. Pháp Học Hỷ
4.b. 6. Pháp Hiểu Hỷ
4.b. 7. Pháp Hành Hỷ
4.b. 8. Pháp Thành Hỷ
4.b. 9. Pháp Chứng Hỷ
4.b. 10. Pháp Xả Hỷ
4.b. 11. Pháp Nhũ Hỷ
4.b. 12. Pháp Lạc Hỷ
4.b. 1. Thọ hỷ thường đi với thọ lạc; thọ hỷ thuộc về tâm và thọ lạc thuộc về thân. Ví dụ cụ thể về thọ hỷ và thọ lạc, vào mùa hè nóng nực, khách lữ hành khát nước thấy cà rem, cảm giác đó là thọ hỷ. Sau khi thấy cà rem xong, người lữ hành dùng cà rem, ý nghĩa đó là thọ lạc. Một ví dụ khác nữa là khi thực hành thiền, hành giả không còn vướng bận các cảnh trần bên ngoài, tâm được nhẹ nhàng, đó là thọ hỷ. Khi tâm được định tĩnh, nhẹ nhàng, và thư thái, thân ngồi yên rất vững chãi không lay động, đó là thọ lạc.
Khi thọ hỷ, thọ lạc, thân, và tâm được phân chia như vậy, nhưng trong thực tế, thân và tâm là một. hỷ và lạc cũng là một, không bao giờ tách rời nhau. Chúng đều tương tức với nhau như hình với bóng, như nước với sóng. Thật vậy, khi các phiền não được nhận diện và chuyển hóa tốt đẹp, thì thọ hỷ và thọ lạc trong thân và tâm đều đồng sinh khởi và an vui.
4.b. 2. Thân Hành Hỷ
4.b. 3. Khẩu Hành Hỷ
4.b. 4. Ý Hành Hỷ
Chúng ta biết thân hành hỷ, khẩu hành hỷ, và ý hành hỷ đều tương tức mật thiết với nhau. Trong quá trình tu tập và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, khi mình có thân hành hỷ, mình có thể thực tập như sau:
a. Nuôi dưỡng tâm từ bi bằng cách ý thức không sát sinh
b. Bảo vệ tài sản của người bằng cách ý thức không lấy của không cho
c. Xây dựng hạnh phúc cho gia đình bằng cách ý thức không sống tà hạnh và ngoại tình, và không xâm phạm tình dục của trẻ em.
Trong quá trình tu tập và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, khi mình có khẩu hành hỷ, mình có thể thực tập như sau:
d. Nói những lời chân thật để đem lại uy tín và tin cậy lẫn nhau bằng cách ý thức không nói dối.
e. Nói những lời xây dựng, hòa hợp, hòa giải, và đoàn kết bằng cách ý thức không nói những lời chia rẽ và phân ly.
f. Nói những lời ái ngữ, dễ thương, dễ nghe, dễ mến, nhã nhặn, và thanh cao bằng cách ý thức không nói những lời thô lỗ, cộc cằn, ác độc, và xấu xa.
g. Nói những lời hữu ích, lợi mình, và lợi người bằng cách ý thức không nói những lời nhảm nhí và vô ích.
Trong quá trình tu tập và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày, khi mình có ý hành hỷ, mình có thể thực tập như sau:
h. Phát triển tâm bố thí, cúng dường, và hộ trì Tam Bảo bằng cách thực tập các hạnh bớt tham và không tham.
i. Phát triển tâm từ, bi, hỷ, xả bằng cách thực tập các hạnh bớt sân và không sân.
j. Phát triển chánh kiến, chánh trí, và chánh tuệ bằng cách thực tập các hạnh bớt si và không si.
