2074 lượt xem

Ý Nghĩa Lễ Phật Đản

Thích Phước Toàn 

Kính mời quý Phật tử đọc bài ” Ý Nghĩa Lễ Tắm Phật “của Thầy Tuệ Minh Thích Phước Toàn để biết đầy đũ ý nghĩa của việc tắm Phật mà  rất nhiều bà con chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng nầy.
Con kính xin cám ơn thầy Phước Toàn và xin được gởi đến bà con Phật tử để thực hành việc Tắm Phật thật có ý nghĩa và lợi lạc.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thiện Tâm Vinh Nguyên
 .

Ý NGHĨA LỄ PHẬT ĐẢN

Lễ Tắm Phật là một nghi lễ thiêng liêng, mang sắc thái Văn Hoá Phật Giáo và mang ý nghĩa rất đẹp, rất sâu xa. Nghi lễ này không kém phần quan trọng trong mùa Phật Đản. Tương truyền rằng, khi Bồ Tát Hộ Minh từ Đâu Suất Nội Viện Thiên Cung giáng trần, trong ngày Đản Sanh, giữa không trung có hai luồng nước, một luồng nước mát và luồng nước ấm giao nhau để gội lên thân tướng thanh tịnh của Ngài (Phật Sơ Sanh), lúc ấy cũng có hương hoa của chư Thiên rải xuống cúng dường như một tràng mưa hoa rất đẹp.

Ý nghĩa hai luồng nước là biểu thị một sự kết tinh của Tám Công Đức lớn, nghĩa là Đức Phật đến với thế gian bằng nhục thân, thân tướng của một con người, nhưng vẫn tịnh nhiên không bị ô nhiễm bởi cõi đời “ngũ trược ác thế” này. Khi dòng nước của tám công đức ấy tắm gội lên Ngài thì, liền trở lại với tịch quang thanh tịnh nguyên thuỷ. Từ đó các tự viện ở Ấn Độ thường xuyên đặt một đài tắm Phật cho Phật tử thập phương đến lễ bái và tắm Phật. Đối với các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa và Việt Nam thường hay tổ chức lễ hội tắm Phật rất long trọng vào mùa Phật Đản. Được gọi là Quán Phật Hội hay Quán Mộc Phật Hội, là những danh từ chỉ vào nghi thức cử hành lễ tắm Phật.

Vào mùa Phật Đản, thỉnh thoảng chúng ta đi các nơi công cộng như vườn hoa, thất trà thiền trong công viên của người Nhật tại Oregon, San Fransico v.v… họ trưng một đài tắm Phật Sơ Sanh tại phòng triển lãm, để khách thập phương đến chiêm bái và tắm Phật. Ở đó đều có nhân viên trực, khá rành rẽ về ý nghĩa tắm Phật, thuyết minh cho khách thập phương muốn tìm hiểu. Lúc đó ai muốn tắm Phật lần lượt tiến đến trước đài trong sự cung kính và dùng chiếc muỗng sạch đã thiết trí sẵn ở đó để múc nước gội lên Phật Sơ Sanh.

Đối với Phật tử Việt Nam thì Đại lễ Phật Đản từ lâu đời đã được các tự viện, các Giáo Hội Phật Giáo tổ chức rất long trọng qua nhiều hình thức như: kết xe hoa, kiệu rước Phật đi nhiễu quanh đường phố, v.v…Ở Huế hằng năm vẫn kết những xe hoa rước Phật rất trọng thể, tối đến họ cùng xuống thuyền rồng đi thả hoa đăng trên Sông Hương hoặc ngoài biển. Tại California là nơi đông đúc người Việt Nam, những năm gần đây các Giáo Hội Phật Giáo cùng họp nhau tổ chức các ngày Lễ Tắm và Rước Phật diễn ra cũng thật long trọng. Nghi lễ chính vẫn gồm hai phần, một là Lễ Khánh Đản và tiếp đến là Lễ Tắm Phật. Phần Lễ Tắm Phật, có kết đài bằng hoa rất đẹp, rất trang nghiêm, thường là dùng một bồn nước thật tinh khiết, ấm và mát pha với nhau, có pha các vị nước thơm như chiên đàn hương, bạch đàn hương, long não, xạ hương, v.v… và còn thả vào một số hoa tươi, rồi đặt tượng Sơ Sanh đứng giữa bồn. Khi Lễ tắm Phật diễn ra, lần lượt mỗi người dùng đoá hoa tinh khiết nhúng xuống bồn nước để thấm lên mình Phật Sơ Sanh, hoặc dùng chiếc muỗng tinh sạch để rưới lên tượng ba lần, và liên tục tụng bài kệ (Tắm Phật) Dục Phật:

我今灌沐諸如來 淨智莊嚴功德聚 五濁眾生令離垢 同證如來淨法

唵, 牟 尼, 牟 尼, 三牟尼, 薩 婆 訶.

“Ngã kim quán mộc chư Như Lai

Tịnh Trí trang nghiêm công đức tụ

Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu

Đồng chứng Như Lai tịnh Pháp Thân

Án Mâu Ni, Mâu Ni, Tam Mâu Ni, tát bà ha.”

Dịch nghĩa:

“Con nay tắm gội các Như Lai

Trang nghiêm công đức hằng thanh tịnh 

Nguyện khắp chúng sanh lìa cấu uế

Đồng chứng Pháp Thân của Như Lai

Án, Mâu Ni, Mâu Ni, Tam Mâu Ni, tát bà ha.”

Khi tắm Phật thì chỉ có một vị Sơ Sanh trong buổi lễ thôi, sao niệm là “con nay tắm gội các Như Lai”? Là vì, quán tưởng một vị Phật, tức là quán tưởng vô lượng vị Phật. Nghĩa là quán tưởng thân chư Phật như chính pháp thân tương lai của mình, ba lần rưới nước lên thân Phật là nguyện tẩy sạch ba ác nghiệp thường tạo tác bởi thân, miệng, ý của chính chúng ta, để ba nghiệp hằng thanh tịnh. Hẳn nhiên nước thanh khiết, hương thơm dùng để tắm lên thân Phật, thì Phật Pháp chính là nước trong sạch, mầu nhiệm, cao quý có khả năng gội rửa đi những ác nghiệp cho những con người phàm phu như chúng ta, và hương hoa chính là Giới Hương để phòng phi trừ ác pháp, và từ đó tâm được Định và tâm định thì sẽ sinh Trí Tuệ, là Tuệ mạng, để chúng sanh cùng được trở về với vị Phật Sơ sanh nguyên thuỷ. Lời nguyện khắp chúng sanh xa lìa những cấu uế, tức là nguyện sửa đổi những thói hư tật xấu, những ngã mạn, cố chấp, những phiền não uế trược, những kiến hoặc mê mờ. Khi dứt trừ tất cả những tập khí xấu ác đó là sẽ tiến dần đến minh tâm kiến tánh và là những vị Phật tương lai dần hiển hiện. Nguyện cùng chúng sanh chứng đắc Pháp Thân Thanh Tịnh của Như Lai, là nguyện cho tất cả chúng sanh có được một trí tuệ siêu việt, một sự hiểu biết chân chính và là nguyện mở rộng lòng thương để cùng vui cái vui của chúng sanh và khổ sự khổ của chúng sanh. Khi nhận chân được điều đó, cố nhiên lòng tham lam ích kỷ còn tiềm ẩn đâu đó cũng từ từ lìa xa khỏi bản tâm vốn thanh tịnh, để cùng tất cả chúng sanh ai cũng đạt được Pháp Thân thanh tịnh an lạc của một vị Phật. Điều quan trọng là khi tắm Phật, chúng ta phải rất chí thành, nhất nhất chú tâm và ý thức rõ rằng, chính mình đang gội rửa và tẩy trừ những tập khí xấu trong con người của mình, thì nghi thức tắm Phật là một phương tiện chuyển hoá không nhỏ. Nếu thành tâm được như thế thì chúng ta sẽ kiểm soát được những vọng niệm và cũng chính là phương pháp an tịnh cao quý.

Nhân mùa Phật Đản, xin có vài lời thô thiển chia sẻ cùng quý bạn đọc, và kính mời quý vị cùng thực hành nghi thức tắm Phật này trong mỗi phút giây, bằng cách thường luôn tỉnh thức, và khởi động Phật Sơ Sanh đã sẵn có trong mỗi tự thân chúng ta. Để kết thúc bài này xin tặng quý bạn đọc bài thi kệ “Hải đảo tự thân” sau đây:

Giữa thế giới đảo điên

Ta về nương cửa thiền

Tự thân là hải đảo

Nguồn Pháp Phật vô biên

Ta có đôi mắt sáng

Mắt thương nhìn cuộc đời 

Nói lên lời chánh ngữ 

Bằng chính đôi môi tươi

Có sẵn bàn tay đẹp

Xây dựng đạo nhiệm mầu

Giữ tâm ý trong sạch

Quán chiếu pháp thâm sâu

Là Phật cười hoa nở

Là cảnh giới cửa thiền

Là trí bi khai ngộ

Là tịnh độ hiện tiền

Tuệ Minh

Mùa Phật Đản 2623, Lịch thường 1999

 

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời