Tụng Kinh Kalama – Giữ Vững Niềm Tin Chân Chánh
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tán Phật
Xinh tốt như hoa sen
Rạng ngời như Bắc đẩu
Xin quay về nương tựa
Bậc Thầy của nhân thiên.
Sen quý nở đài giác ngộ,
Hào quang chiếu rạng mười phương,
Trí tuệ vượt tầm pháp giới,
Từ bi thắm nhuần non sông,
Vừa thấy dung nhan Điều Ngự,
Tâm thành trọn lòng kính dâng,
Hướng về tán dương Tam Bảo,
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng. (O)
Dâng Hương
Hương đốt khói trầm xông ngát
Kết thành một đóa tường vân,
Đệ tử đem lòng thành kính
Cúng dường chư Phật mười hương
Giới luật chuyên trì nghiêm mật
Công phu thiền định tinh cần
Tuệ giác hiện dần quả báu
Dâng thành một nén tâm hương.
Chúng con kính dâng hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát, hương giải thoát tri kin lên chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, chư hộ háp, thiện thần, chứng minh lòng thành kính của chúngcon. (O)
Kính đảnh lễ Phật Bảo
Phật bảo sáng vô cùng
Đã từng vô lượng kiếp thành công
Đoan nghiêm thiền tọa giữa non sông
Sáng rực đỉnh Linh Phong
Trên trán phóng hào quang rực rỡ
Chiếu soi sáu nẻo hôn mông
Long Hoa hội lớn nguyện tương phùng
Tiếp nối Pháp chánh tông
Về nương tựa Phật Bảo
Xin quy y thường trú Phật-đà-gia.
Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Phật thường trú trong ba đời và mười phương. (O, 1 lạy)
Kính đảnh lễ Pháp Bảo
Pháp bảo đẹp vô cùng
Lời vàng do chánh Phật tuyên dương
Chư thiên trỗi nhạc tán hoa hương
Pháp mầu nhiệm tỏ tường
Ghi chép rõ ràng thành Ba Tạng
Lưu truyền hậu thế mười phương
Chúng con nay thấy được con đường
Về nương tựa Pháp Bảo
Xin quy y thường trú Đạt-mạ-gia.
Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Pháp thường trú trong ba đời và mười phương. (O, 1 lạy)
Kính đảnh lễ Tăng Bảo
Tăng bảo quý vô cùng
Phước điền hạt tốt đã đơm bông
Ba y một bát bước thong dong
Giới định tuệ dung thông
An trú đêm ngày trong chánh niệm
Thiền cơ chứng đạt nên công
Chúng con tất cả nguyện một lòng
Về nương tựa Tăng Bảo
Xin quy y thường trú Sanghaya.
Đệ tử chúng con chí tâm kính lễ chư Tăng thường trú trong ba đời và mười phương. (O, 1 lạy)
(Thiền tập 15 phút)
Khai Kinh
Pháp Phật cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên nay được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (O)
KINH KALAMA: GIỮ VỮNG NIỀM TIN CHÂN CHÁNH
Tôi nghe như vầy. Một thời Đức Thế Tôn và Tăng Đoàn đi từng bước thảnh thơi đến Quận Kê-sa-put-ta của dân chúng Kalama[1] thuộc nước Kosala. Khi nghe đức hạnh, uy nghi, và năng lực từ bi và tuệ giác của Đức Phật và Tăng Đoàn đi đến xứ này, dân chúng Kalama vui mừng quay quanh, cung kính đảnh lễ Đức Phật và Tăng đoàn, xin tham vấn Đức Phật một số câu hỏi về niềm tin chân chánh như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, thỉnh thoảng có những vị du sĩ, đạo sĩ Bà-la-môn, đến đây để truyền đạo, khuyến dụ chúng con vào đạo của họ, đề cao giáo lý của đạo họ là trên hết, khinh chê, miệt thị, bài xích, và xuyên tạc giáo lý của những người khác. Sự việc này làm cho chúng con cảm thấy phân vân. Trong số các vị ấy, vị nào nói chân chánh và vị nào nói không chân chánh? Giáo lý của đạo nào là đúng và giáo lý của đạo nào là không đúng? Chúng con nên theo ai và chúng con không nên theo ai? Chúng con nên theo giáo lý của đạo nào và chúng con không nên theo giáo lý của đạo nào?”
Đức Phật ân cần dạy bảo: “Này quý vị Kalama, quý vị đã khởi lên sự nghi ngờ và phân vân là đương nhiên rồi. Trong trường hợp này, quý vị không nên vội tin theo ai và bác bỏ giáo lý của đạo nào khi quý vị tự mình chưa hiểu rõ.” Có mười niềm tin chân chánh mà quý vị cần phải hiểu rõ sau đây: (O)
Mười Điều Tin Chân Chánh
Một là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là truyền khẩu, hay nghe người ta nói lại.
Hai là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là truyền thống, truyền thuyết, hay phong tục tập quán.
Ba là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là báo cáo, phỏng đoán, hay tin đồn.
Bốn là đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi chép trong kinh điển, hay trong sách vở.
Năm là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là ước đoán, hay lý luận siêu hình.
Sáu là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là tiên đề, hay lập trường do mình suy diễn.
Bảy là đừng vội tin một điều gì dù điều đó chỉ dựa trên quan điểm thiên vị, hay dữ liệu mơ hồ.
Tám là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là định nghiệp, định kiến, thường kiến, hay đoạn kiến.
Chín là đừng vội tin một điều gì dù điều đó là một hù dọa và tẩy não, hay sự răn đe của một đấng thần linh tối cao nào do con người bịa đặt, tưởng tượng, suy nghĩ, và nói ra.
Mười là đừng vội tin một điều gì dù điều đó được các nhà truyền giáo, vị đạo sư, hay vị thầy của mình tuyên bố. (O)
Chánh tín được soi sáng và phơi bày
Này Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí khinh thường và chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì quý vị hãy nên mạnh dạn từ bỏ chúng. Tham lam, sân hận, và si mê là các pháp bất thiện. Sát hại sinh mạng, lấy của không cho, sống tà hạnh và ngoại tình, xâm phạm tình dục của trẻ em, nói dối, sử dụng các chất say, các chất ma túy, và các chất độc tố đều là các pháp bất thiện. Khi quý vị bị các pháp bất thiện chế ngự và chi phối, thì quý vị chắc chắn sẽ chịu bất hạnh và khổ đau, chê bai và chỉ trích.
Ngược lại, này Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện, các pháp này là đáng khen, các pháp này được người trí ca ngợi và tán thán, các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến an vui và hạnh phúc, thì quý vị hãy duy trì và phát triển chúng. Không tham lam, không sân giận, và không si mê là các pháp thiện. Không sát hại sinh mạng, không lấy của không cho, không tà hạnh và ngoại tình, không xâm phạm tình dục của trẻ em, không nói dối, và không sử dụng các chất say, các chất ma túy, và các chất độc tố đều là các pháp thiện. Khi các vị được các pháp thiện chế ngự và chi phối, thì quý vị chắc chắn sẽ gặt hái những hoa trái an vui và hạnh phúc, đáng được người trí ca ngợi và tán thán.
Này quý vị Kalama, khi các pháp thiện được thực hành thuần thục, tham lam, sân hận, và si mê được thanh lọc và chuyển hóa, thì Pháp hỷ, Pháp học, Pháp hành, Pháp thành, và Pháp chứng có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm. Khi một vị Thánh đệ tử an trú vững chãi trong chánh niệm và tỉnh thức, thì tâm từ, bi, hỷ, xả của vị ấy có khả năng tỏa sáng khắp mọi nơi và mọi lúc, bao trùm tất cả các loài hữu tình và vô tình. Khi oán thù, ác nghiệp, bất hạnh, phiền não, và khổ đau trong tâm của vị Thánh đệ tử được đoạn tận, thì ngay trong hiện đời, vị ấy sống rất an lạc, và đến lúc lâm chung, vị ấy sẽ sinh về thế giới an lành.
Này quý vị Kalama, khi những ai nói, nghĩ, và làm một điều gì, thì quý vị không nên vội tin họ, mà quý vị hãy nên quán sát, tư duy, và chiêm nghiệm những gì họ nói, nghĩ, và làm có đi đôi với nhau không, có ăn khớp với nhau không, có phù hợp với nhau không, và có đem lại lợi lạc cho tự thân và cho tha nhân không? Nếu có, thì quý vị hãy quyết tâm tin theo, thực hành, nuôi dưỡng, và phát triển chúng. Nếu không, thì quý vị hãy mạnh dạn buông bỏ chúng. (O)
Này quý vị Kalama, mười niềm tin chân chánh và các pháp thiện Như Lai đã giảng dạy trên đây. Quý vị hãy nên ghi nhớ và hành trì. Vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, quý vị hãy nên áp dụng và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại niềm tin chân chánh và vững chãi cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Khi nghe Đức Phật giảng dạy, phân tích, và giải thích niềm tin chân chánh rõ ràng, dân chúng Kalama vô cùng hoan hỷ thành kính đảnh lễ Đức Phật, và nói lên những lời tán thán, cung kính, và ẩn dụ như sau:
“Thật vi diệu thay, Bạch Đức Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Bạch đức Thiện Thệ! Chánh pháp do chính Đức Phật khéo thuyết giảng rất thiết thực hiện tại, cụ thể, và rõ ràng, đã thấm sâu vào tâm chúng con, làm cho tâm chúng con mềm ra, hiền ra, và thiện ra. Phật pháp đã khai mở tâm chúng con bừng sáng ra, như người dựng đứng dậy những gì bị ngã xuống, lật ngửa lên những gì bị úp, mở toang ra những gì bị đóng kín, phô bày ra những gì bị che giấu, chỉ đường cho những kẻ bị lạc lối, đem ánh sáng vào trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể nhìn thấy rõ mọi sự vật tường tận, như đi trong đêm tối gặp được ánh sáng, như người mù, mắt được sáng ra. Bằng nhiều phương pháp giảng dạy khéo léo, Đức Thế Tôn đã giúp cho chúng con nhìn thấy rõ mọi sự vật sáng tỏ như ánh sáng ban ngày. (O)
Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi tiếp nhận cho chúng con làm đệ tử tại gia. Từ nay cho tới trọn đời, chúng con quyết tâm nương tựa Đức Phật, giáo Pháp, và Tăng đoàn, và phát nguyện thực hành Năm Điều Đạo Đức trọn vẹn: Một là tôn trọng sự sống, phát triển tâm từ bi, bảo vệ môi trường thiên nhiên, và nuôi dưỡng hòa bình nội tâm bằng cách ý thức không sát hại sinh mạng. Hai là xả bỏ tâm bỏn xẻn, tham lam, phát tâm bố thí, cúng dường, và hộ trì Tam Bảo bằng cách không lấy của không cho. Ba là xây dựng hạnh phúc gia đình, sống chung thủy hợp pháp với người hôn phối, bằng cách sống không tà hạnh, ngoại tình, và không xâm phạm tình dục của trẻ em. Bốn là nói lời chân thật, hòa hợp, ái ngữ, và dễ thương, đem lại lòng tin cậy lẫn nhau và uy tín cho số đông bằng cách ý thức không nói dối. Năm là bảo vệ sức khỏe tráng kiện, tinh thần minh mẫn, đem lại an vui và hạnh phúc cho gia đình, học đường, và cho xã hội bằng cách không sử dụng các chất say, các chất ma túy, các chất độc tố, kể cả các việc hút thuốc, chơi cờ bạc, chơi các trò chơi game bạo động trực tuyến.”
Khi ý thức tránh xa các chất độc tố này, Pháp học, pháp hành, pháp hỷ, và Pháp lạc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm. Sau khi trở thành những người đệ tử thuần thành của Đức Phật, các vị Kalama vô cùng hoan hỷ giữ vững niềm tin nương tựa Tam Bảo, áp dụng, và thực hành Phật pháp vào trong đời sống hằng ngày để đem lại lợi lạc cho quần sanh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
(3 lần, O)
Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ
Avalokita, khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.
Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức.
“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
Khổ, tập, diệt và đạo
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (O)
Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo.
Chư Phật trong ba đời
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn.
Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Là tuệ giác chân thực
Có khả năng diệt trừ
Tất cả mọi khổ nạn.
Vậy ta hãy tuyên thuyết
Câu linh chú qua bờ:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha.” (3 lần, O)
“Vượt qua, vượt qua, khéo vượt qua, vượt qua tới bờ bên kia, đạt giác ngộ vui lắm thay.” (3 lần, O)
NƯƠNG TỰA TAM BẢO
Nương Tựa Phật Bảo
Con về nương tựa Phật, Người đưa đường chỉ lối từ, bi, và trí huệ cho con trong cuộc đời.
Đã về nương tựa Phật, con đang có hướng đi sáng đẹp cho con trong cuộc đời.
Về nương Phật trong con, xin nguyện cho mọi người, thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ-đề. (O)
Nương Tựa Pháp Bảo
Con về nương tựa Pháp, con đường của thực tập hòa bình, an vui, hạnh phúc, thương yêu, và hiểu biết cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại.
Đã về nương tựa Pháp, con đang học hỏi và tu tập con đường Thánh gồm có đạo đức, thiền định, và trí tuệ tương tức mật thiết với chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định.
Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người, nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa. (O)
Nương Tựa Tăng Bảo
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người tu tập nguyện sống cuộc đời đạo đức, hòa hợp, và tỉnh thức cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.
Đã về nương tựa Tăng, con đang được Tăng thân soi sáng, dìu dắt, và nâng đỡ trên con đường thực tập.
Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người, xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (O)
Hồi Hướng
Trì tụng Kinh thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền
Pháp môn xin nguyện học
Ơn nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Phật xin chứng nên.
Nguyện sanh về Tịnh Độ
Sen nở thấy vô sanh
Chư Bụt và Bồ Tát
Là những bạn đồng hành.
Nguyện dứt hết phiền não
Cho trí tuệ phát sanh
Cho tội chướng tiêu tán
Quả giác ngộ viên thành. (O)
Phát nguyện tinh tấn và lạy tạ ơn Tam Bảo
Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Phật Đà. Nam Mô Phật Đà Da. (O, 1 lạy)
Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Chánh Pháp. Nam Mô Đạt Mạ Da. (O, 1 lạy)
Đệ tử Gotama, luôn luôn tự tỉnh thức, không luận ngày hay đêm, thường tưởng niệm Tăng Đoàn. Nam Mô Sanghaya. (O, 1 lạy)
Bồ đề diệu pháp biến trang nghiêm.
Tùy theo chỗ ở thường an lạc.
Hồi Hướng
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sinh
Đều trọn thành Phật đạo. (O)
Biên soạn và chuyển ngữ – Thích Trừng Sỹ
[1] See Anguttara Nikaya, III.65 Kalama Sutta
http://www.intratext.com/IXT/ENG0228/_PK.HTM
Rite of Chanting the Kalama Sutta: Stably Holding the Right Confidences