4.b. 5. Pháp Học Hỷ
4.b. 6. Pháp Hiểu Hỷ
4.b. 7. Pháp Hành Hỷ
4.b. 8. Pháp Thành Hỷ
4.b. 9. Pháp Chứng Hỷ
Như những gì đã thảo luận trên đây, tất cả lời dạy của đức Phật đều có các mối liên quan mật thiết với người đọc, người học, người hành, người hiểu, và người ngộ. Khi mình là con người mới chưa biết gì về đạo Phật, nhưng khi có đủ duyên lành tiếp xúc với Phật Pháp, mình có khả năng học, hiểu, thực hành, thành tựu, và chứng đạt năm điều đạo đức rõ ràng và sâu sắc. Thông suốt và ứng dụng năm điều đạo đức vào trong đời sống hằng ngày, mình có thể đem lại hòa bình, an vui, và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.
4.b. 10. Pháp xả Hỷ
4.b. 11. Pháp Nhũ Hỷ
4.b. 12. Pháp Lạc Hỷ
Khi năm điều đạo đức trong thân tâm được thấm nhuần, các phiền não và lậu hoặc ở trong ta được nhận diện và chuyển hóa. Đó gọi là Pháp xả hỷ. Nhờ tu học và thực hành Phật Pháp thuần thục, tham, sân, si, vô minh, và tà kiến trong ta được dần dần chuyển hóa, dòng sữa Pháp được tưới tẩm có khả năng làm mát dịu thân, tâm. Đó gọi là Pháp nhũ hỷ. Trong quá trình tu học, hành trì, và ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hằng ngày, ta nếm được vị ngọt và an lạc của chánh Pháp. Đó gọi là Pháp lạc hỷ. Khi ta học, hiểu, và thẩm thấu Phật Pháp, ta biết rõ rằng muôn sự muôn vật trên thế gian này đều có các mối tương quan, tương sinh, tương thuộc, và tương tức với nhau rất mật thiết. Trong Kinh Trung Bộ I (Majjhima Nikaya I) số 191, Đức Phật dạy: “Ai thấy Duyên Khởi, người ấy thấy Pháp; Ai thấy Pháp, người ấy thấy Duyên Khởi.” Đó gọi là Pháp lạc hỷ.
4.c. 1. Ân Điền Hỷ
4.c. 2. Bi Điền Hỷ
4.c. 3. Kính Điền Hỷ
4.c. 4. Phước Điền Hỷ
4.c. 1. ÂN ĐIỀN HỶ
Sinh ra trong đời, lớn lên, sinh sống, và làm việc trong đời, tất cả chúng ta đều mang ơn và nhớ ơn mọi người và mọi loài dù gián tiếp hoặc trực tiếp.
ĐIỀN ở đây có nghĩa là ruộng, là lãnh vực rộng lớn; ÂN có nghĩa là tri ơn và nhớ ơn; HỶ có nghĩa là vui. ÂN ĐIỀN HỶ có nghĩa là khi mình làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều lành không bao giờ có bất cứ điều kiện nào với người khác. Khi mình vui, người vui, tất cả mọi người cũng đều vui. Đó là niềm vui vị tha, bao la, và rộng lớn được ví như thửa ruộng.
Chúng ta đều biết trong thửa ruộng, ta có thể trồng lúa, trồng bắp, trồng khoai, trồng đậu, v. vv… Với phân, nước, hạt giống, và nhân công đầy đủ, thửa ruộng có thể cung cấp cho ta những hoa trái xanh tươi. Cũng vậy, trong cuộc đời, mình có thể tri ơn thầy bạn, những người đã từng dạy chúng ta kiến thức thế học và đạo học, chấp cánh cho ta bay cao và bay xa vững chãi trong cuộc đời.
Trong gia đình, mình có thể tri ơn cha mẹ, những người đã cho sự sinh thành và dưỡng dục. Trong Già-lam, là người xuất Sĩ, mình có thể tri ơn các đàn na, tín thí, những người đã phát tâm cúng dường và ủng hộ chúng ta y phục, đồ ăn thức uống, nơi ngủ nghỉ, và thuốc men cần thiết trong đời sống hằng ngày. Trong đất nước, mình thể hiện lòng tri ơn tới các anh hùng dân tộc, những người có công lập quốc, dựng nước, giữ nước, và phát triển đất nước giàu đẹp và bình an từ ngàn xưa cho tới ngày nay, và tri ơn các quốc gia, nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, sinh sống, và làm việc, v. vv … Nhờ các loại tri ơn khác nhau, chúng ta đã nuôi dưỡng tốt đẹp và trở nên những người tài đức và hữu ích cho cuộc đời.
4.c. 2. Bi Điền Hỷ
Bi là lòng thương xót, là năng lực, là động lực thương xót. Bi là năng lực lớn làm cho tâm ta rung động khi thấy người khác đau khổ. Bi là tâm mềm dịu, uyển chuyển, linh động, bình đẳng, và vị tha. Người có Bi Điền Hỷ có khả năng giúp người khác vơi đi bớt đau khổ. Người có Bi Điền Hỷ lớn có thể giúp người không bao giờ mong cầu người trả ơn, đền ơn, và đáp nghĩa. Người có Bi Điền Hỷ luôn có tinh thần dấn thân và phụng sự cho tha nhân.
Đức Phật, Người có tâm bi lớn cứu độ cho Ông Sunita, người hốt phân, giai cấp cùng đinh sau này trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật.
Thật vậy, người tu tập Bi Điền Hỷ có khả năng nhận diện và chuyển hóa phiền muộn, buồn phiền, lo âu, và sầu muộn.
Trong Kinh Pháp Cú kệ số 223, Đức Phật dạy:
Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy.
Như vậy, Bi Điền Hỷ là tâm cao thượng không bao giờ kỳ thị và phân biệt giữa các màu da, tôn giáo, chủng tộc, và giới tính.
4.c. 3. Kính Điền Hỷ
Kính có nghĩa là cung kính, tôn trọng, đảnh lễ. Khi mình thấy những người trưởng thượng, trưởng lão, lớn tuổi, mình tôn trọng và tôn kính chư vị. Trong gia đình đạo đức và giáo dục, mình luôn tôn kính Ông Bà và Cha Mẹ. Trong xã hội có văn minh và trật tự, mình tôn kính các bậc Trưởng thượng. Trong Chùa, Thiền viện, Tu viện, Tăng viện, và Ni viện có quy cũ và thanh quy, mình luôn tôn kính chư vị xuất Sĩ Trưởng lão. Đối với Tam Bảo, chúng ta luôn tôn kính Đức Phật, Chánh Pháp, Tăng Đoàn, và Giới Pháp trong đời sống hằng ngày. Xin quý vị xem chi tiết trong bài Tụng hằng ngày số hai về Đức Phật, Chánh Pháp, Tăng Đoàn, và Giới Pháp qua đường dẫn này https://phapnhan.org/tv/kinh-tung-hang-ngay-thuoc-long/
4.c. 4. Phước Điền Hỷ
Phước trong tiếng Pali là punna; Động từ “pu” hoặc “pur” trong punna có nghĩa là thanh lọc, làm cho trong sạch, chuyển hóa, v. vv… Phước có liên quan với những cụm từ khác nhau rất mật thiết như sau: Phước tu, phước tướng, phước đức, phước vật, phước trí, và phước huệ.
4.c. 4.1. Phước Tu
Hành giả muốn có phước thì mình phải tu tâp, hành trì, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Có mười loại phước tu.
1. Bố thí (dana) có nghĩa là chia xẻ tài thí, Pháp thí, và vô úy thí cho người khác.
2. Trì giới (sila) có nghĩa là bảo hộ các căn và thanh lọc thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp cho thanh tịnh và tươi mát.
3. Thiền tập (jhana bhavana): Áp dụng và thực hành thiền chỉ và thiền tuệ quán (samatha jhana and vipassana jhana) vào trong đời sống hằng ngày để giúp cho thân tâm khỏe mạnh và sáng suốt.
4. Cung kính (apacāyana): Tôn kính những người đáng được tôn kính
5. Trách nhiệm (veyyāvacca): Có trách nhiệm và bổn phận giữa người và người, người và gia đình, người và học đường, người và xã hội, người và quốc gia, người và quốc tế, người và môi trường thiên nhiên, v. vv…
6. Hồi hướng (pattidāna): Chia xẻ phước những gì mình đã tạo tác cho những người khác.
7. Tùy hỷ (pattānumodanā): Hoan hỷ và tùy hỷ các việc làm phước thiện của mình và của người khác
8. Nghe pháp (dhammassavana): Lắng nghe chánh Pháp của Đức Phật bằng cách tu học, thực hành, thấu hiểu, nghiềm ngẫm, tư duy, và quán chiếu.
9. Thuyết pháp (dhammadesanā): Sau khi học, hiểu, và nếm được Pháp lạc, mình nói chánh Pháp cho người khác để họ học, hiểu, ứng dụng, và cùng tu với mình để giúp đời thêm vui bớt khổ.
10. Chánh kiến (samma ditthi/ diṭṭhujukamma): Hiểu rõ và tin sâu vào nhân quả, thẩm thấu các giá trị hữu ích và thiết thực qua chánh Pháp của đức Phật.
Mặc khác, để phước tu càng ngày càng phát triển và ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể thực tập Bốn Nhiếp Pháp để làm lợi ích cho nhiều người.
a. Bố thí (dana): Chia xẻ tài thí, Pháp thí, và vô úy thí cho người khác
b. Ái ngữ (priyavacana): Nói những lời dễ thương, dễ nghe, hòa hợp, và đoàn kết
c. Lợi hành (arthakrtya): San sẻ những gì lợi ích mình đã tạo tác cho người khác.
4. Đồng sự (samanarthata): Cùng nhau hợp tác và làm việc thiện lành và tốt đẹp cho Đại chúng bằng cách ý thức thực tập Sáu Pháp hòa kính và an lạc.
A. Thân Hòa Ðồng Trú: Cùng chung sống với nhau trong tình thần xây dựng, hòa hợp, hòa giải, và đoàn kết và xem nhau như anh em ruột thịt trong các ý nghĩ, lời nói, và việc làm thiện.
B. Khẩu Hòa Vô Tránh: Nói những lời hòa hợp, hòa ái, và hòa nhã để nhận diện và chuyển hóa những lời nói xấu, bất hòa, và thiếu ái ngữ.
C. Ý Hòa Ðồng Duyệt: Phát triển, tôn trọng, và thực hành ý kiến của số đông trong chán kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, v. vv …
D. Giới Hòa Ðồng Tu: Giới Pháp của Đức Thế Tôn có công năng bảo hộ đời sống an lạc và tự do. Chúng ta có ý thức thực tập Giới Pháp do Người thiết lập.
E. Kiến Hòa Ðồng Giải: Trong quá trình tu học và làm việc trong đời sống hằng ngày, những gì mình chưa rõ, chưa hiểu, và chưa biết, mình cùng nhau thảo luận, bàn luận, giải thích, và phân tích để hướng tới cái thấy chung và cái hiểu biết chung trong tinh thần hòa hợp, xây dựng, và đoàn kết.
F. Lợi Hòa Ðồng Quân: Những vật chất và tinh thần mình đạt được cần phải chia sẻ đồng đều với nhau trong tinh thần bình đẳng, tương trợ, tương thân, tương ái, và tương kính.
4.c. 4.2. Phước tướng
Khi chúng ta học, hiểu, thực hành, ứng dụng, và thành tựu phước tu rồi, chắc chắn chúng ta sẽ có phước tướng. Đức Phật dạy, người có phước tướng thì sẽ đạt được năm loại quý giá trên đời: “Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, và trí tuệ.”
4.c. 4.3. Phước Đức
Trong đời sống hằng ngày, mình làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều làm đem lại lợi ích cho mình và cho người ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Trong Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phước Đức (Khuddaka Nikaya, Maha Mangala Sutta), để sống đời sống hòa bình, an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân, Đức Phật dạy có mười phương pháp tu tập để tạo phước đức lớn như sau:
1. Lánh xa kẻ xấu ác,
luôn gần gũi người hiền,
tôn kính bậc đáng kính
là phước đức lớn nhất.
2. Sống trong môi trường tốt,
được tạo tác nhân lành,
được đi trên đường chánh
là phước đức lớn nhất.
3. Có học, có nghề hay,
biết hành trì giới luật,
biết nói lời ái ngữ.
là phước đức lớn nhất.
4. Được cung phụng cha mẹ,
yêu thương gia đình mình,
được hành nghề thích hợp
là phước đức lớn nhất.
5. Sống ngay thẳng, bố thí,
giúp quyến thuộc thân bằng,
hành xử không tỳ vết
là phước đức lớn nhất.
6. Tránh không làm điều ác,
không say sưa nghiện ngập,
tinh cần làm việc lành
là phước đức lớn nhất.
7. Biết khiêm cung, lễ độ,
biết đủ và nhớ ơn,
không bỏ dịp học đạo,
là phước đức lớn nhất.
8. Biết kiên trì phục thiện,
thân cận giới xuất gia,
dự pháp đàm học hỏi,
là phước đức lớn nhất.
9. Sống tinh cần tỉnh thức,
học chân lý nhiệm mầu,
thực chứng được Pháp vui
là phước đức lớn nhất.
10. Ứng xử trong nhân gian,
tâm không hề lay chuyển,
phiền não hết, an nhiên.
là phước đức lớn nhất.
Ai sống được như thế,
đi đâu cũng an toàn,
tới đâu cũng vững mạnh,
phước đức của tự thân,
phước đức cho tha nhân.
4.c. 4.4. Phước vật
4.c. 4.5. Phước trí
4.c. 4.6. Phước huệ
Trong cuộc đời, khi sinh ra, lớn lên, học tập, nghiên cứu, làm việc, và thành tựu những nghề nghiệp lành và đúng đắn, chúng ta có tiền của để mua nhà, xe hơi, và các vật dụng cần thiết hằng ngày. Đó gọi là phước vật. Đối với những người siêng năng học tập trong con đường học vấn của mình cho tới khi tốt nghiệp và lấy được bằng cấp Phật học hay thế học. Đó là phước trí; phước hiểu. Nhưng đối với những người có học, có tu, có hành trì, và có ứng dụng Phât Pháp vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc sống hiện tại. Đó là phước huệ; phước tu.

So sánh những người có phước trí và phước huệ

Người có phước trí chỉ có học, có hiểu biết, nhưng họ chưa chắc là tu, chưa chắc là thực hành. Nhưng người có phước huệ không những có học, có hiểu biết, đặc biệt là có thực hành. Ví dụ, con người đều biết hút thuốc và uống các chất say có hại cho sức khỏe, nhưng họ vẫn cứ hút và vẫn cứ uống. Đó là phước trí. Nhưng người có tu và có thực hành đều biết hút thuốc và uống các chất say có hại sức khỏe cho thân tâm, nếu họ là người đã từng sử dụng các độc tố ấy, ngay từ bây giờ, họ quyết tâm không sử dụng và chấm dứt chúng. Đó là phước huệ.
Qua những gì thảo luận trên đây, trong quá trình tu học và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày để làm lợi ích cho sống đông, nếu ta hiểu và thực hành đúng đắn những lời Đức Phật dạy, chúng ta sẽ đạt được nhiều loại Phước điền hỷ khác nhau vừa đề cập bên trên. Nhưng nếu chúng ta học, hiểu sai, và ứng dụng sai những gì chúng ta học, thì không những chúng ta không có phước, mà ngược lại, chúng ta có họa. Phước và họa luôn đi đôi với nhau như ánh sáng và bóng tối.
Trong đời sống hằng ngày, những ai có ý nghĩ bất thiện, lời nói bất thiện, và việc làm bất thiện, chắc chắn họ sẽ gặt hái tai họa. Ngược lại, là những người có trí, có tuệ, có tu, và có thực hành, trong đời sống hằng ngày, chúng ta khéo biết vun trồng và phát triển thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, và ý nghiệp thiện để đem lại phước điền hỷ cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.
5. KHINH AN GIÁC CHI (passaddhi sambojjhanga) là chi phần thứ năm trong bảy yếu tố giác ngộ. Khinh an, tiếng Pali của nó là passaddhi; passaddhi có nghĩa là nhẹ nhàng, thư thái, an lạc, an ổn, và an nhiên. Nhờ tu học, hiểu, và ứng dụng Phật Pháp và thiền tập vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta thực tập buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, và buổi tối làm điều lành, nói điều lành, và nghĩ điều lành, nên ta có trạng thái thân và tâm khinh an, nhẹ nhàng, và thư thái. Những ai chạy theo trần cảnh, nhục dục, và vật chất thế gian, thì đời sống của họ bất an. Ngược lại, những ai thường an trú trong chánh Pháp, thân tâm của họ luôn được an vui, an lành, nhẹ nhàng, và thảnh thơi.
6. ĐỊNH GIÁC CHI (samādhi sambojjhanga) là chi phần thứ sáu trong bảy yếu tố giác ngộ. Định tiếng Pali được viết là samādhi; Samādhi có những mối liên quan với samatha; Samādhi là Định; Samatha là chỉ. Samādhi có nghĩa là định, tập trung, quay về, nương tựa, v. vv…; Samatha có nghĩa là dừng lại, định tĩnh, yên tĩnh, v. vv…
Thông thường trong đời sống hằng ngày, ta thường rong ruỗi, đeo đuổi, và lang thang các trần cảnh bên ngoài, như internet, phim, ảnh, báo chí đồi trụy, bạo động, sân giận, hận thù, v.vv… Ta không thể làm chủ được thân tâm.
Nay nhờ duyên lành, ta gần gũi các vị thầy lành và bạn tốt để tu, học, thực hành, và áp dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày. Chúng ta có khả năng sống đời an lành, tự tại, và thảnh thơi ngay bây giờ và ở đây trong đời sống hiện tại.
Thật vậy, hộ trì các căn là ĐỊNH. Bảo hộ các căn là ĐỊNH. Gìn giữ các căn là ĐỊNH. Nhiếp phục các căn là ĐỊNH. Không để thân tâm phan duyên và chạy theo các trần cảnh bên ngoài là ĐỊNH. Không để phiền não và vọng tưởng chế ngự thân tâm là ĐỊNH; ĐỊNH trong tường hợp này có nghĩa là quay về nương tựa nơi chính mình, không nương tựa bất cứ ai hoặc vật gì khác.
Đức Phật dạy rằng:
Hỡi các đệ tử, trong biển đại dương sinh, tử luân hồi,
hãy tự mình lội vào bờ giải thoát,
hãy tự mình thắp đuốc mà đi,
hãy tự mình nương tựa nơi chính mình,
hãy tự mình nương tựa nơi hải đảo của tự thân,
hãy tự mình làm hòn đảo để mình nương tựa,
hãy tự mình nương tựa vào sự tu tập vững chãi của chính mình,
không nương tựa vào bất cứ ai hoặc một vật gì khác.
Hãy dùng chánh Pháp làm ngọn đèn soi sáng cho chính mình,
Hãy dùng chánh Pháp làm hải đảo cho tự thân,
Hãy dùng chánh Pháp làm nơi nương tựa tốt đẹp nhất cho chính mình,
Hãy dùng chánh Pháp để mình tu tập và để làm lợi ích cho nhiều người ngay trong đời sống hiện tại.
Do đó, chúng ta quyết tâm nương tựa vào chánh Pháp, không nương tựa vào một tà pháp, hay bất cứ một vật gì khác.
Nương tựa vào chánh Pháp có nghĩa là nương tựa vào sự tu tập đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát, và giải thoát tri kiến của chính mình.
Không nương tựa vào tà pháp có nghĩa là không nương tựa vào trời, thần, quỷ vật, ngoại đạo, tà giáo, thầy tà, và bạn xấu.
Trong Trường-bộ, Kinh Đại-bát-niết-bàn (dīgha nikāya, maha-parinibbana sutta) số 16, trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật khuyên bảo các đệ tử như sau:
“Hỡi các đệ tử, các pháp hữu vi đều vô thường và biến đổi. Các vị hãy tinh tấn tu học và thực hành Phật Pháp nhiều hơn nữa, để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Đây là những lời giáo huấn then chốt, cốt yếu, và thiết thực của ta cho các người.”
ĐỊNH GIÁC CHI được thảo luận trên đây, chúng ta thấy rằng đây là điểm giáo lý đặc thù trong Phật giáo. Các tôn giáo khác không bao giờ tìm thấy các điểm đặc thù như thế.
7. XẢ GIÁC CHI (upekkhā sambojjhanga) là chi phần thứ bảy trong bảy yếu tố giác ngộ. Upekkhā có nghĩa là buông xả, bao dung, ôm ấp, không kỳ thị, không phân biệt, không dính mắc, không chấp trước. Xả Giác Chi có liên quan mật thiết với Tâm Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm: Tâm Từ, Tâm Bi, Tâm Hỷ, và TÂM XẢ. Mời quý vị xem thêm qua link này. https://phapnhan.org/tv/bon-tam-vo-luong/
Đức Phật dạy, những ai thực tâm xả luôn được ví như thực tập hạnh của đất. Chúng ta biết rằng đất luôn chứa đựng và ôm ấp tất cả các loại vật và nước dơ và sạch khác nhau. Đất không bao giờ từ chối bất cứ thứ gì cả. Trong các bài học hạnh thiên nhiên qua link này, https://phapnhan.org/tv/nhung-bai-tho-nguyen-hoc-hanh-thien-nhien/ tác giả Thầy Trừng Sỹ, có bài thơ học Hạnh của Đất viết như sau:
Nguyện học của ĐẤT
Ôm ấp vô số vật
Bao dung, rộng lượng thay
Nâng đỡ thế gian này.
Thật vậy, người học hạnh tâm XẢ luôn sống an vui và tự tại như con sư tử hùng mạnh, không sợ hãi bất kỳ âm thanh và tiếng động nào trong cuộc sống.
Người tu tập tâm xả giống như luồng gió thổi, không sợ mắc kẹt vào trong màn lưới.
Người tu tập tâm xả giống như những loại hoa sen tươi tốt mọc ra khỏi bùn nhơ nước đục, nhưng không bị bùn nhơ nước đục làm ô nhiễm. Cũng vậy, người tu tập tâm xả sống trong thế gian, nhưng vị ấy không bị thế gian làm ô nhiễm.
Người tu tập tâm xả giống như hòn đảo vững chắc nhất của tự thân không sợ hãi mọi phong ba và bảo tố của cuộc đời.
Người tu tập tâm xả giống như những con tê giác dũng mãnh tiến những bước đi phía trước vững chãi và mạnh mẽ nhất trong cuộc đời.
Người tu tập tâm xả giống như con chim có đầy đủ hai cánh bay vút trên bầu trời cao để tận hưởng không gian thênh thang. Người tu tập tâm xả luôn sống một cuộc đời tự tại, nhẹ nhàng, thanh thản, và thanh cao.
Người tu tập tâm xả luôn có chánh niệm và vững mạnh trong ý nghĩ, lời nói, và việc làm và có khả năng chế ngự thờ ơ và bám víu.
Có bốn loại tâm xả: 1. Tài xả, 2. Pháp xả, 3. Vô úy xả, và 4. Phiền não xả. Với tu tập tâm xả, những gì mình giúp người khác, mình không thấy người cho, vật được cho, và người nhận.
Đem vật chất hiến tặng cho người khác gọi là tài xả; Đem Phật Pháp trao truyền cho người khác gọi là Pháp xả; Đem thân tâm không sợ hãi giúp cho người khác bằng ý nghĩ thiện, lời nói, và việc làm là vô úy xả. Ví dụ, trái đất hình tròn, mình cứ nói là hình tròn dù ai có nói là hình vuông và đe dọa bắt mình, thì mình vẫn nói trái đất là hình tròn; Đem sự tu tập của mình để thanh lọc và chuyển hóa phiền não thì gọi là phiền não xả.
Người tu tập tâm xả luôn an vui và tự tại giữa những khen chê ở đời. Trong Kinh Pháp Cú kệ số 81, Đức Phật dạy:
Bậc trí như vách đá
Gió cuồng nộ chẳng lay
Lời tán dương phỉ báng
Không xao gợn đôi mày.
Xả và hỷ luôn đi đôi và hỗ trợ với nhau. Xả thành công là nhờ hỷ, và hỷ thành công là nhờ xả. Người tu tập tâm xả luôn bao dung, tha thứ, và rộng mở không bị kẹt vào “Được và mất, vinh và nhục, khen và chê, sướng và khổ” (Bát phong). Tám ngọn gió này luôn làm con người điên đảo và khổ đau.
Đức Phật, Người tu tập tâm xả có khả năng nhận diện và chuyển hóa những người khác, như cô Cincā mānaviā giả làm phụ nữ mang thai để vu khống Đức Phật, như vị Bà-la-môn tới chửi mắn Đức Phật.
Đức Phật đưa ra một ví dụ rất sâu sắc. Hôm nay, có người đem quà tới tặng cho bạn. Nếu bạn không nhận, thì món quà đó thuộc về ai? Bà-la-môn trả lời, “dĩ nhiên, món quà thuộc về tôi.” Cũng vậy, những gì ông chửi tôi, tôi không nhận, khẩu nghiệp thuộc về ai? Khi nghe Đức Phật nói, Ông Bà-la-môn cảm thấy rất xấu hỗ, khởi tâm sám hối, và xin Đức Phật trở thành đệ tử tại gia của Ngài.

KẾT LUẬN

Qua những gì thảo luận trên đây, chúng ta biết rằng BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ luôn gắn liền mật thiết và thực tiễn với các lời Phật dạy, như Bát Chánh Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm, Năm Lực, v. vv… Càng tu học, hiểu, thực hành, và ứng dụng Phật Pháp một cách tinh chuyên và uyển chuyển, thì chúng ta càng cảm thấy an vui và hạnh phúc. Trên lộ trình tu tập hướng tới giác ngộ và giải thoát các phiền não tham, sân, si, vô minh, và tà kiến, khi tu học, thực hành, và áp dụng Bảy Yếu Tố Giác Ngộ vào trong đời sống hằng ngày một cách chánh niệm và tĩnh giác, thì chắc chắn chúng ta có thể đem lại những hoa trái an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Thật vậy, dù chúng ta là Phật tử hay không phải Phật tử, dù chúng ta là người có đạo hay không có đạo, khi có đủ duyên lành tu học, áp dụng và thực hành Bảy Yếu Tố Giác Ngộ vào trong đời sống hằng ngày, phiền não trong ta sẽ được chuyển hóa dần dần, giác ngộ, chánh niệm, và tĩnh thức trong ta sẽ tăng trưởng và phát triển vững vàng. Khi hiểu và thực tập tốt đẹp được như vậy, thì chúng ta có khả năng đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Kính chúc Quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.
By Thích Trừng Sỹ

.

The Seven Factors of Enlightenment

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời