ĐỨC PHẬT – HIỆN THÂN CỦA HÒA BÌNH
Ngược dòng thời gian cách đây hơn hai mươi sáu thế kỷ, vào khoảng năm 624 trước công nguyên, một con người lịch sử có thật bằng xương bằng thịt xuất hiện ra đời tại vườn Lâm-tì-ni (Lumbini) thuộc Ấn Độ, Nê-pan (Nepal) ngày nay. Con người ấy chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), vị Vua hòa bình, Vị sứ giả hòa bình, Vị hiện thân của hòa bình, sinh ra là để đem lại tuệ giác, tình thương, an lạc và hạnh phúc đích thực cho thế gian này.
Theo triết lí Bà La Môn (Brāhmaṇa) cũng như các triết lí của các tôn giáo khác, con người được xem ở vị trí thấp lắm, đấng Phạm thiên, đấng sáng tạo hay một đấng thần linh nào đó được xem ở vị trí tối cao. Đạo Phật luôn đề cao con người là trên hết, chỉ có con người mới có khả năng chánh niệm, vững chãi, và tĩnh giác đi trên con đường an vui và hạnh phúc, ngoài con người ra không có các chúng sinh nào trên trái đất có khả năng đảm nhiệm và thay thế một công việc thiên liêng như thế.
Con người như thế được các lý tưởng cao thượng và tốt đẹp thúc đẩy, được xem là con người chuyển nghiệp, chuyển phàm thành thánh, chuyển xấu thành tốt, chuyển ác thành thiện, chuyển khổ đau thành an vui, hạnh phúc v. v… Chúng ta biết Phật có nghĩa là Người tỉnh thức hoặc là Người giác ngộ. Ở đâu có một người sống chánh niệm và tỉnh giác trong đời sống hằng ngày, thì ở đó vị ấy sẽ là một đức Phật hiện thân, tức là mỗi chúng ta, luôn an trú trong ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Thế Tôn. Con người này có thể đem lại hòa bình tới chúng sanh muôn loài.
Khi thái tử Sĩ-đạt-đa (Siddhārtha) đản sanh, Ngài bước đi trên hoa sen,[1] tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất và nói: “Trên trời dưới trời, trong tất cả chúng sinh, chỉ có con người là tối thắng, mặc dù tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.” (All over the world, of all beings, only (Atman in Sanskrit, Atta in Pāli language, meaning Ego or Self), or person, or human is uppermost, although all living beings have Buddha-nature.), or (Thiên thượng thiên hạ, duy Ngã độc tôn, nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh).[2] Theo tư tưởng Phật giáo, cái “Ta” trước hết là chỉ cho con người, không phải là một đấng tối cao, hay một đấng Phạm thiên nào đó. “Con người” được viết ở đây chính là con Người giác ngộ, đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Vị hiện thân của hòa bình, vượt thoát mọi phiền muộn, sầu não và khổ đau, đem lại an vui, hạnh phúc và hòa bình cho số đông. “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường, xuất hiện trên thế gian này, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại – chúng sinh đó chính là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.”[3]
Học lịch sử Phật giáo, chúng ta biết cuộc đời của đức Phật, là hiện thân của tình thương, của an lạc, của giải thoát, luôn gắn liền với chúng sanh và môi trường thiên nhiên. Đức Phật sinh ra dưới gốc cây vô ưu (Ashoka or sorrowless tree) ở vườn Lâm-tì-ni (Lumbini), thành đạo dưới gốc cây Bồ-đề (Bodhi tree) ở Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhgaya), nói bài Pháp đầu tiên (Dhammacakkappavattana Sutta) cho năm anh em Tôn giả Kiều-trần-như (kondanna) tại vườn Nai (Migadàya, Sarnath) và nhập diệt dưới hai cây Sa La ở Câu-thi-na (Kusinàra).
Dựa vào môi trường thiên nhiên để bảo vệ, để nuôi dưỡng và để tưới tẩm những hạt giống tình thương vào trong tâm thức bình an cho tất cả chúng sinh, đức Phật, cùng với các đệ tử, lên đường vận chuyển bánh xe chánh pháp truyền bá trong khắp nhân gian, đem lại hoa trái tình thương, tuệ giác và hòa bình thiết thực không những cho con người, con vật, mà còn cho cỏ cây, rừng, núi, đất, đá, sông, ngòi, ao, hồ, biển cả, v. v…
Thực vậy, mỗi khi chúng ta có đầy đủ duyên lành học và thực hành giáo pháp của đức Phật, thì chúng ta chắc chắn sẽ sống cuộc đời an vui và hạnh phúc trong từng giây từng phút của cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chính vì thế, xưa cũng như nay, nơi nào mà đức Phật và các đệ tử của Phật xuất hiện để hoằng dương chánh pháp và làm lợi lạc chúng sanh, là nơi đó an vui và hòa bình được mang đến cho pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này. Trong Kinh Pháp Cú, kệ số 98 ghi:
“Hoặc trong làng mạc hoặc trong núi rừng,
Hoặc trong thung lũng hoặc trên đồi cao,
Bất cứ nơi nào A La Hán trú,
Nơi đó vô vàn vui sướng biết bao.”
A La Hán là vị hành giả tu tập, giác ngộ và giải thoát, sống cuộc đời an vui và hạnh phúc, có khả năng hiến tặng những hoa trái an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh muôn loài. Như vậy, mỗi chúng ta là một A La Hán, mỗi chúng ta là một vị Phật tương lai và mỗi chúng ta là một hành giả bình an để đem lại những chất liệu thương yêu và hiểu biết tới nhiều người. Thực hiện được như vậy, chúng ta có thể góp phần xây dựng một cõi thiên đường và cực lạc ngay tại thế gian này.
Chính vì vậy, đạo Phật và giáo lí của đạo Phật được truyền bá tới đâu, đức Phật và các đệ tử của đức Phật đi hoằng dương chánh pháp tới đâu, thì nơi đó, địa phương đó, người dân nơi đó luôn được an bình và hòa bình cả thân và tâm, cả gia đình, thành ấp, xóm làng và quốc gia của họ. Bởi vì đạo Phật xưa cũng như nay không bao giờ có chiến tranh tôn giáo, không bao giờ làm rơi một giọt máu đào cho bất cứ ai, luôn đem lại hòa bình tới tất cả chúng sanh muôn loài. Nếu mọi người thực hành và áp dụng đúng theo lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày thì chắn chắn an lạc và hạnh phúc sẽ được hiển lộ, thấm nhuần, và làm mát dịu thân tâm của họ.
Học giáo lí của đức Phật, chúng ta biết trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng dương chánh pháp và cứu độ chúng sanh, đức Phật giảng và dạy cho các hàng đệ tử rất nhiều giáo lí, nhưng tất cả những giáo lí ấy không vượt ra ngoài các mục đích chính, đó là “khổ, nguồn gốc khổ, chuyển hóa Khổ, tức hạnh phúc, và con đường đưa tới chuyển hóa khổ đau, mang lại an vui và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.”[4]
Chính vì thế, đức Phật được thế gian tôn xưng qua mười danh hiệu cao quý như sau: “Đức Phật, bậc Thầy lãnh đạo tâm linh an bình và cao thượng của chúng con, là bậc xứng đáng nhất để được cúng dường, là bậc hiểu biết và thương yêu, là bậc có đầy đủ công hạnh và tuệ giác, là bậc đạt được an vui và giải thoát toàn vẹn, là bậc hiểu thấu thế gian, là bậc có khả năng điều phục được con người, là bậc Thầy của cả hai giới thiên và nhân, là bậc giác ngộ và tỉnh thức tròn đầy và là bậc được thế gian tôn sùng và tôn kính.” (1. Như Lai, 2. Ứng Cúng, 3. Chánh Biến Tri, 4. Minh Hạnh Túc, 5. Thiện Thệ, 6. Thế Gian Giải, 7. Điều Ngự Trượng Phu, 8. Thiên Nhơn Sư, 9. Phật, 10. Thế Tôn).[5]
Trong suốt bốn mươi lăm năm, những lời dạy thực tiễn và hữu ích của Phật được gọi là Pháp.
