2275 lượt xem

Thông Điệp Ngày Đại Lễ Vu Lan

Thích Trừng Sỹ

THÔNG ĐIỆP NGÀY ĐẠI LỄ VU LAN

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni

Kính thưa quý Phật tử đồng hương,

Chúng ta đều biết trong đạo Phật hằng năm có nhiều lễ hội quan trọng mang đậm tính nhân văn, văn hóa, tâm linh, giáo dục, đạo đức, uống nước nhớ nguồn, tạ ơn, tri ơn, và nhớ ơn, v.vv… Thật vậy, với các ý nghĩa trên, Vu Lan Báo Hiếu là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo được trình bày như sau:

Thứ nhất, Vu Lan Báo hiếu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tinh thần uống nước nhớ nguồn, cụ thể là tinh thần tri ơn và nhớ ơn của mình đối với ánh sáng tuệ giác của Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo; đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ; đối với công ơn giáo dục và dạy dỗ của các Thầy Cô giáo đạo học và thế học, những người có khả năng trao truyền nguồn tri thức và trí tuệ; đối với những nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, sinh sống, và làm việc; đối với các anh hùng dân tộc, những người có công dựng nước và giữ nước từ nghìn xưa cho tới ngày nay; đối với các học sinh, sinh viên, và các đệ tử, những người có khẳ năng tiếp nối và thắp sáng nguồn tri thức và trí tuệ trong hiện tại và trong tương lai; đối với các con cháu, những người có khả năng nối dõi tông đường; và đối với pháp giới chúng sinh trên khắp hành tinh này.

Thật vậy, tất cả muôn sự muôn vật trên thế gian này đều có các mối tương quan, tương duyên, tương thuộc, tương kết, và tương tức với nhau rất mật thiết. Với cái nhìn sâu sắc và sự thực tập thiền quán, chúng ta biết các nguồn tuệ giác tri ơn và nhớ ơn luôn ở trong ta và chúng không bao giờ ở ngoài ta. Khi sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này, nếu không có chúng, thì mình không thể nào trở thành con người thông minh, tài đức, và đức hạnh cho nhân thế. Do đó, mình là sự tiếp nối và thừa kế của Ông bà tổ tiên, của Cha Mẹ, của Tam Bảo, của Thầy tổ, v.v… Mình có thể mang tất cả đi về tương lai sáng đẹp và huy hoàng qua Pháp học, Pháp hành, Pháp hiểu, Pháp hỷ, và Pháp lạc.

Trong đời sống hằng ngày, để trở thành các nguồn yêu thương và hiểu biết cho số đông, là những người tu học giỏi, mình phải biết hoan hỷ thông cảm và mỉm cười cho chính mình và cho người khác. Mình biết cách thở, cách đi, đứng, nằm, ngồi, suy nghĩ, nói năng, và hành động một cách chánh niệm và tĩnh giác để đem lại an vui và hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Mình biết cách thực tập ái ngữ và lắng nghe một cách hiệu quả và thiết thực để xây dựng hạnh phúc cho số đông ngay trong đời sống hiện tại.

Thứ hai, Vu Lan Báo Hiếu còn nhắc nhở chúng ta nhớ đến đạo lý nhân quả và đạo lý hiếu thảo làm người giữa mình và những người thân, người thương, và quyến thuộc của mình. Ca Dao Việt Nam có ghi:

“Nếu mình hiếu với mẹ cha

Thì sau con hiếu với ta khác gì.

Nếu mình ăn ở vô nghì

Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.”

Theo đạo lý nhân quả, và theo những lời Phật dạy, trong đời sống hiện tiền, Cha Mẹ là hai vị Phật sống trong nhà. Đức Phật dạy rằng chúng ta sinh ra đời không gặp Phật, nhưng chúng ta khéo tôn thờ, chăm sóc, và phụng dưỡng Cha Mẹ đúng với chánh Pháp, khuyên Cha Mẹ làm điều lành, tránh điều ác, khuyên Cha Mẹ biết cách nương tựa Tam Bảo và thực tập Năm Điều Đạo Đức, thì chúng ta đã gặp Phật ngay trong hiện đời. Khi hiểu và thực tập được như vậy, thì chúng ta đích thực là những người con hiếu thảo với Ông bà và Cha Mẹ của chúng ta. Ngược lại, khi cha mẹ còn sinh tiền, chúng ta không biết hiếu thảo với cha mẹ, không dành thời gian thích hợp để chăm sóc cha mẹ khi cha mẹ già yếu. Đợi cha mẹ qua đời, chúng ta mới bắt đầu thăm viếng và khóc than, lúc đó đã muộn rồi. Đôi lúc, để che mắt thế gian, chúng ta quan tâm tới việc tổ chức tang lễ quá lớn cho cha mẹ. Sau khi tổ chức tang lễ cho cha mẹ xong, chúng ta bị mắc nợ, gây ra việc kình cãi và bất hòa giữa mình với những người thân người thương trong gia đình. Đó là điều không đúng với chánh Pháp và không có hiếu thảo với cha mẹ chúng ta nên tránh.

Thứ ba, sau ba tháng An Cư Kiết Hạ, theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Vu Lan Báo Hiếu nhắc nhở chúng ta nhớ đến ngày Đức Phật hoan hỷ; ngày mọi người làm mới thân tâm; ngày chư Tăng Ni được một tuổi đạo; ngày quý cư sĩ Phật tử có cơ hội tạo phước và cúng dường đồ ăn, thức uống, đồ mặc, đồ ngủ nghỉ, thuốc men, phương tiện đi lại cho người xuất gia; và ngày mọi người có duyên lành dâng y công đức Kathina.

Cuối cùng, ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu bao gồm ngày lễ Bông Hồng Cài Áo do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng và nó bắt nguồn vào thập niên 1960 cho tới nay qua các ý nghĩa và màu sắc khác nhau của hoa hồng như sau:

  1. Hoa hồng màu vàng tượng trưng cho những người xuất gia mang màu quỳnh y công đức và giải thoát, họ xem tất cả pháp giới chúng sinh đều là cha là mẹ, và là Bồ-đề Pháp lữ và quyến thuộc của mình.
  2. Hoa hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai còn đầy đủ cả cha và mẹ.
  3. Hoa hồng màu hồng tượng trưng cho những ai mất cha hoặc mất mẹ.
  4. Hoa hồng màu trắng tượng trưng cho những ai mất cả cha và mẹ.

Dù hoa hồng mang màu sắc gì khi được cài lên ngực đều nhắc nhở chúng ta biết rằng khi cha mẹ còn sống ở đời, mình sống có lòng hiếu thảo với cha mẹ và khi cha mẹ qua đời mình ý thức lo tang lễ cho cha mẹ đúng với chánh Pháp. Mình là hơi thở, là nụ cười, là sự sống, là bông hoa tươi mát, và là sự tiếp nối và kế thừa vui vẻ và tốt đẹp cho cha mẹ. Cha mẹ luôn có mặt trong mình. Bằng sự thực tập chánh niệm và tĩnh giác, mình có thể mang cha mẹ đi về tương lai một cách tươi sáng trên thế gian này. Do đó, mình ý thức rõ không thể nào tách rời cha mẹ ra khỏi mình.

Hôm nay, ngày đại lễ Vu Lan Báo Hiếu nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Nếu mình ở xa cha mẹ, bằng phương tiện truyền thông ngày nay, mình có thể gọi điện thoại và thăm hỏi sức khỏe của cha mẹ. Nếu mình ở gần cha mẹ, mình thường xuyên thăm viếng cha mẹ khi cha mẹ già và yếu. Dù chúng ta là những Phật tử hay không phải Phật tử, dù chúng ta là người có đạo hay không có đạo. Khi mùa Vu Lan Báo Hiếu trở về, chúng ta đều nhớ đến tinh thần hiếu đạo, hiếu thảo, tri ơn, nhớ ơn, uống nước nhớ nguồn giữa mình và người, giữa mình và muôn loại ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Nam Mô Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo Thường Trú trong Ba Đời và Mười Phương.

Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần chánh Pháp của Đức Thế Tôn.

By Thích Trừng Sỹ

The Message of Great Celebration of Vu Lan-Parents’ Day

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời