640 lượt xem

Tứ Vô Lượng Tâm

Thích Trừng Sỹ

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Giáo lý của đạo Phật là giáo lý của hòa bình, từ bi, và trí tuệ do Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni giảng dạy được kết tập thành Kinh tạng, Luật tạng, và Luận Tạng. Nơi nào giáo lý của đạo Phật được tu học, thực hành, và áp dụng vào trong đời sống hằng ngày, thì nơi đó người dân thực sự có được hòa bình, an vui, và hạnh phúc. Tứ Vô Lượng Tâm (Catasso appamaññāyo) được Đức Phật thuyết giảng là một trong những giáo lý thiết thực, giá trị, và hữu ích cho mọi người để thực tập và đem lại an vui và hạnh phúc cho số đông trên khắp hành tinh này.

Tứ vô lượng tâm (Catasso appamaññāyo) gồm có:

  1. Từ vô lượng tâm (sa. Maitry-apramāṇa, pi. Metta appamaññā)
  2. Bi vô lượng tâm (sa. Karuṇāpramāṇa, pi. Karuṇā appamaññā)
  3. Hỷ vô lượng tâm (sa. Muditāpramāṇa, pi. Muditā appamaññā)
  4. Xả vô lượng tâm (sa. Upekṣāpramāṇa, pi. Upekkhā-appamaññā).

Tứ vô lượng tâm (Catasso appamaññāyo) còn gọi là Tứ phạm trú (Caturbrahmavihāra); Catu là bốn; appamaññā là vô lượng, vô biên, bao dung, rộng lượng, ôm ấp, không giới hạn, không không biên cương, không ranh giới, không phân biệt, v.v… Brahma là cao thượng, thánh thiện, phạm hạnh; Vihara là nơi chốn, trú xứ, là trạng thái an lạc của thân tâm; Brahmavihara là trạng thái an lạc và cao thượng của hành giả tu tập, thuần thục, và chín mùi trong Phật Pháp. Hơn nữa, Vihara nghĩa đen của nó là nơi chốn tu tập của bậc thánh, là chỗ ở của chư thiên, nghĩa bóng của vihara là trạng thái thanh lương, cao thượng, an lạc xuất phát từ thân và tâm an lạc của hành giả có trí tuệ, đạo đức, và thiền định.

Tâm thuộc về phần tinh thần tương tức với phần vật chất, cụ thể là thân vật lý; thân thuộc về phần vật chất tương tức mật thiết với tâm; Cả thân và tâm không bao giờ tách rời nhau như hình với bóng như sóng với nước.

Tâm được diễn tả ở đây có nghĩa là trạng thái an lạc, thanh tịnh, mát mẻ không bao giờ chất chứa sầu, ưu, bi, khổ, não, v.v… Những ai có tu tập và thực hành Tứ vô lượng Tâm là họ đang an trú chỗ ở của các bậc thánh hay chỗ ở của chư thiên.

Tứ vô lượng tâm có thể nói gọn là Tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, và tâm xả vô lượng tương tức với nhau và không bao giờ tách rời khi mình đem ra tu tập và làm lợi ích cho tha nhân. Tuy nhiên, để hiểu rõ Tứ vô lượng tâm, mình có thể thảo luận và phân tích từng phần chi tiết dưới đây như sau:

1. Từ vô lượng tâm (Metta appamaññā): Từ là tình thương lớn được ví như ánh sáng mặt trời có khả năng hiến tặng và bao trùm tất cả các loài hữu tình và vô tình trên trái dất này. Tâm từ trong Phật giáo bao gồm người có đạo hay người không có đạo, người Phật tử hay người không Phật tử, người da trắng hay người da đen, người da vàng hay người da đỏ, da nâu, người nam hay người nữ, người Hoa Kỳ hay người Việt Nam, Người Úc hay người Nhật, v.v… Thật vậy, tâm từ bao gồm không những con người, mà còn bao gồm luôn cả con vật. Tâm từ không bao giờ phân biệt quốc gia, màu da, chủng tộc, tôn giáo, giới tính, v.v…

Tâm từ trong Phật giáo là tình thương vô điều kiện trong khi tình thương thế gian là tình thương có điều kiện, bị giới hạn trong tình yêu luyến ái, lứa đôi, và hôn nhân, tình yêu vị kỷ, hẹp hòi, dính mắc, chấp trước, phiền muộn, hệ lụy, v.vv…

Chúng ta biết Tâm từ vô lượng không bao giờ chất chứa sân giận, bạo động, và hận thù. Tâm từ có khả năng nhận diện và chuyển hóa sân giận và hận thù. Trong bài kệ Pháp Cú số 5, Đức Phật dạy:

Hận thù diệt hận thù

Đời nầy không thể có

Từ bi diệt hận thù

Là định luật thiên thu.

Người có tâm từ có khả năng chế người được sân giận, bạo động, và hận thù. Người có tâm từ luôn đem lại hòa bình, an vui, và mát mẻ cho chúng sinh trong trái đất này. Người có tâm từ luôn hạnh phúc và an lạc trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, và làm việc, kể cả trong khi ngủ nghỉ đều ngon lành và an giấc.

Người có tâm từ khi sống thì hạnh phúc, và khi chết thì an vui và được sinh về thế giới an vui. Người có tâm từ có khuôn mặt hiền hòa và dễ mến được mọi người gần gũi về mến thương. Người có tâm từ là bạn hiền của tất cả mọi người và mọi vật trên thế gian này. Người có tâm từ luôn được chư thiên gia hộ.

Thực vậy, thực hành tâm từ trong nhiều phương, hằng ngày, chúng ta có thể cầu nguyện và rải tâm từ đến tất cả chúng sinh ở phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên, phương Dưới, bên trái, bên phải, phía trước, phía sau, v.v…

2. Bi vô lượng tâm (Karuṇā appamaññā): Bi là lòng thương xót, là năng lực, là động lực thương xót. Bi là năng lực lớn làm cho tâm ta rung động khi thấy người khác đau khổ. Bi là tâm mềm dịu, uyển chuyển, linh động, bình đẳng, và vị tha. Người có tâm bi có khả năng giúp người khác vơi đi bớt đau khổ. Người có tâm bi lớn giúp người không bao giờ mong cầu người trả ơn, đền ơn, và đáp nghĩa. Người có tâm bi luôn có tinh thần dấn thân và phụng sự cho tha nhân.

Đức Phật, Người có tâm bi lớn cứu độ cho Ông Sunita, người hốt phân, giai cấp cùng đinh trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật.

Đức Phật có lòng bi lớn cứu độ cho Bà Ambapālī, kỹ nữ hạng sang thuộc gia cấp Sát-đế-lợi, trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật.

Đức Phật có lòng bi lớn cứu độ cho Angulimāla, kẻ sát nhân, quyết tâm từ bỏ làm ác, nguyện học và thực hành bất bạo động, giác ngộ lời Phật dạy, và sau này trở thành đệ tử xuất gia của Đức Phật, với pháp danh là Ahimsaka Vô hại.

Đức Phật có lòng bi lớn cứu độ cho vua Bimbisāra thuộc giai cấp Sát-đế-lợi, vị Vua đầu tiên trở thành đệ tử tại gia của Đức Phật. Khi là một người đời, vị Vua này ra lệnh giết hàng trăm con thú hằng tháng để làm lễ tế thần. Khi có duyên lành lắng nghe lời Phật dạy, vị Vua này quyết tâm từ bỏ sát sinh, và trở thành người bảo hộ động vật nhiệt thành.

Đức Phật có lòng bi lớn cứu độ cho Tisa Gotami, người có đứa con bị rắn cắn, giác ngộ lời Phật dạy, hiểu rõ được vô thường, và sau đó, trở thành nữ đệ tử xuất gia của Đức Phật.

Thực vậy, người ta tập tâm bi có khả năng nhận diện và chuyển hóa phiền muộn, buồn phiền, lo âu, và sầu muộn. Trong Kinh Pháp Cú kệ số 223, Đức Phật dạy:

Lấy không giận thắng giận,

Lấy thiện thắng không thiện,

Lấy thí thắng xan tham,

Lấy chơn thắng hư ngụy.

Như vậy, tâm bi là lòng trắc ẩn cao thượng không bao giờ kỳ thị và phân biệt màu da, tôn giáo, chủng tộc, giới tính, v.vv…

Tâm bi luôn đi với tâm từ và hỗ trợ tâm từ với nhau rất mật thiết. Chúng ta biết từ bi trong Phật giáo là tình thương yêu không diều kiện trong khi tình thương thế gian là tình thương có điều kiện, hệ lụy, và dính mắc. Tình thương không điều kiện đưa niềm vui vị tha cho tự thân và cho tha nhân ngay bay giờ và ở đây trong đời sống hiện tại.

3. Hỷ vô lượng tâm (Muditā appamaññā): Hỷ là niềm vui trong Pháp học, Pháp hành, Pháp hỷ, và Pháp lạc. Hỷ là tâm vui không những cho mình, mà còn cho những người khác. Hỷ không phải là niềm vui thỏa thích riêng của một cá nhân. Hỷ là niềm vui vị tha, không điều kiện, và không vướng mắc.

Hỷ trong Phật giáo không những vui với sự thành công của chính mình, mà còn vui với sự thành công của người khác. Hỷ thế gian là niềm vui với chính mình đưa đến vị kỷ, nhưng hỷ vô lượng là niềm vui với kẻ khác đưa tới vị tha. Hỷ trong sự tu tập và chuyển hóa là niềm vui vị tha.

Nếu mình vui với cái sự thành công của người khác là mình có phước. Họ có phước và mình cũng có phước. Đây mình gọi là niềm vui vị tha và cộng hưởng giữa mình và người khác.

Niềm vui trong việc làm điều lành, nghĩ điều lành, và nói điều lành vào buổi sáng, buổi trưa, và buổi tối đưa tới lợi mình, lợi người, và lợi cho số đông ngay trong cuộc sống hiện tại. Vui trong việc tu tập, hành trì, và ứng dụng Phật Pháp vào trong đời sống hằng ngày có khả năng đem lại lợi ích cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

Người tu tập tâm hỷ có khả năng nhận diện và chuyển hóa tâm ganh tị và bực tức. Người không có tâm hỷ khi thấy ai thành công dễ sinh lòng ganh tị và bực tức; Ganh tị và bức tức dễ đưa con người tới hố sâu của sự kỳ thị, sân giận, và hận thù.

Đề-bà-đạt-đa, người không có tâm hỷ thường sinh tâm ganh tị với Đức Phật. Với tâm hỷ giác ngộ, khi cuối đời, tâm ganh tị của Đề-bà-đạt-đa được chuyển hóa trong ăn năn cuối cùng của ông đối với Đức Phật.

Chúng ta biết tâm ganh tị và thù hận đưa tới tranh giành giữa người với người, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia với quốc gia, v.vv… Ngược lại, tâm hỷ có khả năng đưa hạnh phúc và an vui giữa người với người, tôn giáo với tôn giáo, quốc gia với quốc gia, v.vv…

Người tu tập tâm hỷ có khả năng đốt cháy và thiêu rụi lòng ganh tị và bực tức đưa con người tới an vui, hạnh phúc, và bình an. Những ai tu tập tâm hỷ luôn có đời sống thanh cao và hạnh phúc. Như vậy, tu tập tâm hỷ, chúng ta vui với sự thành công cả vật chất lẫn tinh thần của tha nhân ngay trong đời sống hiện tại.

Tâm từ, tâm bi, và tâm hỷ có các mối liên quan với nhau rất mật thiết. Tâm hỷ là niềm vui vô ngã và vị tha rất khó thực tập hơn tâm từ và tâm bi. Khi thấy người khác thành công đôi lúc mình không có vui với sự thành công của họ, và ngược lại, mình đem tâm ganh tị với họ. Tuy nhiên, với hạnh tu tập tâm hỷ vị tha, mình có thể nhận diện và chuyển hóa vị kỷ và ganh tị thành vị tha và vô ngã. Thực vậy, thực tâp tâm hỷ vị tha có khả năng đưa an vui và hạnh phúc tới cho mình và cho người ngay trong đời sống hiện tại.

249. Vì có tâm an vui, nên người ta mới cúng dường. Trái lại, kẻ có tâm ganh ghét người khác được ăn, thì ngày hoặc đêm kẻ kia không thể định tâm được.

Do tín tâm, hỷ tâm

loài người mới bố thí.

Ở đây ai bất mãn

người khác được ăn uống,

người ấy ngày hoặc đêm,

không đạt được tâm định.

(Pháp Cú kệ số 249)

250. Nhưng kẻ nào đã đoạn được, nhổ được, diệt được tâm tưởng ấy thì ngày hoặc đêm, kẻ kia đều được định tâm.

Ai cắt được, phá được,

tận gốc nhổ tâm ấy.

người ấy ngày hoặc đêm,

tất đến được tâm định.

(Pháp Cú kệ số 250)

4. Xả vô lượng tâm (Upekkhā appamaññā): Upekkhā là buông xả, bố thí, bao dung, ôm ấp, bình đẳng, không phân biệt, không dính mắc, không chấp trước.

Những ai có tâm xả sống an vui và tự tại như con sư tử hùng mạnh, không sợ hãi bất kỳ âm thanh và tiếng động nào trong cuộc sống.

Người tu tập tâm xả giống như luồng gió thổi, không sợ mắc kẹt vào trong màn lưới.

Người tu tập tâm xả giống như những loại hoa sen tươi tốt mọc ra khỏi bùn nhơ nước đục, nhưng không bị bùn nhơ nước đục làm ô nhiễm. Cũng vậy, người tu tập tâm xả sống trong thế gian, nhưng không bị thế gian làm ô nhiễm.

Người tu tập tâm xả giống như những hòn đảo vững chắc nhất của tự thân không sợ hãi mọi phong ba và bảo tố của cuộc đời.

Người tu tập tâm xả giống như những con tê giác dũng mãnh tiến những bước đi phía trước vững chãi và mạnh mẽ nhất trong cuộc đời.

Người tu tập tâm xả giống như con chim có đầy đủ hai cánh bay vút trên bầu trời cao để tận hưởng không gian thênh thang. Người tu tập tâm xả luôn sống một cuộc đời tự tại, nhẹ nhàng, thanh thản, và thanh cao.

Người tu tâm xả luôn có chánh niệm và vững mạnh trong ý nghĩ, lời nói, và việc làm và có khả năng chế ngự thờ ơ, lãnh đạm, và luyến ái.

Có bốn loại tâm xả: 1. Tài xả, 2. Pháp xả, 3. Vô úy xả, và 4. Phiền não xả. Với tu tập tâm xả, những gì mình giúp người khác, mình không thấy mình cho, vật được cho, và người nhận.

Đem vật chất hiến tặng cho người khác gọi là tài xả; Đem Phật Pháp trao truyền cho người khác gọi là Pháp xả; Đem thân tâm không sợ hãi giúp cho người khác bằng ý nghĩ, lời nói, và việc làm là vô úy xả. Ví dụ, trái đất hình tròn, mình cứ nói là hình tròn dù ai có nói là hình vuông và đe dọa bắt mình, thì mình vẫn nói trái đất là hình tròn; Đem sự tu tập của mình để thanh lọc và chuyển hóa phiền não thì gọi là phiền não xả.

Người tu tập tâm xả luôn an vui và tự tại giữa những khen chê ở đời. Trong Kinh Pháp Cú kệ số 81, Đức Phật dạy:

Bậc trí như vách đá

Gió cuồng nộ chẳng lay

Lời tán dương phỉ báng

Không xao gợn đôi mày.

Xả và hỷ luôn đi đôi và hỗ trợ với nhau. Xả thành công là nhờ hỷ, và hỷ thành công là nhờ xả. Từ và bi, hỷ và xả là những cập phạm trù đi đôi và trợ với nhau. Người tu tập tâm xả tâm thức luôn bao dung, tha thứ, và rộng mở không bị kẹt vào “Được và mất, vinh và nhục, khen và chê, sướng và khổ” (Bát phong). Tám ngọn gió này luôn làm con người bị điên đảo và khổ đau.

Đức Phật, Người tu tập tâm xả có khả năng nhận diện và chuyển hóa những người khác, như cô Cincā mānaviā giả làm phụ nữ man thai để vu khống Đức Phật, như vị Bà-la-môn tới chửi mắn Đức Phật.  

Đức Phật đưa ra một ví dụ rất sâu sắc. Hôm nay, có người đem quà tới bạn nếu bạn không nhận thì món quà thuộc về ai? Bà-la-môn trả lời, “dĩ nhiên, món quà thuộc về tôi.” Cũng vậy, những gì ông chửi tôi, tôi không nhận, khẩu nghiệp thuộc về ai? Khi nghe Đức Phật nói, Ông Bà-la-môn cảm thấy rất xấu hỗ, khởi tâm sám hối, và xin trở thành đệ tử tại gia của Đức Phật.

Tóm lại, Tứ Vô Lượng Tâm (Catasso appamaññāyo) là một trong những lời Phật dạy rất thiết thực và hữu ích có liên quan tới những lời dạy khác của Đức Phật như mười Ba-la-mật của Phật giáo Nam truyền hay sáu Ba-la-mật của Phật giáo Bắc truyền như sau:

  1. Bố thí (Dàna)
  2. Trì Giới (Sìla),
  3. Xuất Gia (Nekkhamma)
  4. Trí Tuệ (Pannà)
  5. Tinh Tấn (Viriya)
  6. Nhẫn Nại (Khanti)
  7. Chân Thật (Sacca)
  8. Quyết Ðịnh (Adhìtthàna)
  9. Tâm Từ (Mettà), và
  10. Tâm Xả (Upekkhà).

(Mười Ba-la-mật của Phật giáo Nam truyền)

  1. Bố thí Ba-la-mật
  2. Trì giới Ba-la-mật
  3. Nhẫn nhục Ba-la-mật
  4. Tinh tấn Ba-la-mật
  5. Thiền định Ba-la-mật
  6. Trí huệ Ba-la-mật

(Sáu Ba-la-mật của Phật giáo Bắc truyền)

Trong từ và bi có trí tuệ, và ngược lại, trong hỷ và xả có từ, bi. Tu tập Tứ Vô Lượng Tâm đúng đắn, chúng ta có khả năng đưa hòa bình và lợi ích tới mình, gia đình, học đường, xã hội, quốc gia, và quốc tế. Người tu tập Tứ Vô Lượng Tâm có khả năng nhận diện và chuyển hóa phiền não thành Bồ-đề, thù thành bạn, khổ đau và bất hạnh thành an vui và hạnh phúc. Người tu tập Tứ Vô Lượng Tâm có khả năng xây dựng một cõi thiên đường hay cực lạc ngay tại thế gian này qua Pháp học, Pháp hành, Pháp hiểu, Pháp hỷ, và Pháp lạc.

Kính chúc quý vị an trú và thấm nhuần Phật Pháp của Đức Thế Tôn.

The Four Immeasurable Minds

Facebook Comments Box
Thẻ tìm kiếm:

Trả lời