“Pháp được đức Thế Tôn khéo thuyết giảng,
rất thiết thực hiện tại,
có giá trị vượt thoát thời gian,
có khả năng chuyển hóa thân tâm,
có khả năng dập tắt các phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v. v…
Nương vào Phật pháp, người trí nào cũng có thể tự mình tu tập,
thông đạt giáo pháp, đến để thấy, đến để nghe, đến để hiểu, đến để thực hành,
và đến để thưởng thức những hoa trái an vui và giải thoát
ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.”[6]
Nhờ có đủ duyên lành tiếp cận được đạo Phật và làm đệ tử của đức Thế Tôn, chúng ta may mắn có nhiều cơ hội để thực hành Phật pháp cụ thể qua năm điều tỉnh thức dưới đây như sau:
“Điều tỉnh thức thứ nhất là chúng ta tôn trọng sự sống của muôn loài chúng sinh, trong đó có con người, con vật, thậm chí có cỏ cây, hoa lá, đất đá… Chúng ta không sát hại, chặt đốt và phá phách rừng núi, sông ngòi, ao hồ và biển cả.
Thực tập điều tỉnh thức thứ nhất có nghĩa là chúng ta ý thức chăm sóc nuôi dưỡng tình thương yêu đối với muôn loài, chúng ta góp phần bảo vệ môi sinh và sự sống của muôn loài và góp phần xây dựng một hành tinh xanh, sạch, và đẹp.
Điều tỉnh thức thứ hai là chúng ta tôn trọng tài sản, di sản, khoáng sản và lâm sản của tư và của công, trong đó có vàng bạc, đá quý, cây kim, ngọn cỏ, chuông, mõ, gỗ súc…, chúng ta không trộm cắp và không chiếm đoạt của cải của người khác.
Thực tập điều tỉnh thức thứ hai có nghĩa là chúng ta chúng ta ý thức rải tâm bố thí đối với những người bần cùng, neo đơn và nghèo khổ, chúng ta khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa phải để các thế hệ con cháu của chúng ta có thể tiếp tục nương nhờ, chúng ta góp phần bảo vệ, duy trì và phát triển đức hạnh, giàu sang và hưng thịnh cho gia đình, cho xã hội, và cho đất nước.
Điều tỉnh thức thứ ba là chúng ta tôn trọng tính toàn vẹn của gia đình, trong đó có vợ chồng và con cái. Chúng ta không lạm dụng tình dục của trẻ em, không xâm phạm tiết hạnh của người khác, và chỉ có quan hệ tình dục với người vợ hoặc người chồng hợp pháp của mình mà thôi.
Thực tập điều tỉnh thức thứ ba có nghĩa là chúng ta ý thức bảo vệ hạnh phúc của cha mẹ, vợ chồng và con cái; chúng ta góp phần đem lại an lạc, niềm vui và tiếng thơm cho gia đình, cho dòng họ, cho làng xóm và cho cả xã hội.
Để tiếp nối dòng dõi Tông đường, người cư sĩ nên có vợ, có chồng, có con, và có cháu. Để tiếp nối dòng dõi của các bậc Thánh, để kế thừa, truyền thừa, và thắp sáng lên ngọn đuốc của chánh pháp, thắp sáng lên ngọn đuốc của tình thương, người xuất sĩ phải dành nhiều thời gian để lo việc tu học, hoằng pháp và giúp đỡ nhiều người. Những ai chọn đời sống xuất gia để sống đời sống an tịnh không sao lãng, thì họ không bị gia đình và con cái ràng buộc.
Điều tỉnh thức thứ tư là chúng ta tôn trọng sự thật và quý kính mọi người, trong đó có Ông bà, cha mẹ, thầy, bạn… Chúng ta không nói dối, không nói thêu dệt,[7]không nói đâm thọc,[8]không nói lời thô ác, không nói những tin mập mờ và không rõ ràng, không nói những lời mong cầu và lợi dưỡng, không nói những lời gây chia rẽ, mất hoà hợp, và mất đoàn kết[9]…
Thực tập điều tỉnh thức thứ tư có nghĩa là chúng ta ý thức nói những lời chân thật, chân chánh, những lời nói tin tưởng, hoà hợp, hoà giải và hoà nhã, những lời nói từ ái, dịu ngọt, dễ nghe và dễ thương, những lời nói có giá trị hữu ích xây dựng và đem lại niềm tin, uy tín, hoà hợp, đoàn kết, và tình huynh đệ đích thực cho tự thân, cho tha nhân, cho gia đình, cho dòng họ, và cho đoàn thể rộng lớn của thế giới.
Điều tỉnh thức thứ năm là chúng ta tôn trọng sự an lạc, bình yên, tịch tĩnh, vững chãi và thảnh thơi cho số đông, trong đó có mình, những người thân người thương của mình, và người hàng xóm. Chúng ta không uống các chất say, không hút thuốc lá, không xem phim, internet, và tranh ảnh đồi trụy, đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng các chất nha phiến và ma túy.
Thực tập điều tỉnh thức thứ năm có nghĩa là chúng ta không vi phạm vào các điều tỉnh thức trên. Chúng ta tu tập các điều tỉnh thức tinh chuyên và chánh niệm, cẩn thận bảo vệ thân thể khỏe mạnh và tráng kiện, tinh thần minh mẫn và sáng suốt cho tự thân và cho tha nhân. Chúng ta góp phần xây dựng và đem lại uy tín và niềm tin an vui và hạnh phúc tới quê hương và xứ sở của mình.
Nhờ thực tập năm điều tỉnh thức ở trên một cách vững chãi và thích hợp, chúng ta không những giúp cho tự thân, mà còn giúp cho pháp giới chúng sanh trên khắp hành tinh này. Chúng ta góp phần bảo vệ môi sinh và môi trường sống cho trái đất này. Xuyên qua sự thực hành của mình, chúng ta có thể đem lại những hoa trái an lạc, hạnh phúc, và hòa bình đích thực cho thế giới nhân loại ngày nay.”[10]
Hiểu rõ được như thế, hiện tại ta sống rất an bình, tương lai ta sống rất an lạc, ta sống rất nhẹ nhàng và thảnh thơi. An trú vững chãi trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, ta sống không có sợ hãi và lo lắng gì cả. Dù cuộc đời vô thường, dù sanh già bệnh chết có xảy với đời ta trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ sát na nào, thân tâm ta vẫn bình thản, thong dong và tự tại.
“Dù cuộc đời vô thường
Dù sanh lão bịnh tử
Con có đường đi rồi
Không còn lo sợ nữa.”[11]
Con có đường đi rồi có nghĩa là con chọn, thực tập và áp dụng pháp môn hành trì thích hợp với lời Phật dạy có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Là người sống tỉnh thức, chúng ta tu học và thực hành vững chãi lời Phật dạy, chúng ta thưởng thức và nếm được pháp lạc, hương vị an lạc và hạnh phúc thấm nhuần và tỏa mát thân tâm. Từ đây, chúng ta có thể góp phần đem lại hòa bình đích thực cho khắp nơi nơi.
“Hương trong các loài hoa,
Không ngược bay chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay.”
(Pháp Cú, kệ số 54).
Người đức hạnh là người hành giả có tu tập, có cuộc sống an vui và hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi. Người này có khả năng đem lại hòa bình đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này. Thực vậy, hương vị an lạc và giải thoát của vị ấy được sáng ngời và tỏa khắp muôn phương. Người đức hạnh có thể là một vị Phật hiện tại cũng như tương lai, có thể là mỗi chúng ta nguyện đi trên con đường an lạc và giải thoát tâm linh, nguyện thắp lên ánh sáng của tình thương, nguyện thắp lên ánh sáng của hòa bình cho số đông và nguyện nới rộng ý nghĩ hòa bình, lời nói hòa bình và việc làm hòa bình để đem lại những hoa trái tình thương và hòa bình cho thế giới.
Hiểu và làm được như vậy, thì mỗi chúng ta là sứ giả hòa bình, mỗi chúng ta là đức Phật hòa bình, và mỗi chúng ta là hiện thân của hòa bình cho khắp mọi nơi và mọi chốn. Hòa bình có mặt đích thực cho tự thân và cho tha nhân khi nào mỗi chúng ta áp dụng, hành trì và an trú vững chãi vào giáo pháp của đức Thế Tôn. Mỗi chúng ta có thể thưởng thức hương vị an lạc và giải thoát ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.Từ đây, chúng ta có thể góp phần xây dựng người người hạnh phúc, nhà nhà yên vui, xã hội thanh bình và thịnh vượng trên khắp hành tinh này.
Do đó, dù là những người Phật tử tại gia hay xuất gia, dù là những người Phật tử hay không phải Phật tử, chúng ta ý thức sâu sắc rằng chúng ta nguyện cùng nhau đi như một dòng sông, đi như một đàn ong, nguyện cùng nhau đi trên con đường hòa bình và nguyện cùng nhau nuôi dưỡng tâm từ bi để góp phần đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông.
Hôm nay, học và nhớ lại những đức tính từ bi và trí tuệ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Vị hiện thân của hòa bình, chúng ta nguyện khơi dậy và phát triển những hạt giống thương yêu và hiểu biết, an vui và hạnh phúc nơi tâm thức bình an vì lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
Trong không khí trang nghiêm, long trọng, ấm áp và thanh bình, nhiều Chùa Việt Nam trên các nước Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu và Việt Nam hội may mắn có đủ duyên lành cho phép họ thỉnh tượng Phật Ngọc tượng trưng cho đạo hòa bình thế giới về tôn trí tại Chùa khoảng một tuần hoặc mười ngày. Như vậy, những người Phật tử hoặc không phải Phật tử có một lần chiêm ngưỡng và quy kính tôn tượng nhằm nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc của tình thương, hãy cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc của hòa bình, và hãy cùng nhau thắt chặt tình anh chị em để đem lại an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.
Kính chúc quý liệt vị an trú và thấm nhuần giáo pháp hòa bình của đức Thế Tôn để vun trồng và tưới tẩm hạt giống tình thương và hòa bình vì lợi ích cho chúng sanh muôn loài.
Nam Mô Bốn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thích Trừng Sỹ
[1] Hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết. Sống trong đời, nhưng đức Phật không bị đời làm ô nhiễm. Ngài đem lại hòa bình, an lạc và hạnh phúc đích thực cho số đông ngay cuộc đời này.
[2] Kinh A Hàm (Àgama). Xem http://www.thuvienhoasen.org/phatdan-92.htm
[3] Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya).
Xem http://thuvienhoasen.org/tangchi01-0114.htm
[4] Xem S. V. 421-2; CDB. V. 1844-5.
[5] Xem http://www.quangduc.com/luan/25thanhtinh07.html
[6] Xem http://www.thuvienhoasen.org/ttd-07a.htm
[7]. Nói thêu dệt có nghĩa là tới người A mình nói người B là tốt, tới người B mình nói người A là tốt, và ngược lại. Không nói thêu dệt có nghĩa là mình nên nói chuyện an lạc và lợi ích cho mọi người.
[8]. Nói đâm thọc có nghĩa là tới người này mình nói người kia là không tốt, tới người kia mình nói người này là không tốt. Không nói đâm thọc có nghĩa là chúng ta nên nói chuyện đạo để đem lại hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.
[9]. Xem Kinh Tạp A Hàm, số 785.
[10] Xem Thích Trừng Sỹ. Con Đường Giáo Dục Phật Giáo. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2009, trang 118-134.
[11]. Thơ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.