2060 lượt xem

Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Bông Hồng Cài Áo

Thích Trừng Sỹ

Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Bông Hồng Cài Áo 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa quý toàn thể Đại Chúng,

Hôm nay, mình xin đọc và trình bày bài “Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Bông Hồng Cài Áo.”

Khoảng đầu thập niên năm 1960, thầy Thích Nhất Hạnh có đầy đủ duyên lành ghé thăm Thầy Thiên Ân ở Nhật Bản vào dịp Lễ Hội Bon tương tự như Lễ Hội Vu Lan Báo Hiếu của người Việt Nam. Trong buổi lễ đó, cả hai thầy đều được cài trên ngực áo đóa hoa cẩm chướng màu đỏ. Nhân đó, thầy Thiên Ân giải thích, hoa Cẩm Chướng màu đỏ tượng trưng cho những ai còn đủ cha mẹ; hoa Cẩm Chướng màu hồng tượng trưng cho những ai mất cha hoặc mất mẹ; hoa Cẩm Chướng màu trắng tượng trưng cho những ai mất cả hai cha mẹ.

Mùa Vu Lan Báo hiếu năm 1962, thầy Thích Nhất Hạnh viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo. Với những ý nghĩa đề cập trên, thầy dùng hình ảnh hoa hồng thay cho hoa Cẩm Chướng được áp dụng từ năm 1963 cho tới ngày nay.

Thật vậy, trong mùa Vu Lan Báo hiếu hằng năm, các Chùa thường tổ chức Lễ Bông hồng để nói lên ý nghĩa sâu sắc về công ơn sinh thành, dưỡng dục, và dạy dỗ của cha mẹ. Trong đại Lễ này, nếu bạn còn cha mẹ, thì bạn được cài bông hồng màu đỏ. Nếu bạn mất mẹ hoặc cha, thì bạn được cài bông hồng màu hồng. Nếu bạn mất cả cha lẫn mẹ, thì bạn được cài bông hồng màu trắng trên ngực áo của bạn.

Nếu bạn là người xuất sĩ, bạn sẽ được cài bông hồng màu vàng trên chiếc áo cà sa của bạn. Màu vàng tượng trưng cho sự thảnh thơi, thong dong, tự tại, không hệ lụy, ràng buộc, và không vướng mắc. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, tình yêu hôn nhân, tình yêu cha mẹ, thầy trò, tình yêu Tam Bảo, v.v…

Tình yêu biểu hiện nhiều hay ít là tùy thuộc vào cách bạn sử dụng và ứng xử phù hợp với những đối tượng và bối cảnh khác nhau trong cuộc đời của mình. 

Mục đích của đại Lễ này nhằm nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu của cha mẹ, ông bà, Tổ tiên tâm linh và huyết thống; tình yêu này làm nền tảng căn bản và vững chắc nhất giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển tình yêu hương và đất nước sau này.

Muốn thực hiện tốt đẹp được như vậy, trong gia đình, là người con hiếu thảo, bạn khéo tôn kính và phụng sự cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là khía cạnh tinh thần bằng cách khuyên cha mẹ tránh điều ác và làm điều lành. Khi cha mẹ bạn chưa có quy y Tam Bảo và và chưa thực tập Năm Điều Đạo Đức, thì bạn là người có bổn phận trực tiếp thỉnh cầu cha mẹ nương tựa Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. Ba nương tựa mầu nhiệm và cao quý nhất không những làm chỗ dựa tâm linh vững chãi nhất, mà còn làm ngọn đèn tuệ giác soi sáng cho chúng sinh trong cuộc đời.

Một khi cha mẹ của bạn có duyên lành tiếp xúc với đạo Phật; con đường tỉnh thức, giác ngộ, an vui, hạnh phúc, và hòa bình cho số đông trên khắp hành tinh, thì bạn là người tiếp nối đích thực của Ông bà tổ tiên, Cha mẹ, thầy tổ, chư Phật, Bồ-tát, v.v… Theo giáo lý tương tức, khi nhìn sâu vào họ, bạn thấy chính bạn đang có mặt trong họ, và họ đang có mặt trong bạn.

Trong mùa Vu Lan Báo hiếu năm nay, xin kính dâng những đóa hồng màu đỏ, màu hồng, màu trắng, và màu vàng đến tất cả những người còn cha mẹ đang còn sống hay đã khuất trên đời.

Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát.

By Thích Trừng Sỹ

The Original and Meaning of the Ceremony of the Rose Pinned on the Pocket

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời