1735 lượt xem

Tương Quang Giữa Đạo Phật và Khoa Học

Trịnh Nguyên Phước

..

Tương Quan Giữa Đạo Phật Và Khoa Học

Đạo Phật và khoa học

Ðặt vấn đề

Chúng ta đang sống ở một khúc quanh quan trọng của lịch sử loài người, với những đổi thay vô cùng nhanh chóng, với những vấn đề phức tạp, đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy hào hứng. Giải quyết được những vấn đề này hay không tùy thuộc vào ý thức và khả năng thích ứng của mỗi người, của mỗi xã hội. Nhìn lại những vấn đề trùng điệp của thời đại, chúng ta khó thể nào tránh khỏi bi quan: nào nạn nhân mãn với hậu quả nghèo đói, nào khoảng cách mỗi ngày một sâu rộng giữa những nước giàu và nghèo, nào sự ô nhiễm môi trường mỗi ngày một lan rộng trên địa cầu, nào những chiến tranh và tàn sát chủng tộc, nào những vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp thiểu số, nào những vấn đề đô thị, bạo động, ma túy, bệnh do siêu vi trùng HIV, nào những khủng hoảng gây nên bởi thất nghiệp, ly tán gia đình, rối loạn thần kinh, và còn bao nhiêu vấn đề khác nữa. Ðiểm đặc biệt là những thử thách gay go đó xuất hiện trong khi nhân loại chưa bao giờ đạt được mức độ phát triển vật chất cao hơn bây giờ. Nhờ những tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật, con người đã lên được mặt trăng, thông tin liên lạc với tốc độ điện tử, máy móc hóa cuộc sống một cách rộng rãi, ghép các bộ phận cơ thể, thụ thai trong ống nghiệm, thay đổi di truyền,v.v.. Nói tóm lại, con người đã làm chủ được thiên nhiên trên hầu hết mọi lĩnh vực, tuy rằng chỉ có một thiểu số trên thế giới được hưởng những thành quả đó. Nhưng có một lĩnh vực mà con người vẫn chưa thông hiểu và làm chủ được: đó là cái tâm của chính mình. Tại các nước tân tiến, dưới sức ép của xã hội tiêu thụ, con người không ngừng đuổi theo tiện nghi vật chất, và chẳng mấy khi tìm được hạnh phúc trong những tiện nghi đã trở thành trói buộc. Trong khi đó, tại các nước chậm tiến, “cái khó bó cái khôn”, ai ai cũng chạy theo miếng cơm manh áo, không màng tới ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Ðâu đâu cũng có vấn đề tiền bạc, nhưng tiền bạc không giải quyết được mọi vấn đề. Ở khắp nơi, tuổi trẻ mất tin tưởng, lao động thiếu hăng say, tham nhũng lan tràn, gia đình lỏng lẻo, đạo đức suy thoái. Con người cảm thấy bơ vơ và không định hướng hơn bao giờ hết. Có thể nói chính là một cuộc khủng hoảng tinh thần, phát xuất từ sự mất thăng bằng giữa vật chất và tinh thần, từ sự trống trải tinh thần đang lan rộng. Quả thật hiện nay có nhiều dấu hiệu cho ta thấy rõ có một khoảng trống lớn về mặt tinh thần. Tại Tây phương, sau mười mấy thế kỷ thống trị gần như độc tôn, Ki Tô giáo, đặc biệt Công giáo, đã bắt đầu suy thoái một cách lần mòn, do sự thiếu thích nghi của Tòa Thánh La Mã trước những biến đổi của cuộc sống. Chỉ còn lại Hồi giáo với sự tăng trào của khuynh hướng quá khích, đang trở thành một hiểm nguy lớn cho tất cả các phần tử ôn hòa. Và Phật giáo, hiện đang còn bị gò bó trong một số nước Á châu và vẫn chưa triển khai được tiềm lực của mình. Gần đây có xuất hiện một số bài suy tư về thời đại, tác giả là những nhà khoa học, xã hội học, văn hóa có tên tuổi. Hầu hết đều nhận định rằng nhân loại đang sống một khúc quanh cực kỳ quan trọng, có thể gọi là một cuộc khủng hoảng văn minh. Theo họ, những vấn đề khúc mắc đặt ra cho thế giới không thể nào giải quyết được, nếu con người còn tiếp tục đi theo chiều hướng hiện tại. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, đức Ðạt Lai Lạt Ma có nói: “Tôi cảm thấy một cách sâu đậm rằng chúng ta sẽ phải cùng nhau tìm ra một giá trị tinh thần mới. Khái niệm mới đó, một giá trị tinh thần thế tục (spiritualité laique), sẽ phải được xây dựng bên cạnh các tôn giáo, để cho tất cả những người có thiện chí có thể tham gia được. Chúng ta phải xúc tiến khái niệm mới đó cùng với các nhà khoa học, cho một tương lai thế giới tốt đẹp hơn” (1). Như vậy, giá trị tinh thần đó phải là một giá trị tinh thần phổ biến, thế tục và phù hợp với khoa học: – Phổ biến, vì chiều hướng chung của sự phát triển là vượt khỏi mọi biên giới, không phải để đi tới sự đồng nhất, mà là sự hòa đồng trong sự tôn trọng khác biệt. – Thế tục, vì “giá trị tinh thần” không bắt buộc phải là “tôn giáo”, và giá trị tinh thần muốn được phổ biến phải ở ngoài, hay ở bên cạnh các tôn giáo. – Phù hợp với khoa học, bởi vì con người hiện đại không thể nào bỏ qua được vai trò tất yếu của khoa học trong cuộc sống. Trong công cuộc xây dựng giá trị tinh thần này, đạo Phật có thể đóng một vai trò không nhỏ. Bởi vì đó vừa là một truyền thống đạo lý cổ xưa đã in sâu vào tâm hồn người châu Á, vừa là một con đường, một lối sống đang được người Tây phương phát hiện và ưa chuộng. Ðạo Phật lại thêm một đặc điểm so với các tôn giáo khác: Đó là sự phù hợp với tinh thần khoa học. I. Phần lý thuyết Tương quan giữa đạo Phật và khoa học Nếu có một tôn giáo nào có thể gọi là phù hợp với khoa học thì chắc hẳn là Phật giáo. Bởi vì, khác những tôn giáo khác, đạo Phật không mang tính chất giáo điều và không dựa lên trên đức tin; đạo Phật chưa bao giờ tìm cách thay thế khoa học giải thích mọi hiện tượng; và trong quá trình phát triển của loài người, các tổ chức Phật giáo chưa từng kết án một phát minh hay một nhà khoa học nào. Người ta có thể giải thích những điều đó bằng tinh thần bao dung, phá chấp của đạo Phật. Nhưng thật ra không phải chỉ có vậy. Ðạo Phật và khoa học còn chia sẻ với nhau một số đặc tính mà chúng ta sẽ phân tích sau. Hơn nữa, trải qua hơn 2.500 năm lịch sử, đạo Phật đã tích lũy nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm mà ngày nay các nhà khoa học cũng đang quan tâm tới và tìm cách khai thác. Ông Francisco Varela, một nhà nghiên cứu sinh học về khoa học nhận thức (sciences cognitives), cho biết rằng chính nhờ tìm hiểu và thực nghiệm đạo Phật trong hơn 15 năm, ông mới khai phá ra những chân trời mới lạ: “Trong truyền thống đạo Phật có từ hơn 20 thế kỷ nay, hiện tượng học kinh nghiệm đã mang lại một khối hiểu biết mênh mông. Ðạo Phật đã đề xướng ra một phương pháp rất gần với phương pháp của Husserl, nghĩa là ngưng lại mọi tin tưởng, để quan sát và nhận thức trực tiếp bởi giác quan. Có thể nói rằng Đức Phật Thích Ca là người đã đi trước Husserl, và những người tu Phật là những nhà chuyên môn về hiện tượng học tâm thần. Truyền thống đạo Phật thật ra không mấy liên quan tới tín ngưỡng, nhưng lại có liên quan mật thiết với khoa học tâm thần. Người ta không thể nào không biết đến kho tàng hiểu biết đó, cũng nằm trong tinh thần hiện tượng học Tây phương, nhưng được áp dụng vào hành động, được thực nghiệm. Có thể hai con đường hiện tượng học và phương pháp khoa học đó sẽ bổ túc và gây thêm phong phú cho nhau” (2). Ðứng về mặt lý thuyết, sở dĩ đạo Phật và khoa học phù hợp với nhau là vì chung với nhau một nền tảng, một số thái độ tinh thần, một số nhận định, tuy rằng có những điểm khác biệt về đối tượng và mục tiêu. Một nền tảng chung: Trí tuệ Ðiểm gặp gỡ căn bản giữa đạo Phật và khoa học là nền tảng dựa lên trên trí tuệ. Khoa học dựa lên sự hiểu biết xây dựng bởi lý trí con người. Ðạo Phật cũng dựa lên trên trí tuệ con người, noi theo gương Đức Phật, là “đấng phước trí vẹn toàn”. Trong khoa học cũng như trong đạo Phật, không có đức tin, và không cần tới đức tin. Tiếng Anh “believe” (tin tưởng) phát nguồn từ tiếng Ðức cổ xưa “liebe” có nghĩa là “yêu”. Do đó, có thể nói rằng đức tin thuộc vào phạm vi tình cảm chứ không phải là lý trí. Và đa số vấn đề đặt ra, đa số bất đồng giữa tôn giáo và khoa học xảy ra cũng chỉ vì các tôn giáo thần khải đều đặt nền tảng vào đức tin, vào tình cảm chứ không phải vào lý trí. Ðạo Phật không vướng mắc vào điều đó. Chủ thể là con người Trên con đường trí tuệ, khoa học cũng như đạo Phật khẳng định chủ thể là con người. Cả hai đặt trọng tâm vào con người, vì vậy có thể nói rằng đạo Phật và khoa học đều là những con đường nhân bản (humanisme). Theo khoa học, tất cả sự hiểu biết đều tùy thuộc bản chất và kinh nghiệm của con người, và ai ai cũng có thể nâng cao trình độ học thức, nhờ sự nỗ lực của chính mình. Chân lý đạt được không phải là chân lý thần khải do Thượng Ðế ban cho, mà là chân lý do con người phát hiện. Theo đạo Phật, tự con người làm cho mình mê muội, gây khổ đau cho mình, và cũng tự con người giác ngộ, giải thoát cho mình. Không ai có tác động vào con người, không có sự cứu rỗi hay thưởng phạt bởi Thượng Ðế hay một đấng thần linh nào. Không có định mệnh, cũng không có ngẫu nhiên, chỉ có luật nhân quả. Hơn nữa, ai ai cũng có thể giác ngộ, ai ai cũng có thể thành Phật được. Như vậy, khoa học cũng như đạo Phật mang lại cho con người tinh thần trách nhiệm, lòng tự tin ở khả năng của chính mình, quyền tự do chọn lựa, ít ra ở trong một chừng mực nào đó, và tinh thần bình đẳng trên con đường trí tuệ. Những khác biệt về mục tiêu và đối tượng Bàn về mục tiêu và đối tượng, chúng ta phải công nhận có những điểm khác biệt giữa khoa học và đạo Phật: Ðối tượng của khoa học là tất cả những gì có thể quan sát, thí nghiệm và nhận thức được: mọi hiện tượng, tự nhiên hay không, con người và mọi sinh vật, xã hội, v.v., thậm chí khoa học có thể tự nghiên cứu về chính mình. Có thể nói là không có một lĩnh vực nào nằm ngoài tầm khoa học, và phạm vi của khoa học mỗi ngày một tỏa rộng. Nhưng cũng có thể nói là khoa học không có một chủ đích nào ngoài sự hiểu biết mỗi ngày một sâu rộng và chính xác hơn. Tự khoa học không mang lại gì cho con người, ngoài sự hiểu biết. Khoa học đứng một vị trí trung lập và không liên quan gì đến đạo đức, tình cảm. Còn áp dụng khoa học ra sao lại là một vấn đề khác, mà chúng ta sẽ đề cập đến sau. Ngược lại với khoa học – hay đúng hơn bổ túc cho khoa học – đạo Phật có một mục tiêu nhất định, đó là diệt khổ, là giải thoát. Ðức Phật đã nhấn mạnh: “Này các tỳ kheo, cững như nước biển chỉ có một vị mặn, những điều ta dạy chỉ có một mục đích, đó là giải thoát”. Do đó, đạo Phật không chủ trương tìm hiểu tất cả những gì có thể hiểu biết được, mà chỉ đặt trọng tâm vào những gì đưa con người tới diệt khổ và giải thoát. Và vì quan niệm rằng “Phật tại tâm”, cho nên đối tượng của đạo Phật là cái tâm, điều đó rất rõ trong Thiền và Duy thức. Thay vì nghiên cứu ngoại cảnh như khoa học, đạo Phật chủ trương trở về với “bản lai diện mục”. Ðể mượn một hình ảnh, chúng ta có thể so sánh ánh sáng của khoa học như một ngọn đèn chói tỏa khắp nơi, trong khi đó ánh sáng của đạo Phật như một tia laser hội tụ vào một điểm. Rất có thể Đức Phật Thích Ca lấy một thái độ như vậy là vì vào thế kỷ thứ VI trước CN tại Ấn Ðộ, có nhiều khuynh hướng siêu hình luẩn quẩn trong những giả thuyết không đi tới đâu, trong khi đó khoa học chưa ra đời. Ðối với Đức Phật, đời người quá ngắn ngủi để có thể mất thời giờ trong những hoạt động không mang lại lợi ích gì cho mục tiêu chính, tức là giải thoát. Nhưng ngày hôm nay, sau bao nhiêu thế kỷ tiến hóa của loài người, với những sự hiểu biết không ngừng phát triển, có thể nào không tiếp nhận ánh sáng của khoa học? Giữa “biển khổ” mênh mông và “biển học” vô tận, người trí thức Phật tử làm thế nào để chọn lựa? Và liệu có cần chọn lựa? Hai con đường trí tuệ Khoa học dùng lý trí, lý luận để diễn giải, dùng những từ ngữ, biểu tượng để diễn đạt tư tưởng. Những hiểu biết được truyền đạt, thông tin qua những từ ngữ, biểu tượng, và nhờ đó có tính chất phổ biến, trên khắp hoàn cầu và vượt qua các thời đại. Ðạo Phật dùng lý trí để tìm hiểu giáo lý và gìn giữ giới luật, nhưng lý trí không đủ để đạt tới giác ngộ. Trí tuệ viên mãn (hay Bát Nhã) vượt khỏi phạm vi tri thức thông thường, vượt khỏi ngôn từ, biểu tượng. Ðó là một sự tỉnh thức toàn bộ và đột ngột, một trạng thái tâm linh gọi là “chứng ngộ”, có thể thực nghiệm sau một thời gian tu tập. Chính khoa học hiện nay cũng phải công nhận những hạn chế của lý trí, và khả năng trực giác phát xuất từ tiềm thức con người. Có lẽ “cái chính yếu không thể thấy được” (l’essentiel est invisible pour les yeux), cũng như lời con chồn nói với Hoàng tử Bé trong truyện của Saint–Exupéry. Tinh thần thực tiễn và thực nghiệm Thái độ của Đức Phật Thích Ca không khác gì thái độ của một người thầy thuốc. Chúng ta có thể nhận thấy qua bài giảng đầu tiên của ngài về Tứ Diệu Ðế, một trình tự khoa học, hợp lý và thực dụng, một phương pháp y học gồm 4 giai đoạn: chẩn đoán bệnh, tìm nguyên nhân bệnh, tiên lượng và điều trị bệnh bằng một liều thuốc hữu hiệu. Ðạo Phật chính là đạo thực nghiệm, bởi vì từ cái khổ cho tới cái diệt khổ đều là những kinh nghiệm của cuộc sống, và tu theo đạo Phật chính là tìm cách đi theo con đường Đức Phật đã đi qua. Tại Tây phương, sở dĩ nghiên cứu y học phát triển mạnh mẽ cũng là nhờ phương pháp khoa học thực nghiệm (sciences expérimentales) do Francis Bacon và Claude Bernard đề xướng, theo một trình tự gồm 4 giai đoạn: từ quan sát các hiện tượng, rút ra một số sự kiện, rồi tìm ra những định luật giải thích các sự kiện, và sau cùng xét nghiệm để kiểm tra những định luật đó. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng tinh thần thực tiễn và thực nghiệm là những đặc điểm làm cho đạo Phật và các khoa học áp dụng gần gũi với nhau. Tinh thần phê phán, phá chấp, cởi mở, khoan dung Ðặc biệt phù hợp với khoa học là tinh thần phê phán của đạo Phật. Phật tử nào cũng nhớ những lời dạy của Đức Phật cho người dân làng Kalama, khuyên họ luôn luôn giữ tinh thần phê phán, không chấp nhận một sự thật nào trước khi tự mình kiểm chứng bằng lý trí và thực nghiệm. Tinh thần khoa học chính là tinh thần phê phán, và cũng là tinh thần thực chứng (esprit positif), chối từ những cảm tưởng chủ quan, những truyền thuyết, tin tưởng, những giải thích huyền bí, siêu hình. Phá chấp, cởi mở và khoan dung, thường liên quan mật thiết với nhau, là những tinh thần cốt tủy trong đạo Phật. Ðức Phật coi con đường mình vạch ra như một phương tiện, như một “cái bè để qua sông”, như “ngón tay chỉ mặt trăng”, có tính chất vô thường như tất cả mọi pháp môn. Ðạo Phật không dựa lên trên kinh điển, mà chỉ coi kinh điển như những phương tiện giúp người Phật tử hiểu thêm giáo lý. Kinh điển chỉ là những lời dạy được chép lại, truyền từ đời này qua đời khác, và không tránh khỏi những hạn chế thời gian. Do đó, đức Ðạt Lai Lạt Ma đã không ngần ngại nói rằng: “Nếu khoa học chứng minh là kinh điển sai, thì phải thay đổi kinh điển” (1). Thật là một bài học phá chấp hiếm có trong lĩnh vực tôn giáo. Lẽ dĩ nhiên, tinh thần cởi mở, khoan dung đó đã mang lại cho cả hai bên những phát triển bổ ích. Khoa học mỗi ngày một thêm phong phú nhờ những lý thuyết mới, đôi khi mâu thuẫn nhưng luôn luôn bổ túc cho nhau, mỗi lý thuyết đem lại thêm một phần ánh sáng. Chẳng hạn như quan niệm vũ trụ cơ học của Newton, thuyết tương đối của Einstein và thuyết lượng tử của Bohr và Heisenberg, đã lần lượt làm cho con người hiểu biết thêm về thế giới. Còn đạo Phật sở dĩ trở thành đa dạng và sum suê như một cây đại thụ, cũng là nhờ ở sự đóng góp của chư vị tổ sư, luận sư và thiền sư như các ngài Phật Minh, Long Thụ, Vô Trước, Thế Thân, Huệ Năng, v.v., đã khai sáng những trường phái phong phú như Trung quán, Duy thức, Thiền tông, v.v.. Những nhận định phù hợp với khoa học: luật nhân quả, vô thường, vô ngã, lý duyên khởi Trong những nguyên lý căn bản của đạo Phật, những điểm cốt yếu như luật nhân quả, vô thường, vô ngã, và lý duyên khởi, đều được khoa học kiểm chứng hay ít ra công nhận là có căn cứ. Luật nhân quả, tuy đã có trước đạo Phật nhưng đã được hòa hợp vào giáo lý nhà Phật, chính là một trong những điểm tựa căn bản của khoa học. Bởi vì tất cả những bước tiến của khoa học đều nhằm thiết lập những tương quan từ nguyên nhân tới kết quả giữa các hiện tượng quan sát. Có thể nói rằng cũng như đạo Phật, phần lớn các nhà khoa học, từ Galilei tới Einstein đều theo thuyết quyết định (déterminisme). Sau này mới xuất hiện thuyết vô định (incertitude) của Heisenberg áp dụng trong vật lý nguyên tử, và định lý không thể quyết định (indécidabilité) của Gödel, đặt lại vấn đề căn bản của sự hiểu biết. Vô thường là một gạch nối giữa Ðông và Tây, bởi vì đồng thời với Đức Phật Thích Ca, hiền triết Hy Lạp Héraclite cũng đã nhấn mạnh vào khía cạnh lưu chuyển không ngừng của sự vật (panta rhei): “Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một giòng sông” (và ngay một lần cũng không vì giòng sông luôn luôn biến đổi). Có những triết gia khác như Parménide, Platon, và những tôn giáo thần khải lại quan niệm rằng có những hiện hữu vĩnh cửu, đó là Thượng Ðế, là linh hồn, là tư tưởng. Ðiều đó dĩ nhiên không thể nào chứng minh hay phủ nhận được. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, vô thường là điều được thực nghiệm hiển nhiên nhất. Sinh học cho ta biết mỗi giây phút có vô số biến chuyển trong mỗi động vật, thực vật, và ngay cả khoáng vật. Hàng triệu tế bào sinh ra và chết đi trong mỗi khoảnh khắc, trong da thịt, trong từng bộ phận cơ thể chúng ta. Và ngay cả hàng tỷ nơ ron mang tư tưởng của chúng ta cho đến hơi thở cuối cùng cũng không ngừng biến đổi. Có thể nói rằng vô thường chính là biểu hiện của thời gian, của sự sống. Vô ngã là một nét đặc thù tinh hoa của đạo Phật, đồng thời là sợi dây nối liền các ngành Nguyên thủy và Ðại thừa. Ngược lại với đạo Bà La Môn cho cái tiểu ngã cá nhân là một thực thể, một phần vĩnh cửu của cái đại ngã tuyệt đối, Đức Phật cho cái “ta” chỉ là một ảo tưởng, một sự cấu kết tạm thời bởi ngũ uẩn. Ðức Phật phủ nhận mọi cá nhân như một thực thể có tự tánh, biệt lập khỏi vũ trụ. Tại Tây phương vào thế kỷ XVIII, ngược lại với Descartes đặt nền tảng lên trên sự biểu tượng của cái “ta” (cogito, ergo sum), triết gia người Anh David Hume, tuy không biết gì về giáo lý của Đức Phật hơn 2.300 năm trước, cũng quan niệm rằng cái “ta” chỉ là một sự tập hợp các khái niệm trong ý thức, nối tiếp nhau một cách liên tục và biến đổi luôn luôn. Sau này, khoa học cũng mang lại nhiều luận chứng cho quan niệm vô ngã: Chẳng hạn như cơ thể con người bao gồm hàng chục cơ quan, hàng ngàn bộ phận, hàng tỷ tế bào, càng đi sâu vào phân tích càng không biết đâu là cái “ta”. Ngay cả những tư tưởng, những cảm xúc, cũng không biết cái nào có thể gọi là cái “ta”. Hơn nữa, cơ thể con người luôn luôn biến chuyển và không ngừng trao đổi với thế giới bên ngoài. Gọi là bên ngoài, nhưng thực ra là bên trong, bởi vì con người, về thể xác cũng như tinh thần, nằm bên trong một thế giới vĩ đại, và có liên quan ít nhiều với mọi thành phần trong thế giới đó. Nhờ những phát hiện của vật lý vũ trụ, người ta có thể khẳng định rằng con người chỉ là những hạt bụi của những ngôi sao xuất hiện cách đây khoảng 14 tỷ năm. Sau những biến chuyển không ngừng, từ những trạng thái cơ thể đơn bào cách đây 3 tỷ năm, rồi tới các cơ thể đa bào, qua những loài cá, loài bò sát, loài chim, rồi các động vật có vú, các loài khỉ, loài người (homo) đã xuất hiện trên trái đất này từ 2 triệu năm, cho tới chúng ta ngày hôm nay. Trải qua bao nhiêu đổi thay, phân hóa (différenciation), đấu tranh, thích ứng, loài người đã đạt tới vị trí tột đỉnh nhờ khối óc của mình, có thể gọi là cơ quan tinh vi nhất của sự sống. Nhưng con người cũng không thể quên được rằng mình chính là anh em bà con với thú rừng, chim cá, sâu bọ, cỏ cây và ngay cả sỏi đá. Con người tưởng mình đơn độc giữa hàng triệu loài sinh vật, hàng tỷ tỷ ngôi sao, nhưng thật ra có những sợi dây vô hình nối liền mình, trong không gian và thời gian, với vô số hiện hữu trong vũ trụ. Hiểu được như vậy có lẽ Trần Tử Ngang đã không có câu thơ: “Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất tri lai giả. Niệm thiên đia chi du du, Ðộc thương nhiên nhi thế hạ”. (Ai người trước đã qua? Ai người sau sắp tới? Ngẫm trời đất không cùng. Một mình rơi giọt lệ). Hoặc Blaise Pascal đã không kêu lên: “Le silence éternel de ces espaces infinis m’effraie” (Sự im lặng vô cùng của những khoảng không gian vô tận làm tôi hãi sợ). Tất cả đều có liên hệ, tương quan mật thiết với nhau, phụ thuộc vào nhau. Ðiều đó được ý thức một cách sáng tỏ trong đạo Phật, qua nguyên lý duyên khởi: “Khi cái này có thì cái kia có, cái này hiện thì cái kia hiện. Cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt” (Trung Bộ Kinh). Cách đây không lâu, vật lý hiện đại đã chứng minh điều đó, qua thí nghiệm quả lắc của Foucault (luôn luôn đi về một hướng, dù đặt ở đâu trong không gian), hay nghịch lý EPR (Einstein, Podolsky và Rosen: Khi một hạt nhân bị tan rã thành hai hạt A và B, mỗi hạt dường như “đoán trước” được hướng đi của hạt kia). Các nhà khoa học xác nhận rằng ở cấp vi mô cũng như ở cấp vĩ mô, vũ trụ bao gồm những mối liên hệ hỗ tương và có một trật tự toàn bộ, không phân chia (3). Khi một nhà khoa học nói: “Mỗi thành phần bao gồm toàn thể, và toàn thể phản ánh mỗi thành phần”, thì thật ra cũng không khác gì câu thơ của một vị thiền sư: “Một hạt bụi chứa đựng cả vũ trụ. Khi một đóa hoa nở, toàn thế giới hiển lộ”. Hay lời của Chandrakirti (Nguyệt Xứng), thuộc trường phái Trung quán: “Ai nhìn thấy một sự vật sẽ thấy tất cả mọi sự vật. Cái không của một sự vật là cái không của tất cả mọi sự vật”. Ðể tóm tắt lại, chúng ta có thể nói rằng đạo Phật và khoa học có nhiều điểm chung với nhau: 1. Nền tảng đặt lên trí tuệ, tuy rằng khoa học thuần lý trí, và đạo Phật vượt qua khỏi lý trí. 2. Chủ thể là con người, tự mình đạt tới trí tuệ do tu học. 3. Tinh thần phê phán, cởi mở và khoan dung. 4. Tinh thần thực tiễn, thực nghiệm. 5. Một vũ trụ quan trong đó mọi sự vật đều có liên hệ mật thiết với nhau, biến đổi không ngừng, theo những định luật tự nhiên. Bên cạnh đó, có vài điểm khác nhau là về mục tiêu và đối tượng: Khoa học không có chủ đích ngoài sự hiểu biết mỗi ngày một gần hơn sự thật, trong khi đạo Phật lấy giải thoát làm cứu cánh. Khoa học lấy cái “chân” làm tiêu chuẩn, lấy tất cả những gì có thể học hỏi được làm đối tượng. Trong khi đó, đạo Phật không tách rời “chân” và “thiện”, và lấy cái tâm của con người làm đối tượng. Như vậy có thể khẳng định rằng đạo Phật và khoa học trong những nét chính phù hợp với nhau và bổ túc cho nhau. Những kinh nghiệm của đạo Phật không mảy may chống đối với khoa học, mà còn có thể giúp cho khoa học phát triển, đặc biệt về khoa học tâm thần. Còn những hiểu biết của khoa học cũng không phủ nhận những nguyên lý căn bản của đạo Phật, mà có thể giúp đạo Phật hiện đại hóa, thích hợp với thời đại. Con người vừa cần đến khoa học, vừa cần đến một con đường hướng dẫn tâm linh. Cách đây 500 năm, khi con người mới bắt đầu đi vào con đường khoa học, nhà văn Rabelais đã mượn lời của nhân vật Pantagruel để cảnh giác: “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học mà không có lương tri chỉ đi tới sự phá sản của tâm hồn). Ngày nay, khoa học đã lan rộng trong mọi lĩnh vực, thấm nhuần mọi khía cạnh của cuộc sống, thay đổi sâu xa lối nhìn của con người. Các nhà khoa học đã lấn dần vào những lĩnh vực ngày xưa dành riêng cho các triết gia, các nhà tôn giáo, để lên tiếng về những vấn đề của thời đại. Nhưng, vì sự hiểu biết mỗi ngày một rộng lớn (hiện nay người ta ước lượng cứ mỗi 7 năm sự hiểu biết của nhân loại lại tăng lên gấp đôi), cho nên khoa học không thể nào tránh khỏi sự chuyên môn hóa và sự phân hóa thành những chi nhánh nhỏ tách rời nhau. Chỉ có mở rộng những giao thông liên lạc giữa các ngành khác nhau, mới có thể đi tới một sự hiểu biết toàn diện về cuộc đời. Vả lại, biên giới mỗi ngày một thêm mỏng manh giữa khoa học và triết học, giữa thể chất và tinh thần, giữa ngoại cảnh và nội tâm. II. Phần thực tế Ðạo Phật và những vấn đề thời đại liên quan tới khoa học. Thực tế mà nhìn, chúng ta phải công nhận rằng khoa học kỹ thuật đã đi sâu vào cuộc sống thường nhật, bao trùm mọi lĩnh vực xã hội và lôi cuốn con người với một sức mạnh không thể nào cưỡng lại được. Chúng ta có thể coi nó như một dụng cụ mỗi ngày một tối tân và lớn mạnh, hay tiêu cực hơn, như một cái trục lăn ép tất cả những gì nằm trên đường đi của nó. Nhưng dù muốn hay không, con người cũng cần tới khoa học kỹ thuật, cũng như cần tới kinh tế xã hội. Hơn nữa, tách rời khoa học kỹ thuật khỏi những lĩnh vực khác là một điều không tưởng, vì tất cả đều liên quan mật thiết với nhau, là Phật tử ai ai cũng biết rõ điều đó. Ðiểm thứ nhì là khi nói tới khoa học kỹ thuật, ai cũng thấy rõ có những điều tích cực và những điều tiêu cực, hay nói một cách khác, bao giờ cũng có “mặt trái của mề đay”. Nhưng lên án một số điều tiêu cực do khoa học kỹ thuật ngày hôm nay gây nên, cũng chỉ là một thái độ tiêu cực, không lợi ích gì. Thiết tưởng chúng ta nên cố gắng tìm hiểu một cách khách quan một số vấn đề do khoa học kỹ thuật đặt lên, và tạm thời đề ra một số giải pháp thích hợp với thời đại và được những giá trị tinh thần của đạo Phật soi sáng. Hơn nữa, khoa học không phải từ trên trời rơi xuống: Khoa học chỉ là một phương tiện, các nhà khoa học cũng chỉ là những bộ phận trong một guồng máy xã hội phức tạp, dưới sự chỉ huy của các nhà lãnh đạo chính trị. Lịch sử đã cho ta thấy rõ một số trường hợp lợi dụng khoa học trong những hành động vô nhân đạo. Áp dụng khoa học ra sao hoàn toàn tùy thuộc ý chí của xã hội, của con người. Y học: Những phát triển và thực trạng Trong những ngành khoa học, ngành y được coi là gặt hái được nhiều thành quả và lợi ích nhất cho nhân loại. Một tấm gương trong khoa học là nhà sinh học Louis Pasteur đã cứu sống được bao nhiêu nhân mạng và mở đầu cho những chiến thắng của con người trước bệnh tật. Nhờ vệ sinh, chích ngừa, thuốc kháng sinh, nhiều bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch ngày xưa vô phương cứu chữa đã được phòng ngừa và điều trị một cách hữu hiệu. Phẫu thuật đã tinh vi tới mức độ vi phẫu, dùng tia laser, thay bộ phận giả, ghép các bộ phận như thận, tim, gan, v.v.. Nhờ những máy siêu âm, nội soi, CT scanner, MRI, người ta đã có thể nhìn xuyên qua cơ thể con người, và chẩn đoán được nhiều trường hợp ung thư từ giai đoạn ban đầu. Thụ tinh nhân tạo và thụ thai trong ống nghiệm đã mang lại hạnh phúc gia đình cho bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn. Và trong chỉ vài năm nữa, bản đồ génome của con người sẽ được xác lập, và sẽ là chìa khóa mở cửa cho việc tiên đoán và điều trị bệnh tật từ gốc rễ. Ðó là những thành quả của y học, những gì đang xảy ra tại các nước tân tiến. Nhưng sự thật lại khác hẳn tại các nước chậm tiến, nghĩa là một phần lớn của nhân loại. Trong một báo cáo gần đây (4), bác sĩ Nakajima, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (OMS), cho biết “Hơn 1/5 nhân loại sống trong tình trạng cục kỳ thiếu thốn, gần 1/3 trẻ em thiếu dinh dưỡng và một nửa dân số không được dùng những thuốc men cần thiết nhất. Con người sống trung bình trên 75 tuổi tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, trong khi đó tại Ouganda4 chỉ chung quanh 40 tuổi. 40% tử vong trên thế giới là do các bệnh truyền nhiễm, phụ sản và sơ sinh, tức là các bệnh gần như là không còn thấy tại các nước tân tiến”. Ông kết luận: “Bệnh nghèo khó là bệnh giết hại nhiều nhất trên thế giới. Ðối với hàng triệu người phải tranh đấu mỗi ngày để sống còn, thì viễn tượng kéo dài cuộc sống có thể coi như một hình phạt hơn là một điều tốt”. Thực trạng của ngành y tế thế giới là như vậy. Một bên, tại các nước chậm tiến, vấn đề y tế rốt cục lại là một vấn đề kinh tế: Những hiểu biết y học căn bản và hiện đại không được áp dụng cũng chỉ vì thiếu phương tiện và tài chánh. Bên kia, tại các nước tân tiến, y tế đã đạt được chất lượng cao, nhưng mỗi ngày một thêm tốn kém, và trở thành một gánh nặng kinh tế cho toàn thể xã hội. Hơn nữa tại đây, những tiến bộ của y học và sinh học lại gây nên một số vấn đề mới. Những vấn đề mới của sinh học và y học Ðó là những vấn đề sinh đạo đức (bioéthique) do: ngừa thai và phá thai, ghép bộ phận, thụ thai trong ống nghiệm (fécondation in vitro), trợ tử (euthanasie), thay đổi di truyền, hay các bệnh xã hội mới như ma túy, nhiễm trùng HIV. Ða số những vấn đề này chưa tìm được giải pháp thích hợp, vì phức tạp và liên quan tới nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ tâm lý, xã hội, đạo đức cho tới luật pháp, kinh tế, với bao nhiêu quan điểm khác nhau. Những vấn đề này dĩ nhiên quá mới mẻ đối với đạo Phật, cũng như đối với các tôn giáo khác. Nhưng cái khác của đạo Phật là không có Thánh kinh bắt các tín đồ phải đi theo một con đường cố định. Người Phật tử phải biết khế cơ, khế lý, tức là làm thích hợp đạo Phật vào mỗi