1277 lượt xem

Nhà Như Lai

Hạnh Phương

Quảng An

NHÀ NHƯ LAI

thơ

LĂNG GIÀ TÂM

 HẠNH PHƯƠNG

viết lời bình

 Kính mừng Đại lễ THÀNH ĐẠO

Phật lịch 2561

8/12.  ĐINH DẬU

24/01/2018

Kỷ niệm 75 năm

Khai sơn chùa PHI LAI

Hòa Thịnh – Tây Hòa

PHÚ YÊN

Nhà Như Lai là cái nhà của Tâm từ bi ,Áo Như Lai là áo của Đức NhẫnNhục,Tòa Như Lai là tòa Nhất Thiết Pháp Không –là vô tự tánh của các pháp.

Bài thơ nhan đề NHÀ NHƯ LAI của nhà thơ LĂNG GIÀ TÂM dù chỉ nói đến NHÀ NHƯ LAI nhưng muốn hiểu tròn đầy nội dung tư tưởng của tác giả qua bài thơ nầy thì người đọc lập tức phải liên tưởng đến ÁO NHƯ LAI và TÒA NHƯ LAI mà Đức Phật dã tuyên thuyết nơi KINH PHÁP HOA, PHẢM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC.

Thay vì trực khởi bằng thơ của mình, nhà thơ LGT lại mượn hai câu đầu trong bài thơ bốn câu hoằng nguyện của Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ, người chuyên trì tụng Kinh Pháp Hoa:

      Một lòng kính lạy Phật đà

      Đời đời con nguyện ở nhà Như Lai

      Con nguyền mặc áo Như Lai

      Con ngồi pháp tọa Như lai muôn đời.   

Nhà Như Lai ấy là nhà của Phật ,nhà của Đức Thiện Thệ, nhà của Bậc Toàn Giác…

Căn nhà ấy, mượn ngôn ngữ thế gian mà nói, nó được thiết lập, kiến trúc, xây dựng cho nhân gian thế giới, cho muôn loài ngay từ lúc Đức Phật thị hiện THÀNH ĐẠO dưới gốc cây bồ đề, bên bờ sông Ni Liên thuyền, cách đây gần ba ngàn năm.

Hãy nên nhớ rằng ngày Thành Đạo, sự kiện Thành Đạo của Đức Phật Thích Ca mang một giá trị vĩnh cữu, không bị hạn cuộc trong một không gian nào, một thời gian nào.

Ngay sau khi Thành Đạo Đức Phật từng tuyên bố với vị Phạm Thiên Sahampati rằng:

       Cửa bất tử đã mở rộng

       Cho những kẻ chịu nghe 

             ( Trường Bộ Kinh I, 271 )

Thông điệp bất tử ấy, khi Đức Phật tuyên bố cho Sahampati cũng chính là thông điệp Ngài tuyên ngôn cho cả thế giới loài người, cho cả muôn trùng tam thiên đại thiên thế giới, và cho tất cả muôn loại hữu tình. Thông điệp ấy cũng hàm nghĩa Nhà Như Lai được thiết lập, được xây dựng sừng sững như ngọn núi Tu Di, không phải chỉ được dựng lên trên cương vực Ấn Độ cổ đại, mà rồi đây nó sẽ được dựng lên trên khắp các châu lục, các quốc gia, lãnh thổ,các vùng miền trên khắp cả thế giới.

Vì vậy ta sẽ không ngỡ ngàng gì khi thấy Nhà Như Lai  đã được dưng lên trên khắp các vùng miền đất nước Việt Nam. Căn nhà Như Lai, bậc Thượng thủ Tăng già Việt Nam Thích Trí Thủ “nguyện ở    ấy, hôm nay đã được nhà thơ LÃNG GIÀ TÂM miêu tả:

      Nhà Như Lai hương đồng gió nội

      Mặt trời hồng rực chói niềm tin… 

Chỉ cần nghe thấy cụm từ “ hương đồng gió nội” đặc tả Ngôi Nhà Như Lai trong tâm linh của nhà thơ là ta thấy ngay rằng Nhà Như Lai ấy đã được dựng lên ngay trên đất nước Việt Nam mình, nơi một chốn quê nhà thanh bình yên ã nào đó; nơi đầu làng, giữa xóm có bờ tre hàng chuối thân thương quen thuộc.

Ngược chiều lịch sử có thể có câu hỏi được đặt ra: Ngôi nhà Như Lai đầu tiên trên đất nước Việt Nam mình do ai và tự bao giờ đã được dựng nên ? Những Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ? Những Trúc Lâm Yên Tử, những Diên Hựu…Một quá trình hình thành phát triển của lịch sử Phật Giáo Việt Nam biết bao nhiêu ngôi Nhà Như Lai đã được dưng nên ?

Vậy thì chúng ta cũng có thể đặt thêm câu hỏi : Nhà Như Lai trong tâm linh nhà thơ Lăng Già Tâm phải chăng ít nhiều gắn bó hữu cơ với ngôi Nhà Như Lai ở Hòa Thịnh,Tây Hòa Phú Yên, hôm nay chúng ta đang được tham dự đại lễ Kỷ niệm 75 năm khai sơn?

Để thấu hiểu hơn chúng ta hãy lắng nghe tâm tình tự sự của của người đã dựng ngôi Nhà Như Lai trong tâm tưởng mình:    

Bao phen rong ruỗi cầu tìm

Bao phen xuôi ngược nổi chìm sông mê

Đường cát bụi đi về bít lối

Cửa đỉnh chung xe ngựa chồn chân

Vui chi trong cuộc phong trần

Đêm gieo tiếng khóc, ngày cân trận cười

Kiếp phù sinh bồng bènh nhân ảnh

Cuộc mua vui dai dãng men say

Vị đời đắng đắng cay cay

Hương đời muôn thuở có thay đổi gì ?!                               

Đó là tiếng thở dài không riêng của nhà thơ LGT, đó cũng chính là cung bực kêu thương của hàng trăm hàng ngàn người trôi lăn giữa cuộc nhân hoàn.  

Đã là người, có sanh ắt có có già có bệnh có chết. Cuộc chơi rong ruỗi tìm cầu hạnh phúc ảo ảnh giữa cuộc đời đã khiến bao nhiêu kiếp người lăn lóc” nỗi chìm sông mê “  ?Tìm cái vui vô thường giữa cõi vô thường thì hương đời muôn thuở vẫn thế. Cánh cửa bất tử chưa hề được mở ra. Con đường cát bụi vẫn đi về bít lối. Nhà thơ LGT trên lộ trình tìm cầu giải thoát giác ngộ đã từng trải dạn dày đau khổ; nên đã tĩnh thức trở về phôi dựng ngôi Nhà Như Lai nơi chính tâm linh mình và người đã đặt được bước chân mình lên trước thềm Nhà Như Lai, vì thế mới thốt tiếng lời kêu gọi, nhắc nhủ :

        Trăng Lăng Già mấy khi hội ngộ

        Sao mãi còn rong ruỗi cuộc chơi

        Buồn vui là chuyện của đời

        Không không sắc sắc

        Phương trời viễn du

Vầng trãng tuệ giác sáng ngời kia kiếp hành nhân thui thủi truy tìm hạnh phúc đời thường chưa một lần nhìn thấy. Bước chân cô đơn cứ mãi dệt thêu trên hoạn lộ sắc không tới phương trời vô định. Thế nên nhà thơ thốt gọi chúng ta :

Tay không nhẹ vuốt mây mù

Tâm không rạng rỡ thiên thu nắng hồng

Ta về hóng gió thềm không

Quên câu dây đó, trăng lồng bóng trăng

Như lai bảo sở trong ngần

Trời chân như ấy Pháp thân hiện tiền

Ma ha bát nhã châu viên

Hóa duyên vô trụ con thuyền vô dư. 

Kẻ lãng du vô định đã trở về trước thềm không, thềm KHÔNG ấy là thềm để bước chân hành giả đĩnh đạc bước vào Nhà Như Lai, nguyền mặc được Áo Như Lai, được ngồi lên Tòa Như Lai dang ngồi.     

Và như thế, tự thân mỗi hành giả  lộ trình tìm cầu giải thoát sẽ ngộ ra rằng : Thông điệp ngày Thành Đạo của Đức Phật Thế tôn, không những đã mở rộng cánh cửa bất tử mà đồng thời soi sáng con đường đưa con người đến bến bờ an vui hạnh phúc Niết Bàn. Cõi Niết Bàn chính là cõi bất tử.

Cám ơn nhà thơ Lăng Già Tâm, ở một góc độ nào đó đã lân mẫn từ tâm dắt dẫn chúng ta bước vào Nhà Như Lai, nhà của Tâm Từ Bi, khoác áo Như Lai, áo của Đức Nhẫn nhục và sẽ được bước lên tòa Như Lai , pháp tòa của Nhất thiết pháp không

Thong dong tự tai, an trú Niết Bàn .

                         HẠNH PHƯƠNG    

Pt Quảng An ghi âm bài Pháp Nhà Như Lai thơ

Lăng Gìa Tâm Nhà Thơ Hạnh Phương viết lời bình.

.

.

Facebook Comments Box

Trả lời