1353 lượt xem

Xin giới thiệu cuốn sách hay về Phật Giáo mong dịch Việt

Thích Pháp Cẩn

Khoa Học Từ Bi (Compassion Science). Sách do nhà xuất bản lừng danh Oxford ấn hành năm 2017, mới toanh.
Mấy năm trước mình có học lớp nội dung này (Khoa Học của Từ Bi–Science of Compassion) do gs Tâm Lý Học Stacey Dunn dạy. Lớp dùng phương pháp khoa học xã hội, cụ thể là phương pháp trong tâm lý học, để nghiên cứu về từ bi của Phật Giáo. Lớp thật là hay và ý nghĩa. Mình thấy được cách khoa học tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu những lời Phật Giáo dạy ra sao.
Khoảng 15 năm trước, một nhà khoa học người Anh mình quên tên có viết trong một tạp chí rằng một trong vài chủ đề nghiên cứu hứa hẹn trong tương lai của Tâm Lý Học là tìm cách chứng minh những tuyên bố trong Phật Giáo. Một trong vài khác biệt của Phật Giáo với một số, không phải tất cả, tôn giáo khác đó là tính thực nghiệm. Sự giác ngộ của Phật Thích Ca Mâu Ni do hành thiền diễn ra trong khi ngài còn sống, lúc 35 tuổi. Giáo lý của ngài đại ý bảo hãy nỗ lực tu học để giải thoát ngay trong kiếp sống này chứ không phải giải thoát hay đạt được cứu rỗi trong kiếp sau hay sau cái chết. Vì khoa học thường giới hạn trong nghiên cứu những vấn đề của kiếp này, mà không phải sau khi chết, nên trên lý thuyết thì phương pháp khoa học có thể chứng minh được một số tuyên bố, nhận định trong Phật Giáo.
Hai lĩnh vực được Tâm Lý Học nghiên cứu về Phật Giáo gồm Chánh Niệm (mindfulness) và Từ Bi (Compassion).
Lĩnh vực thứ nhất, chánh niệm, được nghiên cứu ở khoa Tâm Lý Học có vẻ nhiều hơn từ bi. Có nhiều cuốn sách, học giả nghiên cứu về chánh niệm hơn từ bi. Lịch sử nghiên cứu chánh niệm cũng diễn ra trước nghiên cứu từ bi khoảng một vài thập kỉ thì phải. Mình không chắc nhưng nhìn thấy số lượng sách/tạp chí hàn lâm về chánh niệm nhiều hơn từ bi. Nhân vật Phật Giáo gắn liền với chánh niệm Phật Giáo là một người Việt Nam, thiền sư Nhất Hạnh. Cũng chính gs Stacey Dunn này hướng dẫn mình làm một nghiên cứu khoa học về chánh niệm ảnh hưởng lên sinh viên mấy năm trước.
Mình thấy may mắn được học cả về Chánh Niệm lẫn Từ Bi trong Đại học Mỹ.
Lĩnh vực nghiên cứu thứ hai là từ bi. Thực ra dịch sát nghĩa thì chữ compassion dịch là bi thôi chứ không phải từ bi. Nhưng nhân gian ta quen việc gọi compassion là từ bi nên dịch thế cũng được. Nhân vật Phật Giáo được gắn với khái niệm từ bi này là Đức Dalai Lama. Học lớp này nhắc nhiều về ngài. Chỉ một số lượng nào đó cá nhân thích chánh niệm nhưng hầu hết con người đều thích từ bi. Do đó, nghiên cứu về từ bi, hiện nay còn mới mẻ, là một lĩnh vực hứa hẹn của Khoa Học Tâm Lý đương đại.
Mình có khả năng và muốn dịch Việt cuốn này nhưng hơi bận một số việc khác.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách hay này và mong có ai dịch Việt.

 

 

Facebook Comments Box

Trả lời