hoàn cảnh đặc biệt. Chẳng hạn như vấn đề kiểm soát dân số, là một trong những vấn đề trọng đại nhất trong những thập niên tới, không những cho các nước chậm tiến mà còn cho cả toàn thế giới. Hiện nay trên trái đất có khoảng 5 tỷ rưỡi người, và con số này được ước lượng sẽ nhân lên gấp đôi trong khoảng hai ba chục năm tới. Mỗi năm có thêm 100 triệu người, hay mỗi ngày thêm 200 ngàn người nữa phải nuôi thêm. Ngoại trừ một số nhà lãnh đạo tôn giáo, tất cả những nhà khoa học, xã hội, kinh tế, chính trị có tinh thần trách nhiệm đều đồng ý với nhau rằng đó là một vấn đề then chốt cho tương lai nhân loại, bắt buộc phải dùng đến những biện pháp hạn chế sinh đẻ hữu hiệu. Tuy rằng vấn đề này chưa đặt ra vào thời Đức Phật Thích Ca (dân số thế giới lúc bấy giờ chỉ mới có vài trăm triệu), nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng với mục tiêu diệt khổ, đạo Phật không có lý do nào chống đối sự kiểm soát dân số và hạn chế sinh đẻ. Ngược lại, nếu quá đông dân số đưa tới nghèo nàn, lạc hậu, tức là khổ đau, thì phải chống lại nguyên nhân của khổ đau, tức là phải hạn chế sinh đẻ, điều đó rất rõ rệt. Khác với các tôn giáo thần khải, quan niệm rằng sự sống có tính chất thiêng liêng do Thượng Ðế ban cho con người, đạo Phật đặt sự sống trong vòng vô thường vô ngã nhân duyên, nên không lấy sinh đẻ làm một tín điều bất khả xâm phạm. Ðối với đức Ðạt Lai Lạt Ma, không những phải chủ trương hạn chế sinh đẻ, mà còn “phải phát huy điều quan trọng này nữa” (1). Ngược lại, phá thai là một hành động đi ngược lại với tôn chỉ không giết hại (ahimsa) của đạo Phật, cũng là giới đầu tiên trong năm giới. Ðạo Phật dĩ nhiên không thể nào chủ trương phá thai, tức là giết hại mầm sống đang nẩy lên trong lòng người mẹ. Vấn đề là bắt đầu từ khi nào cái thai, lúc đầu chỉ là một số tế bào, trở thành một con người, một mạng sống? Ðối với một số nhà khoa học, có thể coi là một mạng sống từ khi bắt đầu có hệ thần kinh, tức là vào tuần thứ 3. Một số khác quan niệm rằng chỉ có thể gọi là một con người khi có đầy đủ các bộ phận, tức là từ tuần thứ 12. Trước đó, cái thai thuộc vào cơ thể người mẹ, và không có lý do gì người mẹ không có quyền quyết định trên cơ thể của mình. Tất cả những ai đã sống trong thời kỳ cấm phá thai còn ghi sâu trong ký ức những trường hợp tử vong do phá thai giấu giếm, thiếu vệ sinh gây nên bao nhiêu tang tóc, khổ đau. Dĩ nhiên, nên ngừa thai hơn là phá thai, ai ai cũng đồng ý về điều đó. Phá thai chỉ là điều bất đắc dĩ, khi tất cả các phương pháp ngừa thai đều thất bại, và lúc đó phải để người mẹ cùng gia đình quyết định. Con người phải tự trách nhiệm lấy mình, đó luôn luôn là tôn chỉ của đạo Phật. Vấn đề chẩn đoán tiền sinh (diagnostic anténatal) cũng như vậy. Khoa học ngày nay đã có khả năng chẩn đoán những bệnh tật của cái thai trước khi sinh đẻ, từ những tật nhẹ cho tới những bệnh thể sắc (maladies chromosomiques), có thể đưa tới điều trị trong tử cung hoặc phá thai. Gần đây, đức Giáo Hoàng lại lên tiếng kết án những phương tiện chẩn đoán tiền sinh, vì lý do tôn trọng tính chất thiêng liêng của sự sống. Là Phật tử, chúng ta có thể nghĩ rằng không có lý do gì cấm đoán sự hiểu biết trước khi sinh đẻ, nếu sự hiểu biết này đưa tới những phương pháp điều trị hữu hiệu. Lại một lần nữa, quyết định phải để cho người mẹ và gia đình chọn lựa, với những dữ kiện khoa học khách quan và những giá trị tinh thần của họ. Những vấn đề ghép bộ phận, thụ thai trong ống nghiệm, thay đổi di truyền cũng không gặp chống đối gì trong đạo Phật. Lấy bộ phận một người chết ghép cho một người bệnh để cứu sống người đó là một hành động từ bi, cứu khổ của gia đình người chết, và cũng là một thí dụ điển hình cho quan niệm vô thường, vô ngã. Nếu có tinh thần đạo Phật thì các nước Tây phương đã không gặp tình cảnh khan hiếm bộ phận ghép như ngày hôm nay. Thụ thai trong ống nghiệm chỉ là một kỹ thuật sinh học, không thay đổi gì trong sự hình thành của con người bắt đầu từ hai tế bào của người cha và người mẹ, cho nên cũng không đặt vấn đề gì cho người Phật tử. Còn thay đổi di truyền dĩ nhiên là một vấn đề quan trọng, nhưng tất cả vấn đề là làm theo chiều hướng nào. Nếu sự thay đổi đó nhằm giảm bệnh tật, chống lại với khổ đau thì dĩ nhiên phù hợp với đạo Phật. Nhưng nếu dùng những phương tiện đó để tạo nên những dòng vô tính (clones), để phân biệt chia rẽ những con người lẫn nhau, thì đạo Phật không thể nào chấp nhận được. Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, các nhà trách nhiệm khoa học, chính trị cũng đã cùng nhau soạn thảo những định luật gắt gao để phòng ngừa những sự trệch đường nguy hại có thể xảy ra. Gây chết nhẹ nhàng hay trợ tử (euthanasie) hiện đang là một đề tài thảo luận sôi nổi tại các nước tân tiến. Tại một số nước như Hoa Kỳ, Hòa Lan (5) , luật pháp tương đối khoan dung với những kẻ gây chết nhẹ nhàng cho bệnh nhân đã tới giai đoạn chót, theo lời yêu cầu của bệnh nhân và gia đình. Tại các nước khác, luật pháp nghiêm ngặt hơn, và có những tôn giáo chống đối lại một cách kịch liệt. Ðối với người Phật tử, lấy mục đích diệt khổ làm chính và quan niệm cuộc sống chỉ nằm trong vòng nhân duyên, thì sự gây chết nhẹ nhàng cho một bệnh nhân tới giai đoạn chót, yêu cầu ra đi một cách thanh thản, tránh cho gia đình kéo dài khổ đau, có lẽ là điều không đáng bị kết án. Dù sao những quyết định này quá hệ trọng để đặt trên vai một người, và có lẽ một ngày kia sẽ được ủy quyền cho một Ủy Ban Sinh Ðạo Ðức (Comité d’Ethique) trong mỗi cơ quan y tế. Về ma túy và nhiễm trùng HIV, là những bệnh của thời đại, thì đạo Phật cũng có một thái độ rõ rệt: Trong 5 giới, có 2 giới mà nếu con người đi theo thì đã (gần như) tránh được hai bệnh này, tức là không dùng những chất làm mờ ám tinh thần và không tà hạnh. Nhưng đối với người đã phụ thuộc ma túy hay bị nhiễm trùng HIV rồi, thì người Phật tử lại theo tinh thần từ bi hỷ xả, cố gắng hết sức giúp đỡ, chữa chạy, cảm thông. Vấn đề môi trường Nếu khởi đầu, khoa học không có chủ đích ngoài sự hiểu biết trừu tượng, vô tư, theo chiều hướng của Aristote, thì sau này khoa học đã có một mục tiêu rõ rệt, đó là dùng sự hiểu biết để thống trị thế giới, để làm chủ thiên nhiên. Khuynh hướng này đã xuất hiện tại Âu châu vào thế kỷ thứ XVII khi Descartes đề xướng ra một phương pháp “để chúng ta trở thành như người chủ, người sở hữu của thiên nhiên”(nous rendre comme maîtres et possesseurs de la nature). Ðó là một khúc quanh quan trọng của lịch sử khoa học, một đề án mà nhân loại, khởi đầu từ Tây phương, đã theo đuổi cho tới tận ngày hôm nay. Con người không còn tìm hiểu thiên nhiên để ngắm cái đẹp của nó, mà để làm chủ và khai thác nó bằng khoa học kỹ thuật. Ðề án đó dã không gặp trở ngại nào về mặt tôn giáo, bởi vì trong Thánh kinh đã có câu “Hãy sinh sôi nẩy nở trên toàn trái đất, và khắc phục trái đất này”. Chỉ có con người, đúng hơn linh hồn con người, mới có tính chất thiêng liêng bởi vì Thượng đế tạo ra theo hình ảnh hoàn mỹ của Ngài. Do đó, con người đứng một vị trí trung tâm giữa vũ trụ và có quyền hành trên mọi động thực vật trên thế giới này. Hơn nữa, theo Descartes, thể xác và tinh thần hoàn toàn khác biệt với nhau, cũng như loài vật và con người. Thể xác chỉ là vật chất trơ trụi, tuân theo định luật cơ học, cũng như các động vật chỉ là những cái máy, cho nên sự sống tự nó không có mảy may nghĩa lý gì. Quan niệm của Descartes hiện nay gặp những chống đối từ nhiều chân trời khác nhau, có kẻ gọi nó là một “đề án điên rồ”, có kẻ gọi nó là một thuyết “giả tạo” (artificialisme). Nhưng phải công nhận rằng đề án đó đã đưa tới những phát triển mau chóng, mạnh bạo của khoa học kỹ thuật, với những kết quả tích cực cũng như tiêu cực của ngày hôm nay. Theo nhà nhân chủng học Louis Dumont (5), cuối thế kỷ XX này có một khúc quanh lịch sử mới, chấm dứt thuyết giả tạo của Descartes, đó là khúc quanh sinh thái. Cách đây 30 năm, chữ “sinh thái” (écologie) chỉ có nghĩa là tìm hiểu những tương quan giữa sinh vật và môi trường. Nhưng ngày nay, nhờ các nhà khoa học, các nhà chính trị, các hội đoàn, qua những phương tiện truyền thông báo chí, sinh thái đã trở thành một lĩnh vực quan trọng của cuộc sống, với ý nghĩa bảo vệ môi trường, cho sự sống còn của trái đất. Những nghiên cứu khoa học cho ta biết rằng trái đất giống như một chiếc thuyền trong không gian, nhỏ bé, mỏng manh và hữu hạn. Không khí bao quanh trái đất cũng vô cùng mỏng manh, và những tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận trước sự khai thác triệt để của con người. Mặc dầu rất muộn màng so với hành động, nhưng tất cả đều ý thức rằng con người không thể tiếp tục ô nhiễm địa cầu một cách vô trách nhiệm, bởi vì làm như vậy tức là tự hủy hoại chính mình. Bằng chứng là các quốc gia đã chi tiêu những số tiền khổng lồ để bảo vệ môi trường, gaz CFC gây lỗ hổng ozone đã bị cấm, các vỏ hộp, chai có thể tuần hoàn lại (recyclable) được sản xuất nhiều hơn, các hội nghị quốc tế về sinh thái được tổ chức đều đều, và sinh thái học đã trở thành một ngành chuyên môn như bao nhiêu ngành khác… Ðối với đạo Phật, tôn trọng bảo vệ môi trường là một điều dĩ nhiên, tự nhiên, không cần phải nói. Mọi hiện hữu đều liên hệ mật thiết với nhau, phụ thuộc nhau, không tách rời nhau được, theo tinh thần vô ngã, nhân duyên. Phá hủy môi trường tức là tự phá hủy, và bảo vệ môi trường là một hành động sáng suốt, biết nhìn xa. Nếu Đức Phật Thích Ca sống giữa chúng ta ngày hôm nay, thì chắc chắn ngài sẽ tranh đấu để bảo vệ môi trường. Chiến tranh và khoa học kỹ thuật Lịch sử loài người đầy rẫy những chiến tranh, tàn sát, phá hủy, tang tóc, đầy rẫy những khổ đau do con người gây cho nhau. Nhưng chiến tranh cũng là một động cơ thúc đẩy con người phát triển, đa số các nhà sử gia, xã hội học đều phải công nhận như vậy. Cũng như tục ngữ La tinh đã có câu “Si vis pacem, para bellum” (Nếu muốn hòa bình, hãy sửa soạn chiến tranh), và câu của nhà văn Plaute “Lupus est homo homini” đã được triết gia Hobbes lặp lại: “Con người là một con chó sói đối với con người”. Trong cuộc chiến, khoa học kỹ thuật đóng góp một vai trò quan trọng. Ðiển hình là hai trái bom nguyên tử đầu tiên nổ trên Hiroshima và Nagasaki cách đây 50 năm, vừa chấm dứt Thế chiến thứ hai nhưng cũng mở đầu cho Chiến tranh Lạnh và một cuộc chạy đua vũ khí không ngừng. Ðể chế tạo khí giới kinh hoàng đó, một ngàn nhà khoa học, trong đó có vô số người đạt giải thưởng Nobel, đã làm việc gấp rút trong 3 năm trời, chung quanh một công trình trị giá một trăm tỷ đô la. Liệu hai trái bom này có kết liễu chiến tranh mau hơn hay không, và có tránh cho nhân loại nhiều cuộc chiến tàn hại hơn sau này hay không? Lịch sử sẽ trả lời. Chỉ có một điều chắc chắn: Khoa học đã mang lại cho con người những phương tiện tàn phá khủng khiếp, có thể trong một khoảnh khắc phá hủy cả nhân loại và thế giới. Ý thức được hiểm họa này, các nhà lãnh đạo cường quốc đã bắt đầu thương nghị và đi tới một số hiệp ước về ngăn chặn nguyên tử và giảm bớt một số khí giới. Nhưng chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ rằng các quốc gia tin cậy ở nhau và có thiện chí hủy bỏ khí giới nguyên tử. Trong khi đó, nghiên cứu về các khí giới mới vẫn tiếp tục, và các xưởng chế tạo khí giới làm giàu hơn bao giờ hết nhờ những cuộc chiến địa phương vẫn không ngừng tiếp diễn. Mới đây, chiến tranh vùng Vịnh đã chứng tỏ tầm quan trọng của những khí giới tân tiến như tên lửa chỉ huy bởi điện tử, tia laser, vệ tinh quan sát và truyền thông. Kiểm soát không trung vùng quanh trái đất đã trở thành một mục tiêu quân sự quan trọng của các cường quốc. Từ vệ tinh đầu tiên Spoutnik năm 1957, qua những bước đầu tiên của con người trên mặt trăng năm 1969, tới tàu con thoi không trung (navette spatiale) Challenger, mục đích vẫn là chiếm ngự không trung để kiểm soát trái đất. Thêm vào đó là mục tiêu kinh tế, với những vệ tinh truyền thông mang lại những thông tin, hình ảnh trên toàn thế giới. Thái độ của đạo Phật đối với bạo lực, chiến tranh từ xưa tới nay rất rõ rệt. Ðạo Phật chủ trương không giết hại, bất bạo động (ahimsa), tức là dùng từ bi chống lại bạo tàn, dùng trí tuệ chống lại sân hận, nhưng không quên lòng dũng cảm. Trong các loại bố thí, có vô úy thí, nghĩa là mang lại sự không sợ hãi, sự dũng cảm trước bạo lực. Yêu chuộng hòa bình không có nghĩa là thụ động, là chịu đựng tất cả những áp bức, bạo lực, là từ chối đấu tranh. Nhưng đấu tranh với tinh thần bất bạo động, theo gương sáng của Mahatma Gandhi. Chỉ bằng ý chí bất khuất của mình, một dân tộc đã hàng phục một cường quốc, đã tranh giành được độc lập, không đổ máu, không gây tang tóc như bao nhiêu cuộc chiến khác. Bạo động dễ, nhưng bạo động chỉ gây nên bạo động, và phá hủy. Bất bạo động khó, bởi vì cần đến một sức mạnh tinh thần vô biên, cần đoàn kết chung quanh bi, trí, dũng, nhưng kết quả mới tốt đẹp làm sao! Khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực khác Ðiều hiển nhiên là những phát minh lớn của khoa học và những bước tiến của kỹ thuật đã thay đổi một cách sâu đậm lối sống của con người. Kể từ nền văn minh “khoa học”, con người sẽ khó lòng trở lại những giai đoạn “thần thoại” và “siêu hình” thuở ban đầu, tuy rằng vẫn còn quá nhiều mê tín dị đoan. Nhờ máy móc, con người đỡ mệt nhọc trong công việc làm. Trong công nghiệp cũng như trong nông nghiệp, năng suất được tăng trưởng, thời gian làm việc rút ngắn hơn. Những phương tiện di chuyển giao thông giúp con người đi lại dễ dàng, mau chóng. Với những phương tiện truyền thông hiện đại, những máy điện tử, con người nay có khả năng thông tin truyền đạt những hiểu biết trong chớp mắt, từ những nơi cách nhau xa cả ngàn cây số. Và những bước tiến này mỗi ngày một nhanh, với những hậu quả không thể lường được. Nói như hai nhà tương lai học Alvin và Heidi Toeffler (6), thế giới đang đi vào làn sóng thứ ba, làn sóng của tin học hay siêu biểu tượng (supersymbolique), sau hai làn sóng nông nghiệp và công nghiệp. Ðó là một cuộc cách mạng lớn, mà trong đó khoa học kỹ thuật, do trí óc con người điều khiển, sẽ đóng một vai trò quan trọng. Mặt trái của sự phát triển này là khoa học kỹ thuật, bằng máy móc và điện tử, đã thay đổi con người, không những về lối sống mà còn về cách nhìn cuộc đời. Thử nhìn con cháu chúng ta, sẽ thấy chúng đã khác chúng ta đến như thế nào. Chúng coi máy truyền hình, chơi máy điện tử nhiều hơn là đọc sách, nô đùa giữa thiên nhiên. Con người hiện đại có khuynh hướng trở thành máy móc, chạy đua với thời gian, chạy theo tiện nghi vật chất, tự trói buộc mình vào những nhu cầu do quảng cáo và thị trường tạo ra. Từ đó đưa tới bao nhiêu lo lắng, căng thẳng, đôi khi tới khủng hoảng tinh thần. Stress đã trở thành bệnh của thời đại, và thuốc an thần đã trở thành loại thuốc được tiêu thụ nhiều nhất trong các nước kỹ nghệ hóa, đó là chưa kể những vấn đề phát sinh từ đô thị, bạo động, ma túy, v.v.. Xã hội đã đi tới một tình trạng mà liên hệ giữa con người với vật chất đã trở thành ưu tiên cao hơn liên hệ giữa những con người. Kinh tế đã trở thành lĩnh vực đầu tiên của cuộc sống, đối với xã hội cũng như cá nhân, bất cứ ở nơi nào trên thế giới. Dù muốn hay không, con người cũng bị lôi cuốn bởi kinh tế thị trường (hiện nay là hệ thống kinh tế duy nhất còn lại), và dốc mình vào làm việc, sản xuất để kiếm tiền và tiêu thụ. Nhưng ngày hôm nay, chính những nhà kinh tế, chính trị, xã hội học cũng phải đặt lại vấn đề căn bản của chiều hướng kinh tế thế giới. Làm sao có thể tiếp tục chạy theo sản xuất để tiêu thụ, tăng trưởng để tăng trưởng, như một cái xe lao mình về phía trước, không kiểm soát được tốc độ và định hướng của mình? Tiếp tục chiều hướng này liệu có mang lại gì cho hạnh phúc con người, mà xét cho cùng, là mục tiêu tối hậu của cuộc sống? Nhiều người đang tìm kiếm một mẫu mực kinh tế xã hội mới, trong niềm tin chắc chắn rằng chỉ có một sự thay đổi toàn diện, một cuộc cách mạng văn hóa thực sự, mới có thể lôi kéo nhân loại ra khỏi hiểm họa một cơn khủng hoảng lớn trên bình diện địa cầu. Vấn đề là làm sao thay đổi hẳn chiều hướng xã hội, để con người làm kinh tế không phải là để chạy theo tiền bạc, làm khoa học không phải để làm chủ thiên nhiên, mà để sống trong hạnh phúc thực sự, hòa hài giữa những con người và vũ trụ.

Ðể kết luận một cách giản dị: Đạo Phật và khoa học có thể cùng nhau mang lại chân hạnh phúc cho con người; được hay không, điều đó hoàn toàn tùy thuộc ở cái tâm con người.

Ðầu thu 1995/ Chia sẽ ebook:

http://downloadsachmienphi.com/

Tham gia cộng đồng chia sẽ sách:

Fanpage: https://www.facebook.com/downloadsachfree

Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach

Tài liệu tham khảo

  1. S.S. Le Dalai Lama, J.C. Carrière, La force du bouddhisme, Robert Laffont 1994
  2. Rencontre avec Francisco Varela, Revue Sciences Humaines 8–9/1993
  3. Trịnh Xuân Thuận, La mélodie secrète, Fayard 1988
  4. Le Monde, 4/5/1995
  5. Le Monde, Un entretien avec Louis Dumont, 23–24/4/1995
  6. Heidi & Alvin Toeffler, Créer une nouvelle civilisation: la politique de la troisième vague, Fayard 1995

 

Facebook Comments Box

Trả lời